Ngày 20.2, Trung ương Đoàn và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam công bố danh sách 19 đề cử cho danh hiệu "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu". Tại lĩnh vực Nghiên cứu khoa học, có 3 nhà khoa học lọt vào danh sách được đề cử là: Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương, Tiến sĩ Lê Kim Hùng.
Họ là tác giả của hàng chục bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế; có nhiều bằng sáng chế và sản phẩm mang tính ứng dụng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, 33 tuổi, hiện là giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính; chuyên gia nghiên cứu kiêm Phó giám đốc Trung tâm sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp (E-lab), Trường Đại học VinUni. Năm ngoái, anh là người trẻ nhất được vinh danh trong Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (do Trung ương Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng).

Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu
TS Phạm Huy Hiệu cũng đã công bố 50 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, trong đó có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí Q1 và 06 bài báo hội thảo Rank A/A* hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và y tế thông minh.
Ngoài ra, anh có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ giải quyết thách thức y tế Việt Nam như "Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo", giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y. Giải pháp này hiện đã được triển khai ở hơn 40 bệnh viện trên khắp cả nước và xử lý hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng và được các bác sĩ đánh giá giúp giảm thiểu sai sót và hỗ trợ sàng lọc.
Tiến sĩ Lê Kim Hùng, 35 tuổi, hiện đang công tác tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia - TP. Hồ Chí Minh. Anh đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024 và sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế.

Tiến sĩ Lê Kim Hùng
Đồng thời, anh có công trình “Nghiên cứu thuật toán lấy mẫu thích ứng cho thiết bị trong Internet vạn vật quy mô lớn” có thể ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh hoặc giám sát môi trường. Công trình đã được công bố trên tạp chí IEEE Access năm 2020 (Q1, H-index: 242, IF: 3.4, tác giả chính) và cấp bằng sáng chế tại Pháp năm 2021.
Anh là tác giả nhiều bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế: 06 bài báo thuộc danh mục Q1 (tác giả chính); 03 bài báo thuộc danh mục Q2 (tác giả chính); 22 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế (19 bài là tác giả chính).
Ngoài ra, anh còn chủ trì 1 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu và đạt yêu cầu; có 1 sách giáo trình được NXB uy tín phát hành; 1 chương sách phục vụ đào tạo được NXB uy tín trên thế giới xuất bản.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương (quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh); hiện là Phó trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội).

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương
Anh đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024; có 1 bằng độc quyền sáng chế quốc tế "Phát triển công nghệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển (SALD)". Nghiên cứu này ứng dụng màng mỏng nano trong các linh kiện quang điện tử, cảm biến khí, pin năng lượng mặt trời, pin lưu trữ, và các lớp phủ bảo vệ. Đặc biệt, việc tự chủ trong phát triển hệ thống thiết bị công nghệ cao cho lắng đọng màng mỏng nano không chỉ giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng so với việc nhập khẩu thiết bị thương mại mà còn mở ra cơ hội lớn cho các hướng nghiên cứu mới và phục vụ công tác đào tạo.
Đồng thời, anh là tác giả chính của 32 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (11 bài là tác giả chính); 7 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q2 (2 bài là tác giả chính); 1 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (tác giả chính).
Ngoài ra, anh có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và tương đương đã nghiệm thu đạt yêu cầu (chủ trì); 2 sách tham khảo được NXB uy tín phát hành (đồng tác giả); 1 chương sách tham khảo được NXB uy tín phát hành (tác giả chính); đạt 2 Giải thưởng nghiên cứu khoa học quốc tế xuất sắc.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 cho biết, năm 2024, Ban Tổ chức nhận được 159 hồ sơ đề cử từ 55 đơn vị trên cả nước, trong đó có 3 hồ sơ tự ứng cử. Về cơ cấu, có 114 nam, 45 nữ; dân tộc Kinh: 144, dân tộc thiểu số: 15. Trong đó, lĩnh vực Học tập nhiều đề cử nhất (38 hồ sơ); lĩnh vực Quản lý Hành chính Nhà nước ít đề cử nhất (1 hồ sơ).
Một số lĩnh vực xuất hiện nhiều gương mặt xuất sắc tiêu biểu, với thành tích rất nổi trội, như lĩnh vực Học tập, Nghiên cứu khoa học, Văn hoá nghệ thuật, Thể dục thể thao… Trong đó, riêng lĩnh vực Học tập có 10 học sinh cùng đạt Huân chương lao động hạng Nhì, cùng giành Huy chương Vàng trong các cuộc thi Olympic quốc tế; lĩnh Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo, nhiều nhà nghiên cứu trẻ sở hữu hàng chục bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế, sở hữu bằng độc quyền sáng chế quốc tế, có công bố đột phá trong các lĩnh vực như y tế thông minh, công nghệ nông nghiệp, môi trường, phát triển bền vững, đạt Giải thưởng Quả Cầu Vàng, Khuê Văn Các…