Ba từ khóa của Ngân hàng Nhà nước

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:32 - Chia sẻ
Thận trọng, linh hoạt và hài hòa, đây sẽ là ba từ khóa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2014 khi mà kinh tế vĩ mô được dự đoán chưa có nhiều điểm sáng.

Hai ngày sau cuộc gặp gỡ với báo chí để thông tin về nhiệm vụ năm 2014, NHNN tổ chức hội nghị tổng kết ngành và triển khai nhiệm vụ 2014 với sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ. Cho rằng điểm sáng của nền kinh tế trong năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đóng góp của ngành ngân hàng vào kết quả này là trực tiếp và rất quan trọng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng trong năm 2014 phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền tệ gắn chặt với chính sách tài khóa và các chính sách khác; bảo đảm lạm phát ở mức 6,5 - 7%; giữ ổn định tỷ giá; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng; quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu…

Những gì đang chờ đợi NHNN ở năm tới có thể nói là không hề nhẹ nhàng. Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, họ chưa nhìn thấy triển vọng tăng trưởng và trong 2 năm tới, nền kinh tế không có gì khác so với năm nay. Tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục dựa vào vốn đầu tư và khu vực kinh tế nhà nước. Bội chi ngân sách cao hơn, phát hành trái phiếu trong nước tăng lên và xuất hiện xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế… - những động thái nhằm mở rộng đầu tư nhà nước để đạt tăng trưởng này - sẽ kéo theo cái giá phải trả là lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ khi đó trở thành công cụ ổn định vĩ mô và phải chịu áp lực nặng nề trong việc kiềm chế lạm phát. Thêm vào đó là những áp lực xuất phát từ nội tại ngành ngân hàng. Nợ xấu tuy đã giảm song vẫn ở mức cao và sẽ cao hơn nữa khi Thông tư 02 của NHNN về phân loại nợ xấu có hiệu lực vào tháng 6 năm tới. Sức cầu yếu khiến cho tốc độ tăng trưởng tín dụng không được như mong đợi. Việc thiếu thông tin, áp lực lợi ích nhóm, sở hữu chéo… sẽ ảnh hưởng tới tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Điều đáng nói là, một mình NHNN không thể giải quyết được những khó khăn nội tại này.

Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, năm tới kinh tế vĩ mô chưa nhiều điểm sáng. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành ngân hàng chưa thể nhẹ gánh. Nói như Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, áp lực đối với ngành ngân hàng trong nhiều năm qua rất lớn. Trước hết vì hoạt động ngân hàng có liên quan mật thiết đến đời sống kinh tế, đến doanh nghiệp, người dân và nó là một bộ phận của chính sách kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, chúng ta cùng lúc phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô thì điều hành chính sách tiền tệ càng chịu trách nhiệm nặng nề. Thậm chí, chính sách tiền tệ còn phải gánh những kỳ vọng quá mức về việc sử dụng chính sách tiền tệ gần như có thể thay thế cho những chính sách khác về kinh tế vĩ mô.

Chính sách tiền tệ trong năm 2014 tiếp tục được điều hành theo hướng thận trọng, linh hoạt và hài hòa với các chính sách khác, bám sát diễn biến thị trường, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định trong cuộc họp với báo giới đầu tuần này. Tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng tăng khoảng 12 - 14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Lãi suất sẽ điều hành ở mức hợp lý và bám sát diễn biến lạm phát, lạm phát hiện nay khoảng trên 6%, lãi suất tiền gửi 6 tháng hiện nay đang là 7%, có nghĩa là đảm bảo lãi suất thực dương, còn các mức lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Nhìn lại năm 2013, một trong hai vấn đề mà lãnh đạo NHNN cảm thấy hài lòng chính là sự đồng cảm, chia sẻ và phối hợp của người dân, của các bộ, ngành để các chính sách đi vào cuộc sống. Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, nhờ đó, sự kiên định về chính sách thận trọng trong điều hành của NHNN đã đạt kết quả, giúp ngành có thêm niềm tin. Và ông cũng nhấn mạnh, trước một năm mới đầy thách thức, NHNN rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành trong việc thực hiện triển khai các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...

Vy Hương