Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội – 45 năm xây dựng và phát triển (10.11.1979 - 10.11.2024)
Ba năm liền giải quán quân phiên tòa giả định cấp quốc gia
Trong 4 năm liên tiếp tham gia Cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia (Vmoot), các đội thi đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội đã liên tiếp giành được chuỗi thành tích ấn tượng: 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) giành giải Quán quân. Các năm trước đó, 2 đội thi của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đạt thành tích đáng nể. Các em sinh viên đã thể hiện được sự sắc bén trong tư duy phản biện, nguồn kiến thức vững chắc. Sự đồng hành của Khoa Pháp luật Kinh tế đã tạo ra những ấn tượng tốt đẹp về sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
"Sân chơi” học thuật của nhiều cơ sở đào tạo luật lớn
Cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia (Vmoot) từ lâu đã là một hoạt động được tổ chức rộng rãi ở quy mô thế giới cũng như khu vực giữa các cơ sở đào tạo luật nhằm tạo điều kiện cho sinh viên luật thực hành, trải nghiệm các vai trò trong một phiên tố tụng giải quyết tranh chấp. Ở Việt Nam, cuộc thi Phiên tòa giả định cấp Quốc gia – VMoot do Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức từ năm 2017. Cuộc thi dành cho sinh viên văn bằng 1 hệ chính quy có tư duy pháp lý và khả năng tranh biện tốt thuộc các cơ sở đào tạo Luật của cả nước. Đây là sân chơi học thuật lành mạnh, bổ ích cho sinh viên. Cuộc thi tạo cho sinh viên cơ hội được trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng tranh biện, phản biện để giải quyết các vấn đề pháp lý về thương mại và đầu tư.
Vòng sơ loại thường được khởi động vào tháng 9 với các hoạt động: công bố đề thi, tổ chức buổi tập huấn kỹ năng viết bài biện hộ và đơn khởi kiện (online), giải đáp thắc mắc làm rõ đề thi. Sinh viên đăng ký dự thi theo đội gồm 3 thí sinh. Ở mỗi trận đấu, 2 thí sinh sẽ trình bày phần nói trước Ban giám khảo (Hội đồng trọng tài giả định), thí sinh thứ ba đóng vai trò là người nghiên cứu.
Cuộc thi được diễn ra vào tháng 11 với 4 vòng thi: vòng sơ loại, tứ kết, bán kết và chung kết. Các đội thi đại diện cho các trường viết bài biện hộ theo tình huống giả định. 12 đội thi với số điểm bài viết cao nhất sẽ được chia làm 4 bảng, các đội sẽ bốc thăm để tham gia phần thi tranh biện tại phiên tòa giả định. 4 đội điểm cao nhất vòng tứ kết sẽ thi đấu với nhau. 2 đội được Hội đồng giám khảo lựa chọn sẽ vào chung kết, thi đấu 1 trận cuối cùng để giành giải Quán quân của cuộc thi.
Hàng năm, cuộc thi luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đội thi đến từ các cơ sở đào tạo luật trên cả nước như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội….
Kỳ huấn luyện đáng nhớ
Sau khi Ban tổ chức cuộc thi VMoot công bố đề thi, kế hoạch và thể lệ cuộc thi và gửi Thư mời tham gia cuộc thi, Khoa Pháp luật Kinh tế được giao nhiệm vụ tổ chức tuyển chọn và huấn luyện đội thi đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội tham gia cuộc thi. Công việc này thường được thực hiện trong khoảng 2 tháng liên tục, có sự tham gia của các giảng viên, luật sư và chuyên gia tài chính, những thí sinh đã từng tham gia và đạt giải tại cuộc thi VMoot cấp quốc gia cùng hơn 100 sinh viên đăng ký dự tuyển (hơn 30 đội). Tại cuộc họp, các thí sinh được chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để chuẩn bị cho cuộc thi, giải đáp thắc mắc... để giúp các em chuẩn bị bài thi tốt hơn và có tâm lý vững vàng khi tham gia cuộc thi.
Vòng sơ loại thứ nhất sẽ chọn ra 8 đội thi với 24 sinh viên từ hơn 100 sinh viên để bước tiếp vào vòng sơ loại 2. Vòng sơ loại thứ hai: 8 đội thi bốc thăm đấu cặp với nhau lần lượt được tham gia tranh tụng ở cả vai nguyên đơn và bị đơn. Ban Giám khảo sẽ chấm điểm cho từng cá nhân trong mỗi một lượt trận thi đấu. Từ 24 sinh viên tham gia, Ban giám khảo sẽ chọn ra 6 thí sinh có điểm cao nhất để tuyển chọn thành 2 đội đại diện cho Trường Đại học Luật Hà Nội tham dự cuộc thi VMoot cấp quốc gia.
2 đội đại diện cho Trường Đại học Luật Hà Nội được hướng dẫn bởi 2 Ban huấn luyện độc lập. Thành viên Ban huấn luyện là các giảng viên có nhiều kinh nghiệm của bộ môn Luật Thương mại, luật sư và chuyên gia tài chính, các sinh viên đã đạt giải trong cuộc thi VMoot năm trước. Trong hơn 1 tháng chuẩn bị, hai đội thi được huấn luyện viết bài biện hộ, đơn khởi kiện và thi tranh biện đối kháng với nhau.
Ban Giám khảo chính là các giảng viên huấn luyện cùng luật sư, chuyên gia tài chính. Thời gian huấn luyện chủ yếu vào các buổi tối, các ngày cuối tuần, kết hợp cả phương thức online và trực tiếp. Toàn thể các thành viên đều nỗ lực làm việc với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nhất. Các thí sinh đồng thời được rèn luyện kỹ năng viết, thuyết trình, phản biện, trả lời câu hỏi hóc búa của các huấn luyện viên.
Hầu như tất cả các sinh viên đã trải qua kỳ huấn luyện đáng nhớ đều có chung một cảm xúc ấn tượng về chuỗi thời gian này. Các em chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên được trải qua một khóa làm việc căng thẳng, áp lực lớn, cường độ cao như vậy. Các em cũng đã từng chia sẻ cảm xúc tri ân tới các thầy cô, anh chị: “Chúng em chưa bao giờ làm việc với một Ban huấn luyện tuyệt vời, nhiệt tình, tâm huyết như vậy!”.
Trong quá trình huấn luyện, thầy và trò cũng nhận được sự chỉ đạo sát sao và động viên quan tâm kịp thời cả về vật chất và tinh thần của Bộ môn Luật Thương mại, lãnh đạo Khoa Pháp luật Kinh tế và lãnh đạo nhà trường. Đó là động lực to lớn thôi thúc các em sinh viên quyết tâm hơn nữa.
Chuỗi thành tích ấn tượng
Trong 4 năm liên tiếp tham gia cuộc thi, các đội thi đến từ trường Đại học Luật Hà Nội đã liên tiếp giành được chuỗi thành tích ấn tượng: 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) giành giải Quán quân. Ngoài ra, các năm trước đó 2 đội thi của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đạt thành tích đáng nể: Năm 2020, đội RED của Trường Đại học Luật Hà Nội là Á quân VMoot, sinh viên Hoàng Như Quỳnh là thí sinh xuất sắc nhất vòng bán kết.
Các em sinh viên đã thể hiện được sự sắc bén trong tư duy phản biện, nguồn kiến thức vững chắc thông qua kỹ năng lập luận thuyết phục và nhạy bén, cách xử lý tình huống khéo léo, thông minh và đặc biệt phong thái tự tin để trả lời những câu hỏi hóc búa của Hội đồng trọng tài giả định đưa ra. Sự đồng hành của Khoa Pháp luật Kinh tế cùng các em sinh viên đã tạo ra những ấn tượng tốt đẹp về sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội của Ban tổ chức, các thầy cô và sinh viên từ cơ sở đào tạo khác cũng như đông đảo khán giả theo dõi cuộc thi.
Thành tích cuộc thi cũng gây tiếng vang rất lớn trong cộng đồng sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và sinh viên ngành Luật Kinh tế nói riêng. Mỗi năm, số thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi cấp trường càng ngày đông đảo, trong đó sinh viên các khóa ngành Luật Kinh tế chiếm tỉ trọng không nhỏ. Qua cuộc thi, các bạn sinh viên ngành Luật Kinh tế có cơ hội thực hành những kiến thức, kỹ năng của các học phần đã được tiếp cận trong chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế, kỹ năng tư vấn pháp luật thương mại, kỹ năng đàm phán và soạn thảo hợp đồng thương mại... Từ đó, tạo hành trang để khi ra trường, các em nhanh chóng tiếp cận các công việc của ngành luật tự tin, hiệu quả nhất.