Ba nguy cơ liên quan đến vaccine ngừa Covid-19

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:37 - Chia sẻ
Tiêm chủng nhằm ngăn ngừa SARS-CoV-2 ở phạm vi thế giới là một trong những nỗ lực phi chiến tranh quan trọng nhất từ trước đến nay của nhân loại. Nhiều quốc gia đã đưa ra kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng và có trình tự cẩn thận. Để thành công, các nhà hoạch định chính sách nên lường tới ba nguy cơ có thể xảy ra, từ đó có đối sách cụ thể cho kế hoạch tiêm chủng của mình trong năm 2021 và xa hơn.

Sự chậm trễ khó tránh

Hơn hai tháng sau khi quá trình tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được tiến hành vào ngày 8.12.2020, hy vọng về việc triển khai nhanh chóng quá trình tiêm chủng đang tắt dần ở nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu và Canada ngày 21.2 vừa qua đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại nhà sản xuất vaccine Pfizer sau khi công ty dược phẩm của Mỹ tuyên bố tạm dừng giao hàng để nâng cấp nhà máy Puurs ở Bỉ, nơi cung cấp tất cả các liều vaccine được giao bên ngoài Mỹ. EU và nhiều quốc gia đang chịu áp lực vì tình trạng chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng của họ so với các quốc gia như Israel và Vương quốc Anh. Và có nhiều lý do để tin rằng, tình trạng chậm trễ còn kéo dài hơn nữa, với nhiều quốc gia khác.

Đối với những bên mới tham gia cung ứng vaccine, những khó khăn trong quá trình sản xuất dễ gây nản chí. Các công ty dược phẩm đang phải mở rộng quy mô hoặc chuyển hướng sử dụng nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm khác để phục vụ sản xuất hàng tỷ liều vaccine. Chuỗi cung ứng vaccine vẫn đang được xây dựng ngay cả khi chúng phải kéo căng quá mức. Ví dụ, vaccine của Pfizer/BioNTech và CureVac đều phải sử dụng các hạt nano lipid của cùng một nhà cung cấp. Hơn nữa, khi các công ty muốn mở rộng năng lực thông qua chuyển giao công nghệ, ví dụ chuyển giao từ AstraZeneca - một công ty dược phẩm đa quốc gia Anh - Thụy Điển - cho tập đoàn Siam Biosciences của Thái Lan, họ lại vấp phải những rào cản pháp lý và kỹ thuật. Trong khi chúng ta đều biết, nếu biến thể của virus làm giảm hiệu quả của vaccine hiện tại, thì việc tích hợp theo chiều dọc quy trình nghiên cứu vào quá trình sản xuất có thể cho phép phản ứng nhanh hơn và linh hoạt hơn.

Các trở ngại pháp lý và quy định khác cũng có thể gây ra sự chậm trễ. Nhiều quốc gia đã ký kết thỏa thuận mua trước song phương (APA) với các nhà sản xuất vaccine. Hầu hết trong số đó phải tuân theo quy định của pháp luật về vaccine được phê duyệt, phân phối theo từng giai đoạn và một khoản đặt cọc được hoàn trả. Nhưng APA có thể khó thực thi và khi nảy sinh tranh chấp, luật pháp quốc tế chưa có quy định và chế tài hiệu quả để giải quyết.

Hơn nữa, chương trình tiêm chủng Covid-19 cho toàn dân đặt ra những thách thức lớn về mặt hậu cần, đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội. Các chính phủ có thể phải cung cấp các cơ sở tiêm chủng 24/24 hoặc xe tiêm chủng di động với sự hỗ trợ của dây chuyền lạnh thích hợp để bảo quản cũng như có lực lượng an ninh để bảo vệ, phòng trường hợp xảy ra mất cắp, phá hoại, thậm chí âm mưu vũ khí hóa vaccine.

Các quốc gia có thể tránh được những nguy cơ tiềm ẩn này bằng cách lập kế hoạch đúng đắn và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Bất bình đẳng gia tăng

Nguy cơ thứ hai là vaccine Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Tất cả các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, đã đặt mua số lượng vaccine nhiều hơn nhu cầu dân số của họ. Một ví dụ điển hình là Canada đã đặt mua số lượng vaccine gần gấp sáu lần dân số nước này. Như nhận định của Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima, “chủ nghĩa apartheid vaccine” sẽ dẫn tới tình trạng các nước giàu có sẽ đạt được mức độ bao phủ tiêm chủng rộng rãi hơn và nhờ đó phục hồi kinh tế sớm hơn, khiến các nước nghèo bị tụt lại phía sau, một kịch bản sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Các chương trình tiêm chủng Covid-19 cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong mỗi quốc gia, giống như bản thân đại dịch đã ảnh hưởng không tương xứng đến các nhóm dân cư như dân tộc thiểu số, phụ nữ, người nhập cư và người nghèo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên ưu tiêm vaccine cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi, nhưng một số nước chỉ chủ trương ưu tiên cho người dân tộc thiểu số hoặc người nghèo, còn các cộng đồng bản địa, người di cư và người tị nạn có thể bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trong khi đó, giới thượng lưu giàu có gần như chắc chắn sẽ được bảo đảm tiêm phòng sớm thông qua khu vực tư nhân, thị trường chợ đen, hoặc dịch vụ “du lịch vaccine”. Các doanh nghiệp lớn có thể mua vaccine cho nhân viên của họ hoặc vận động hành lang để được ưu tiên là “những người lao động thiết yếu”. Amazon và Uber đã và đang làm như vậy. Và việc EU lên kế hoạch về “hộ chiếu vaccine", nếu được thực thông qua, sẽ trở thành ví dụ rõ ràng nhất của tình trạng phân biệt và bất bình đẳng.

Để giảm thiểu rủi ro bất bình đẳng này đòi hỏi cách tiếp cận đa tầng. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an phải cho thấy vai trò tích cực hơn trong quản lý hàng hóa công toàn cầu. Các chính phủ phải duy trì sự hỗ trợ tài chính cũng như sự ủng hộ về mặt chính trị cho Chương trình Phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) để cung cấp vaccine cho mọi nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhóm xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông ở mỗi quốc gia và mỗi công dân phải luôn cảnh giác để lên tiếng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng phân phối vaccine không công bằng.

Yếu tố địa chính trị

Cuối cùng, các quyết định mua sắm vaccine có thể trở thành yếu tố trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Địa chính trị luôn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua sắm công của các quốc gia. Chẳng hạn, một số nước phương Tây quyết định cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G của họ. Khi cân nhắc đến lợi ích quốc gia, nhân tố địa chính trị có thể lấn át các tiêu chí ra quyết định khác như chất lượng vaccine, tính sẵn có, hiệu quả và chi phí.

Vaccine cũng có thể góp mặt trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về các tiêu chuẩn toàn cầu, vốn đã bao gồm trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh và pin lithium. Vaccine Covid-19 có thể yêu cầu các tiêu chuẩn mới về phương pháp nghiên cứu, tiêu chí chính trong thử nghiệm, kết quả lâm sàng và sản xuất. Cũng giống như Mỹ và Liên Xô từng tham gia vào các cuộc chạy đua vũ trụ và vũ trang trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Trung Quốc có thể bước vào cuộc chạy đua vaccine với mục đích đạt được uy tín khoa học, quyền thiết lập tiêu chuẩn, quyền lực mềm và phần thưởng tài chính.

Cạnh tranh sẽ là yếu tố tích cực nếu nó mang lại cho các quốc gia sự lựa chọn vaccine giá rẻ, tiên tiến. Nhưng nó có thể bộc lộ những yếu tố tiêu cực nếu các siêu cường vũ khí hóa nguồn cung cấp vaccine, giá cả hoặc bằng sáng chế, hoặc sử dụng chúng như những con bài mặc cả trong “ngoại giao vaccine”.

Nếu điều đó xảy ra - nếu lựa chọn vaccine đồng nghĩa với việc phải lựa chọn liên minh - các cường quốc quy mô vừa và nhỏ có thể sử dụng các cơ chế quốc tế như COVAX hoặc tập hợp lại với nhau để mua sắm gộp bằng cách sử dụng các mô hình như Quỹ quay vòng của Tổ chức Y tế Liên Mỹ hoặc các sáng kiến của UNICEF.

Vaccine Covid-19 mang lại tia hy vọng sau một năm đầu tiên ảm đạm của đại dịch. Nhưng việc biến hy vọng này thành hành động hiệu quả đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tháo vát trong việc giảm thiểu mọi nguy cơ, từ sự chậm trễ, bất bình đẳng và rủi ro địa chính trị.

Đạt Quốc