Xem - Nghe - Đọc

Ba tiêu biểu của điện ảnh Hàn Quốc đương đại

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 06:01 - Chia sẻ
Lựa chọn xem phim theo tên đạo diễn hiếm khi thất vọng, đặc biệt là các đạo diễn mà mình yêu thích trước đó. Cho dù không xuất sắc đi nữa, ta vẫn nhận ra được phong cách quen thuộc của họ, hay những đặc trưng trong nghệ thuật kể chuyện làm nên tên tuổi của họ.

Biên độ cảm xúc trong loạt phim tác giả này khá nặng đô, đôi khi bị đẩy quá giới hạn cực đoan, từ những món nợ của quá khứ đến tác động xã hội tàn phá đời người...

Nhưng đây đều là những bộ phim đáng xem, bởi chúng đánh động cảm xúc hoặc đặt ra nhiều câu hỏi để suy tư. Nó đúng với tinh thần điện ảnh của Park Chan Wook: "Tôi không cảm thấy thích thú gì khi xem những bộ phim gợi lên cảm giác thụ động. Nếu bạn cần sự thoải mái, tại sao bạn không chọn spa?".

Dưới đây là một vài gợi ý đáng giá cho các bạn mê điện ảnh Hàn Quốc đương đại:

1. Park Chan Wook

Tuần rồi, "Mr. Vengeance" (quý ông Báo thù) này vừa tròn 58 tuổi. Mới biết thời gian trôi nhanh thật, mới ngày nào bộ phim "Joint Security Area" gây sốt và làm nên cú hit vào năm 2000, lúc đó Park còn được xem là đạo diễn trẻ mới nổi của Hàn, giờ thì đã thành một quý ông U60 rồi. Park Chan Wook bây giờ là một trong ba cái đỉnh của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại, bên cạnh Bong Joon Ho và Lee Chang Dong. 

Trong lúc chờ "Decision to Leave" (đang làm hậu kỳ) và "The Sympathizer" đang ở giai đoạn tiền kỳ, có thể xem lại Joint Security Area, Sympathy for Mr. Vengeance, Sympathy for Lady Vengeance, Thirst, Stoker và I'm a Cyborg, but That's Ok. Ấn tượng nhất trong số đó, vẫn là hai trong bộ ba về chủ đề báo thù của Park. Những cuộc báo thù luẩn quẩn và không ngừng tiếp diễn phơi bày những mặt tối của xã hội Hàn Quốc hiện đại: Những kẻ dưới đáy xã hội, nạn bắt cóc, băng nhóm buôn bán nội tạng, các nhóm khủng bố... Cái này dẫn đến cái kia và khi mọi thứ bị phá vỡ giới hạn, những cuộc báo thù bắt đầu, chúng là một vòng tròn bất tận và không có điểm dừng, cho đến khi máu ngừng chảy. 

2. Bong Joon Ho

"Mother" vừa được đưa lên Netflix, đây là một phim tuyệt vời của Bong Joon Ho trong ba cái đỉnh của anh này, cùng với Memories of Murder và Parasite. Phim của Bong không quá bạo lực, không quá cực đoan như Park Chan Wook mà thường có cái nhìn châm biếm xã hội, hoặc khai thác những chủ đề nhạy cảm về đạo đức, về cái ác. Mother là một bộ phim như vậy. 

Hành trình của người mẹ nghèo đơn thân và vô danh để bảo vệ thằng con trai thiểu năng trí tuệ khỏi tội ác giết người là một hành trình kinh khủng của việc tìm ra sự thật, nhưng điều quan trọng hơn của bà là phải cứu đứa con bằng mọi giá. Cho nên khi nhận ra sự thật, bà ta vẫn bất chấp, vẫn cứu con bằng mọi giá, cho dù phải sử dụng hành vi tội ác. Mother của Bong Joon Ho với tôi là một câu chuyện kinh khủng về cái ác được biện minh bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Và để thể hiện những bí mật bị che giấu, đạo diễn sử dụng rất nhiều cú máy profile (profile shots) để thể hiện những ý nghĩ không ai biết được bên trong bộ não của người mẹ. 

3. Lee Chang Dong

Như đã nói, Lee Chang Dong là cái đỉnh cuối cùng trong bộ ba đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Hàn Quốc hiện đại cùng với hai anh tài nói trên. Ông lớn tuổi hơn, làm phim chậm hơn với chỉ 6 bộ phim trong hơn 2 thập niên làm nghề. Ngoại trừ Green Fish (97) chưa xem, 5 bộ phim còn lại của Lee với tôi đều là 5 bộ phim tinh chất của ông, đều thuộc loại từ hay đến xuất sắc cả. Cả 6 bộ phim của Lee đều do ông tự biên kịch (vốn xuất thân là một nhà văn và còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa một thời gian), tự sản xuất và tự đạo diễn, có lẽ vì vậy mà ông là một tác giả giữ được sự nhất quán trong suốt sự nghiệp điện ảnh của mình.

Phim của Lee thường chọn những thân phận thấp bé, những kẻ bên lề, những người thua cuộc, thất bại, những kẻ lạc lõng, trôi nổi trong xã hội. Vì chọn đứng về phía họ, ông hiểu được nỗi đau của họ, sự giận dữ của họ, và những mất mát của họ. 

Peppermint Candy, với tôi là một trong hai phim hay nhất của Lee Chang Dong, cùng với Burning gần đây nhất. 

Peppermint Candy bắt đầu với cuộc tự sát một gã đàn ông tuyệt vọng khi đứng trên đường ray xe lửa và chờ đoàn tàu đang lao đến, với tiếng gào bị át đi bởi tiếng xe lửa: "tôi muốn quay trở về quá khứ".

Và suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, Lee Chang Dong dẫn dắt chúng ta quay ngược trở về 6 chặng ga xép trong cuộc đời của gã đàn ông tuyệt vọng (Sol Kyung Gu đóng tuyệt vời). Ở mỗi chặng đường đó, ta được chứng kiến cuộc đời của một gã đàn ông bị nghiền nát bởi thể chế chính trị, bởi các guồng quay kim tiền của xã hội, bởi sự độc hại của chủ nghĩa nam tính, và cuối cùng, bởi sự đánh mất sự trong sáng, ngây thơ khi bàn tay bắt đầu vấy máu.

Peppermint candy là ẩn dụ cho sự ngây thơ, trong sáng bị đánh mất, còn chuyến tàu quay ngược thời gian là những món nợ trong quá khứ. Và sau tất cả, tôi nghĩ, với Peppermint Candy, Lee Chang Dong muốn đặt một câu hỏi về những món nợ quá khứ mà đất nước Hàn Quốc cần phải trả một cách sòng phẳng nếu muốn tiến lên. Cho dù đó là ung nhọt đau đớn đi nữa, cũng phải chọc thủng nó ra...

Lê Quân