Phát triển đội ngũ làm công tác giảm nghèo
Xác định đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có vai trò quan trọng, các địa phương như TP. Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, Long Điền… đã tích cực đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn, giúp họ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và thách thức trong công tác giảm nghèo. Qua đó, bảo đảm các chương trình hỗ trợ được triển khai đúng và bền vững, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, từng bước thoát nghèo.
Tại TP. Bà Rịa, cùng với các giải pháp giảm nghèo được triển khai, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo luôn được chú trọng. Nhờ đó, tại địa phương, có nhiều cán bộ giảm nghèo hiểu việc và làm tốt nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thị Bảo Như, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bà Rịa cho biết, đến nay, tổng số hộ nghèo chuẩn tỉnh trên địa bàn thành phố còn 56 hộ, chiếm tỷ lệ 0,18%. “Các lớp tập huấn cũng là cơ hội để các cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các địa bàn cùng nhau học hỏi, trao đổi và chia sẻ những phương pháp, mô hình hay, để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn”, bà Như nói.
Huyện Xuyên Mộc rất coi trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Xuyên Mộc cho biết, năm 2024, huyện đã tổ chức tập huấn cho 115 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở. Nội dung tập huấn tập trung vào hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó, các lớp tập huấn còn đóng vai trò quan trọng, giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo nắm rõ thông tin liên quan đến chế độ, chính sách mới, mô hình hay, cách tuyên truyền hiệu quả, linh hoạt...
Bà Trịnh Thị Cánh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã tổ chức tập huấn cho 536 người là cán bộ làm công tác giảm nghèo. Đồng thời, phân bổ kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, chuyên môn nghiệp tập huấn cho 540 cán bộ làm công tác giảm nghèo khu phố, thôn, ấp tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đã giúp cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp thực hiện tốt kỹ năng điều tra, rà soát, đánh giá hộ nghèo… phát huy vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đề ra.
Bố trí nguồn lực hợp lý
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, các chính sách giảm nghèo; đặc biệt là các chính sách giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo đã được triển khai đồng bộ, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, tổ chức hội, đoàn thể liên quan.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng những chính sách hỗ trợ vượt trội, chú trọng tới việc tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no, ổn định kinh tế, tránh tình trạng tái nghèo.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nâng mức chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập của tỉnh cao hơn 1,3 lần mức chuẩn nghèo mới theo tiêu chí thu nhập của Chính phủ quy định, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài việc thực hiện chính sách chung của Trung ương, tỉnh bố trí nguồn lực hợp lý, trọng điểm để thực hiện các chính sách dành cho hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, hộ chuẩn nghèo của tỉnh.
Tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo...
Châu Đức là một trong 2 địa phương không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia lẫn chuẩn của tỉnh. Việc triển khai các giải pháp để tránh tái nghèo được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó chống tái nghèo bằng cách tạo sinh kế cho người dân được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả nhất. Huyện cũng tập trung huy động các nguồn lực xã hội để có thêm tiềm lực cho các hộ mới thoát nghèo.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2024, tổng nguồn vốn đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 165 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 40,8 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương là hơn 111 tỷ đồng, nguồn vốn huy động là hơn 13 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9.2024, các địa phương đã xét duyệt cho 122 hộ nghèo và hộ thoát nghèo vay với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng; cấp 16.382 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền gần 4 tỷ đồng; trợ cấp Tết cho 13.923 lượt hộ nghèo và hộ thoát nghèo với số tiền hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vận động; hỗ trợ tiền điện cho 1.138 hộ nghèo với số tiền 335 triệu đồng... Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,26%.