Ba trụ cột thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội được xác định là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đi vào thực tiễn, giúp Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Chia sẻ tại hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường” do Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau phân tích, khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh toàn cầu hóa, khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Từ mô hình thí điểm đến chính sách đồng bộ, kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu thế tất yếu, song vẫn cần những cú hích mạnh mẽ về thể chế, tài chính, công nghệ và truyền thông để lan tỏa sâu rộng.
Tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao năng lực cạnh tranh
Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường Đào Xuân Hưng nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tận dụng phụ phẩm để tái sản xuất mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững. Đây là động lực quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, bao trùm và hiệu quả hơn trong bối cảnh mới. Báo chí cần tiếp tục đồng hành, truyền cảm hứng và lan tỏa những mô hình kinh doanh tuần hoàn tiêu biểu để tạo chuyển biến về tư duy phát triển trong toàn xã hội.
Đặc biệt, khi kết hợp kinh tế tuần hoàn với các cơ chế tín dụng xanh và bộ tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị), doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng chống chịu trước biến động thị trường, đồng thời tận dụng được các ưu đãi thương mại quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra nhiều thách thức đang cản trở quá trình mở rộng mô hình tuần hoàn, từ thiếu quy chuẩn kỹ thuật, chưa đồng bộ chính sách đến thiếu nguồn nhân lực và công nghệ phù hợp. TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Quyết định 687/QĐ-TTg về kinh tế tuần hoàn, song vẫn còn nhiều khoảng trống trong phối hợp liên ngành và thiếu cơ chế tài chính đủ mạnh.
Ba trụ cột cùng hành động
Bàn về giải pháp, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong cải thiện năng suất và minh bạch chuỗi cung ứng. Ông đề xuất đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây và hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh, mở rộng cơ chế tín dụng ưu đãi và đầu tư đào tạo nhân lực.

Chia sẻ từ thực tiễn, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương, giới thiệu mô hình chuỗi giá trị dược liệu khép kín: từ canh tác hữu cơ, công nghệ chiết xuất tuần hoàn đến tái sử dụng phụ phẩm làm phân bón sinh học. Theo bà, kiên trì đổi mới và sáng tạo là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp vừa tối ưu chi phí vừa bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường khẳng định, truyền thông giữ vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng. Cần triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng tới giới trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, vùng nông thôn và các nhóm dễ bị tổn thương để tạo nền tảng xã hội bền vững. Báo chí, mạng xã hội và nền tảng số phải đồng hành để tạo ra làn sóng tiêu dùng mới, định hình văn hóa sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.
Các chuyên gia thống nhất rằng, để hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột: Nhà nước – doanh nghiệp – xã hội. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo thể chế và hỗ trợ hạ tầng; doanh nghiệp là trung tâm đổi mới và đầu tư; còn xã hội là lực lượng thúc đẩy tiêu dùng bền vững và lan tỏa giá trị. Chỉ khi ba trụ cột cùng vào cuộc với quyết tâm và trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn mới thực sự trở thành động lực xanh cho một tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.