BA NGƯỜI ĐÀN BÀ (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ngô Mai An

31/12/2013 08:43

>> BA NGƯỜI ĐÀN BÀ (Phần 1)

Sau nhiều câu chuyện của người đi xa, Trần Vũ dần dần đi vào chuyện chính của chuyến đến thăm:

- Từ ngày ở trường sỹ quan ra, anh và Vọng được phân công về hai đơn vị khác nhau, từ đấy không có dịp gặp lại, không nhận được tin tức của nhau. Cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, vào Sài Gòn, tình cờ anh gặp lại anh Hùng, người xã Vũ Xá, là bạn học thời phổ thông cùng anh và Vọng. Anh Hùng là chính trị viên của đại đội anh Vọng, anh đã kể chuyện chiến đấu và trưởng thành của anh Vọng cho đến ngày hy sinh đầu năm bảy lăm trong trận mở đầu chiến dịch Tây Nguyên. Trong ba lô của Vọng có một bì thư đề “gửi Trần Vũ” chưa kịp gửi, anh Hùng đã giữ lại. Hôm gặp nhau, anh Hùng đã trao tận tay cho anh. Từ bấy đến nay, đi đâu anh cũng mang lá thư của anh Vọng bên mình. Thư đây, em đọc đi.

Minh họa của Trung Dũng
Minh họa của Trung Dũng

Đọc xong lá thư, Hà lại nấc lên dồn dập. Chị nắm lấy bàn tay Vũ, khẩn khoản:

- Anh về với mẹ con em - Rồi Hà quay sang nói với con: - Hai con ơi. Đây là bố Trần Vũ, bạn rất thân với bố Vọng của các con.

Gặp lại Vũ chị đã nhớ lại hình ảnh đêm ân ái như vợ chồng giữa Hà và Vũ tại buồng riêng của Vũ. Mặc dù công việc đã được Vọng sắp đặt, Hà vẫn thấy ngường ngượng như buổi ban đầu. Chị phải miễn cưỡng làm theo ý chồng mà thật lòng vẫn ngấm ngầm cay đắng cho Vọng. Nếu có kết quả, thì người bị lừa dối là bà mẹ chồng và dòng họ ta.

… Sau ngày gặp mẹ con Hà, Vũ cưới Loan. Từ đó anh biền biệt, hết ở mặt trận Tây Nam lại ra Đông Bắc. Đến năm tám mốt, anh theo học Đại học Quân sự ở Liên Xô, sau đó được cử đi làm chuyên gia quân sự bên Lào. Dù ở đâu, Vũ vẫn đều đặn thư từ về cho Hà và gửi tiền chu cấp cho hai con ăn học. Cuối năm chín hai, Trần Vũ từ Lào trở về phụ trách lữ đoàn 406 công binh, anh thường xuyên đến thăm mẹ con Hà. Từ đây tình cảm giữa anh và Hà đã sang trang mới, anh dành tình cảm và thời gian cho mẹ con Hà nhiều hơn Loan: anh đã cùng Hà nâng cấp ngôi nhà lên to đẹp đàng hoàng kín cổng cao tường, tiện nghi nội thất khang trang. Hai con nhất nhất kính và yêu bố Vũ.

5

Hai con đang học ở Hà Nội, Hà phải tạm gác việc nhà, tìm đến đơn vị Trần Vũ vì ở nhà có chuyện: xuất hiện một người phụ nữ lạ nói giọng miền trong. Hà bỡ ngỡ, ngạc nhiên nhưng chị rất vui vẻ đón tiếp người khách lạ rất thân tình và trang trọng. Sau vài câu chuyện xã giao, người khách lạ bắt đầu giới thiệu về mình: “Em tên là Lê Thị Miên, người huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Thời chiến tranh chống Mỹ, quê em là vùng tranh chấp, khi ta, khi địch. Chồng em, ảnh là du kích xã, bị địch bắt. Chúng đem ảnh về quê định xử lý cùng gia đình. Đại đội của anh Vọng tổ chức đánh trả. Chồng em bị địch bắn chết ngay tại chỗ, trước khi chúng rút lui, nhưng hầu hết mọi người còn lại đều được giải thoát. Anh Vọng là ân nhân của gia đình em. Ba má em đã nhận anh Vọng là con đỡ đầu từ nhiều năm, chúng em rất quý ảnh và gọi ảnh là anh Hai Vọng. Đầu năm bảy lăm, nghe tin ảnh đã hy sinh, gia đình em lên Tây Nguyên tìm và đánh dấu được phần mộ của ảnh, chờ dịp có điều kiện sẽ cải mộ, đem hài cốt anh Vọng về an táng bên mộ của chồng em trong khuôn viên của gia đình theo đúng phong tục của địa phương. Mãi cho đến bốn năm sau, gia đình em mới hoàn tất việc bốc mộ của anh. Do em sơ suất, để mất địa chỉ của anh Vọng, nên không liên lạc ngay được với chị và cháu. Liên tiếp các năm sau thiên tai bão lụt, ba má em lần lượt ra đi, không kịp thực hiện nguyện vọng ra Bắc đến thăm quê quán, gia đình anh chị. Gần đây, em liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh mới biết được địa chỉ của gia đình”. 

Hai người phụ nữ góa bụa còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện vui buồn đã qua, số kiếp thăng trầm của họ sao có nhiều đoạn giống nhau đến thế. Đôi ngày Miên ở lại thăm gia đình anh Vọng giúp Hà thêm vững tin: chồng mình là con người đi dân nhớ, ở dân thương thì mới được gia đình Miên và bà con xứ Quảng đối xử tử tế như vậy, cho nên mình càng phải dạy dỗ con sống sao cho xứng đáng với người đã khuất. Hai nữa, nhất thiết phải tìm đến đơn vị gặp Trần Vũ để báo cáo tình hình và tìm cách đưa di cốt anh Vọng về quê.

6

Suốt từ bấy đến nay, Loan vẫn chưa biết gì về hai đứa con của Trần Vũ và Lê Diễm Hà, để đến hôm nay đã xảy ra to tiếng. Hai vợ chồng ngồi riêng với nhau một hồi lâu, cơn giận của Loan đã tạm nguôi nguôi, Trần Vũ mới đưa vợ sang phòng khách dành cho riêng Hà.

Trong gian nhà khách có ba người: một người đàn ông và hai người đàn bà. Người đàn ông lơ đãng nhìn ra phía ngoài cửa, vẻ mặt trầm ngâm. Người đàn bà nhiều tuổi hơn, da dẻ trắng trẻo, nét mặt hiền hậu nhìn lên trần nhà như nóng lòng chờ đợi việc gì. Còn người đàn bà trẻ hơn trông nhỏ thó, nước da xanh và sạm đang nhíu mắt đọc một bức thư dài. Vẻ chăm chú, căng thẳng, hình như bà vừa đọc vừa khóc.

“Trần Vũ thân.

Ở ngoài Quảng Bình mình nhận được thư của vợ. Hà báo tin vui, mình trích nguyên ra đây, Trần Vũ cùng xem:

‘Sau ba ngày đêm anh đưa em sang chơi nhà anh Trần Vũ bên xã Ngô Khê, em đã có thai. Mừng quá em viết thư này báo cho anh biết. Anh Vọng ạ. Nếu đẻ con trai, đặt tên Tạ Phú Nguyện, nếu đẻ con gái đặt là Tạ Diễm Giang, anh nhé. Thế là chúng mình đã có con, vợ chồng mình đã đạt được nguyện vọng. Mong ngày anh về nhận mặt con’.

Trần Vũ thân.

Chúng ta làm bạn với nhau từ khi còn đi học trường huyện, cùng tuổi, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đơn vị. Rồi đây sống chết ta sẽ phải có trách nhiệm với nhau, mãi mãi về sau.

Mình đã tâm sự thật tình với Vũ: cưới vợ được một thời gian mới biết mình không may bị bệnh vô sinh nên không thể có con được. Hà vợ mình đã tính đến nước phải xin trẻ sơ sinh ở bệnh viện về để được làm mẹ. Nhưng mình nhất quyết không đồng ý, vì không thể biết nguồn gốc đứa trẻ, mà các cụ ta gọi là tông và giống. Mình khuyên Hà, tốt nhất Hà cho phép mình nhờ một người bạn chí cốt giúp đỡ, để Hà vẫn đẻ con bình thường. Khi đó ai ai cũng phải công nhận là con của vợ chồng mình đẻ ra, miễn là chuyện này cần thận trọng và kín đáo, chỉ có ba người biết với nhau. Nhưng Hà phản đối kịch liệt. Biết mình nói việc này đâu phải bột phát và kính phục chồng, nhưng vợ mình vẫn tủi thân, khóc sưng cả mắt.

Với Vũ mình đã chân thành nhờ cậy. Khi đó, Vũ còn nói với mình: chẳng lẽ cậu lại cam tâm để tớ với vợ cậu làm chuyện ngoại tình à? Cậu coi thường vợ, coi thường bạn quá. 

Đâu phải là chuyện ngoại tình hèn hạ. Đây là sự thỏa thuận ngầm tay ba chúng mình. Vũ và Hà không dám dấn thân để có một sự hy sinh thì làm sao giúp mình gỡ được số phận hẩm hiu.

Phải phân tích kỹ điều hơn lẽ thiệt, Hà vợ mình mới tạm thông về tư tưởng và đành nghe theo một cách miễn cưỡng ý nguyện của mình.

Vũ nhớ chứ? Vũ suy xét mãi mới nhận lời giúp mình, vì Vũ là con trai còn chưa có vợ. Mấy buổi tối ấy, mình đã tự giác uống thuốc ngủ để Vũ giúp mình công việc hệ trọng đó.

Đến nay vợ mình đã có thai, mình vạn lần cảm ơn Vũ.

Mình thư cho Vũ, cho nó minh bạch và chắc chắn, vì chiến tranh còn có thể kéo dài. Trong chiến đấu, sự mất mát hy sinh với người lính chúng mình không có gì phải sợ. Mình chỉ dặn lại Vũ: nếu cả hai đều trở ra Bắc, chúng ta đều giữ kín việc cả ba người đã nhất trí làm chuyện ấy, đó là cách tôn trọng tình bạn của nhau. Nếu Vũ hy sinh, mình có trách nhiệm trông nom bố đẻ Vũ như bố đẻ mình cho đến khi cụ hai năm mươi về chầu tiên tổ. Nếu chẳng may mình hy sinh, Vũ trở ra Bắc, Vũ sẽ trông nom chăm sóc mẹ mình như mẹ đẻ của Vũ, coi hai mẹ con Hà là vợ con của Vũ, là máu thịt của Vũ. Khi gặp lại mẹ con Hà, Vũ sẽ đưa cho mẹ con Hà đọc lá thư này, để mẹ con Hà được biết đó là lời di chúc của mình để lại.

Vũ ơi, nếu không còn mình ở trên trái đất này mình nghĩ rằng Vũ hãy thương lấy mẹ con Hà. Mình ở chốn xa xăm, lẽ nào mình không phù hộ cho gia đình ân nhân của mình”.

 Đọc chưa xong lá thư, hai hàng nước mắt đã chảy dài trên gò má Loan.

7

 Trần Vũ bình thản chờ vợ đọc xong bức thư, vẫn giữ bầu không khí im lặng trong phòng, một lúc sau mới quay lại nói với vợ:

- Tôi có ý định sau khi tôi nghỉ hưu, các con ra trường có công ăn việc làm ổn định, tôi sẽ thưa với bà việc này thật ngọn ngành, rồi mới cho hai chị em gặp nhau. Không ngờ, nhà ông Vọng có việc đột xuất, Hà muốn xin ý kiến tôi. Chắc bà cũng hiểu, nếu tôi có ý định, thì tôi đã lấy Hà làm vợ từ hồi bảy sáu, nghĩa là trước khi đến với bà một năm.

Loan như người vừa tỉnh sau cơn mê sảng: thì ra, từ ngày quen nhau, Trần Vũ đâu có lừa dối, phụ bạc mình. Trong đầu bà hiện lên rất nhanh hình ảnh một chàng trai và một cô gái sắp tốt nghiệp đại học – thành quả mà bà vô tình không nhúng tay vun vén. Bà bật cười nghĩ đến câu nói cửa miệng cá vào ao ta, và liên tưởng đến phận mình. Nghĩ đến lúc còn đứng ngoài cổng đơn vị, Loan thấy sượng sùng, bà trách chồng nhưng kỳ thực là để chữa thẹn:

- Đúng lý ra, ông cũng nên cho tôi biết trước, chứ không để đến hôm nay - Rồi Loan quay sang Hà - Chị Hà ơi. Từ đây trở đi, chúng ta tuy sống ở hai ngôi nhà, hai địa phương khác nhau, nhưng cũng coi như một, chúng ta có chung với nhau cả ba đứa con - Đến đây, giọng Loan trở nên nghiêm trang và có phần đoan quyết, cắt đặt - Chị không ở nhà khách đơn vị nữa, về nhà em, cũng gần đây thôi. Cháu Thúy nhà em mới nhập trường học năm thứ nhất, sắp nghỉ Tết đến nơi, cháu sẽ về. Tết này em muốn chị bảo hai cháu về đây nhận bố đẻ, nhận thêm mẹ Loan nữa và nhận em Thúy. Ba mẹ con phải ăn Tết với gia đình chúng em.

Trần Vũ lễ độ:

- Có việc này, tôi xin thông qua ý kiến hai bà: sang năm, tôi sẽ xin nghỉ phép để trực tiếp vào Quảng Nam chuyển di cốt ông Vọng về quê nội.

Nhẫn nhịn đã quen, Hà từ nãy chỉ biết giữ im lặng, đến giờ bật lên tiếng:

- Cứ để thư thư đã, đến lúc bố nghỉ hưu, thằng Nguyện con Giang có công ăn việc làm ổn định, lúc đó mới thích hợp để chúng ta đón bố Vọng chúng nó về. Còn từ giờ, chúng tôi là đàn bà, chỉ quen ngồi một chỗ, nhờ bố thằng Nguyện, mỗi chuyến công tác vào miền trong thì tranh thủ đến thăm nhà cô Miên và thắp hương cho ba má nuôi của bố Vọng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        BA NGƯỜI ĐÀN BÀ (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của</i> Ngô Mai An
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO