Bắc Giang: Đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng

Thảo Anh 13/12/2023 14:11

Với những kết quả tích cực mà mô hình hợp tác xã (HTX) mang lại trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung phát triển đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; phấn đấu đến 2025, có tối thiểu khoảng 30% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.

Nhiều mô hình HTX hiệu quả

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, Bắc Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự xã hội nông thôn ngày càng ổn định.

Đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng -0
HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (xã Trường Sơn, huyện Lục Nam). Ảnh: ITN 

Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 148/182 xã, dự kiến đến cuối năm có 154/182 xã đạt chuẩn đích NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6/10 huyện đạt chuẩn NTM, dự kiến đến hết năm 2023 có thêm 1 huyện về đích NTM, hoàn thành 100% mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang Nguyễn Hữu Thống cho biết, trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM và mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, HTX nông nghiệp có vai trò, vị trí rất quan trọng, thực hiện hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất. Thực tế, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...), một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương.

Cùng với đó Bắc Giang cũng đã tập trung tổ chức truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả.

HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) nổi tiếng với sản phẩm mỳ sạch, trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Giám đốc HTX Đào Thị Hương cho biết, năm 2014, thành lập HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương. Ban đầu, sản phẩm của HTX đóng trong túi ni lông, chưa có tem nhãn, chủ yếu tiêu thụ cho khách quen. Đến năm 2017, HTX đã thay đổi mẫu mã bao bì từ túi ni lông sang túi giấy cao cấp và đưa được 3,3 tấn mỳ sang tiêu thụ tại Nhật Bản.

Bước sang năm 2018, HTX bắt đầu đầu hướng đến làm mỳ rau củ để tăng dinh dưỡng cho loại thực phẩm này, góp phần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Hiện sản phẩm mỳ của HTX đã có mặt tại nhiều nước như Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Nhật Bản, Lào, Campuchia. HTX có sản phẩm mỳ Chũ Green được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc năm 2021 và nhiều sản phẩm khác đạt chứng nhập OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX thu về từ 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Tương tự, Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (xã Trường Sơn, huyện Lục Nam) Nguyễn Văn Đức chia sẻ, năm 2017 HTX bắt đầu thành lập, những ngày đầu tiên khu nhà xưởng chỉ rộng 500m2, đến nay HTX có khu nhà xưởng và trưng bày rộng khoảng 1 nghìn m2 và có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội. Sản phẩm chính của HTX là trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong, nấm linh chi.

HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất khép kín; trang bị hệ thống sấy thăng hoa, sấy lạnh nên sản phẩm giữ được màu sắc, hương vị, dược tính; sản phẩm bảo đảm “3 không” (không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản). Năm 2021, trà hoa vàng của HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Trung bình một năm, HTX đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 20-30%. Thời gian tới, HTX cũng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Phát triển HTX gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương đôn đốc các xã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình theo kế hoạch, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng -0
HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) nổi tiếng với sản phẩm mỳ sạch. Ảnh: ITN

Đồng thời giao cho các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình và giải ngân nguồn vốn. Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quan tâm duy trì phong trào ngày chủ nhật xanh, chú trọng giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn nhất là khu trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng và các trục đường giao thông.

Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất 1 HTX là những mô hình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực; mỗi năm có ít nhất 20 HTX được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; 35 HTX được hỗ trợ tập trung đất đai… Tăng cường hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng, chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản và chế biển sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn.

Theo đó, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTX đạt từ 5 tỷ đồng/năm trở lên. 

Vận động từ 40-50% tổng số hộ nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia là thành viên HTX nông nghiệp. Phấn đấu đưa giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu có trên 60 HTX nông nghiệp ứng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp. Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi đa số các HTX mới hình thành, quy mô nhỏ, nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý các HTX được đào tạo bài bản còn hạn chế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, kế hoạch cũng đề ra giải pháp tiếp tục xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh HTX và các tổ chức chính trị - xã hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bắc Giang: Đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO