Bà mẹ Chính ủy

- Thứ Bảy, 01/05/2021, 07:16 - Chia sẻ
Để có được "Trọn vẹn cả non sông thống nhất, rạng rỡ Việt Nam...", cả dân tộc phải đi một chặng đường dài hơn 20 năm. Trong suốt 20 năm xương máu ấy, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" đã có biết bao bà mẹ phải gửi con để đi chiến đấu. Người phụ nữ Việt Nam đã phải đứng trước sự chọn lựa không dễ dàng, nhưng cuối cùng, vì tình yêu Tổ quốc, vì sự thống nhất Bắc - Nam họ đã chấp nhận như một lẽ tự nhiên, không thể khác. Và má Nguyễn Thị Bình (tên thường gọi Út Bình) là một trong những tấm gương tiêu biểu của bà má Nam Bộ trong thời chiến cũng như thời bình bởi sự bình dị, chân chất, kiên trung và được gọi với cái tên trìu mến Bà mẹ Chính ủy.
Bà Mẹ Chính ủy thường xuyên đi thăm và động viên các chiến sĩ trẻ
Bà Mẹ Chính ủy thường xuyên đi thăm và động viên các chiến sĩ trẻ

Bốn lần gửi con đi, 20 năm khóc thầm lặng lẽ

Hai tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19.8.1945), ở một vùng sâu của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bình (Út Bình) tình nguyện tham gia cách mạng với một niềm tin sắt đá: "Đánh đuổi đế quốc Pháp, phụ nữ sẽ được giải phóng". Suốt ba năm làm giao liên, chèo đò đưa đón cán bộ cách mạng, hàng trăm lần đứng giữa lằn ranh sống - chết, Út Bình ngày càng trưởng thành, vững chãi như cây đước rừng U Minh. Năm 1948, cô đứng vào hàng ngũ của Đảng, được phân công làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Rồi Út Bình bị giặc bắt, bị đánh đập, tra khảo suốt một năm nhưng không khai nửa lời. Được sự giúp đỡ của tổ chức, Út Bình vượt ngục thành công, chuyển vào hoạt động bí mật cho đến ngày Hiệp định Genéve được ký kết.

Thời gian này, mối tình giữa Út Bình với anh Tỉnh đoàn phó Thanh niên tỉnh Cà Mau Lý Bình Thanh nảy nở và được tổ chức đồng ý, tác hợp. Năm 1955, con gái đầu lòng của họ - Lý Ngân Bình ra đời. Nuôi con được 5 tháng, Út Bình được điều về hoạt động ở địa bàn T3 (Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh). Cô gửi con cho người chị ở U Minh nuôi, lên đường làm nhiệm vụ. Phụ trách công tác tuyên huấn, Út Bình đi khắp nơi mở lớp đào tạo cán bộ nữ. Nỗi nhớ thương con cũng bị những đợt bom rơi, pháo nổ cuốn đi. Qua những lần gặp gỡ vội vàng với chồng ở chiến trường T3, năm 1960, Út Bình sinh con gái thứ hai. Gần con chưa được một tháng, chị lại được lệnh trở về rừng U Minh, phụ trách lớp hộ sinh đầu tiên của khu. Từ Trà Vinh, Út Bình đi theo đường bí mật, con gái cô được tổ chức đưa đi bằng đường hợp pháp. Hai mẹ con gặp nhau ở Vĩnh Long, nhưng không bao lâu sau, cô lại phải về U Minh để mở lớp. Hơn 5 năm gửi con gái lớn chưa một lần gặp lại, lần này, tiếp tục gửi con gái thứ hai khi mới được 29 ngày, Út Bình tưởng như có ai vò nát trái tim mình. Cô xa con khi chưa kịp đặt tên.

Xa con mang theo nỗi nhớ đến mỏi mòn, khao khát gặp con của Út Bình khiến tổ chức không thể giữ mãi bí mật. Một tối, Út Bình nhận được thư tay của đồng chí Năm Thạng (Trần Văn Bỉnh) - Phó Bí thư Khu ủy. Thư viết: "Bình ơi! Con em đâu còn mà đi thăm, nó đã mất mấy tháng nay rồi...". Lá thư nhòe đi, Út Bình chết giấc trên tay đồng đội. Hóa ra, sau khi xa mẹ, bé được đường dây của ta chuyển về nhà bà nội. Nhưng do cháu còn yếu, lại phải đi nhiều, di chuyển trong hoàn cảnh bí mật, ngặt nghèo, thiếu sữa, có khi nước cơm chín cũng không đủ mà uống nên mấy tháng sau thì mất. Sau này, Út Bình cùng chồng đặt tên cho bé là Lý Hải Bình.

Hai năm sau, Út Bình sinh đứa con thứ ba tại rừng đước U Minh, lần này là một bé trai giống cha như tạc. Chưa hết vui mừng, con vừa đầy tháng, Út Bình lại nhận được thư của lãnh đạo: "Biết rằng gửi con lần này Út Bình khổ tâm lắm nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, Út Bình cố gắng sắp xếp việc nhà...". Đọc xong thư, Út Bình choáng váng, đêm nằm cạnh con mà lòng như bị ai giằng xé. Bao câu hỏi dồn dập hiện ra: "Nên xin ở lại nuôi con hay tiếp tục chiến đấu?"; "Nếu ở lại, làm sao làm tròn nhiệm vụ Đảng giao?". Càng đau lòng hơn khi có người hỏi: "Chị Út, lần trước chị gửi con, con chết, chị hổng đau lòng sao mà lần này...?".

Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, Nhân dân miền Nam ngày càng chịu nhiều hy sinh mất mát, cuối cùng, Út Bình nuốt nước mắt gửi con, trở lại T3 để thực hiện nhiệm vụ Đảng giao. Có những đêm giặc bố ráp, trốn dưới hầm bí mật, lòng Út Bình cứ cồn cào với hàng trăm câu hỏi: "Không biết giờ này con mình bao lớn? Có khỏe mạnh không? Có được học hành đàng hoàng? Con xinh đẹp hay xấu xí?". Út thèm được một ngày thanh bình, được nghe tiếng con bi bô, thèm được bàn tay nhỏ bé của con mân mê bầu vú mẹ. Sáu tháng sau, con trai chị bị bệnh tiêu chảy rồi mất bởi thiếu thầy, thiếu thuốc. Nhận được tin, chị như điên dại. Từ ngày xa con, không một lần được nhìn lại gương mặt thơ ngây của bé đã đành, hai đứa con đã mất, chị đều không biết được ngày tháng chính xác các con ra đi để còn hương khói...

Năm 1965, chị sinh bé út đặt tên là Lý Thanh Bình. Với niềm tin mãnh liệt về một ngày độc lập đang đến gần, một lần nữa, Út Bình lại cắn răng gửi con, lên đường làm nhiệm vụ khi bé được khoảng năm tháng tuổi. Bốn lần gửi con, người mẹ kiên trung Nguyễn Thị Bình không nhớ nổi đã có bao đêm cạn khô nước mắt vì thương nhớ.

Làm tròn nhiệm vụ Đảng giao

Bà Mẹ Chính ủy trong một lần đi thăm tiểu đoàn 6, sư 330
Bà Mẹ Chính ủy trong một lần đi thăm tiểu đoàn 6, sư 330

Bốn người con sinh trong kháng chiến, má Bình đều phải gửi cho đồng chí, đồng bào nuôi nấng để đi làm nhiệm vụ Đảng giao. Ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, về với má chỉ còn hai...

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, má Bình nôn nao đón hai con về sum họp. Khi cả nhà đoàn viên, ông bà luôn song hành cùng hai cô con gái, kèm con học lại bổ túc rồi vào đại học. Nói về những gia đình đã nhận nuôi con mình, bà nghẹn ngào: "Cái ơn đó to lớn không gì bù đắp nổi. Tôi nguyện khắc cốt ghi tâm đến ngày nhắm mắt. Tuy không phải con họ mà họ vẫn che chở hết lòng. Nuôi con tôi bị lộ, địch khám xét nhà, họ bị tra khảo, đánh đập dã man nhưng các mẹ, các chị vẫn bảo vệ con tôi tới cùng. Vì thế, tôi luôn tâm nguyện phải làm tròn nhiệm vụ Đảng giao".

Sau 30.4.1975, bà Nguyễn Thị Bình được phân công làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải. Năm 1988, bà về hưu nhưng vẫn tiếp tục công tác ở Câu lạc bộ hưu trí thị xã Bạc Liêu. Trong suốt chặng đường 65 năm hoạt động cách mạng (từ 1945 - 2010), bà đã có 44 năm gắn với công tác Hội Phụ nữ. Lúc về hưu, bà lại dành trọn tình cảm của mình cho bộ đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, bà đã 12 lần mang áo ấm, thư từ ra Lạng Sơn thăm bộ đội. Những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, bà ra tận chiến trường để động viên các chiến sĩ tình nguyện. Bà kể: "Hồi dượng Út còn sống, cả ba cái Tết liên lục cô đưa bánh trái, quà tặng qua Sư đoàn 4 Campuchia rồi ở lại ăn Tết với tụi nó. Cô về, đứng trên tàu nhìn xuống thấy bộ đội mình vẫy tay kêu "Má ơi, má ơi" mà không cầm được nước mắt". Hàng năm, cứ đến ngày 22.12, bà lại đi tứ giác Long Xuyên để thăm các chiến sĩ Sư đoàn 4 - nơi bà luôn được các chiến sĩ gọi bằng biệt danh trìu mến: "Bà mẹ Chính ủy".

Ở tuổi 90 không còn đi xa được nữa, bà Nguyễn Thị Bình vẫn là điểm tựa cho hàng trăm cán bộ hưu trí tại thị xã Bạc Liêu. Hàng tháng, bà là người cập nhật, phổ biến tình hình thời sự, chính trị trong nước, địa phương cho các cán bộ hưu trí. Bà cũng là đầu mối tạo sự đoàn kết, đồng thuận để các cô, các chú hưu trí có điều kiện chăm sóc nhau, cùng nhau sống vui, sống khỏe. Nay, bước vào tuổi 95, bà Bình mới chịu ngồi nhà, tuy nhiên, hình ảnh bà má gắn liền với các chiến sĩ đã thành một hình ảnh sâu sắc, bền vững nên mỗi khi nhắc đến bà, mọi người đều trân trọng gọi bà là “Bà mẹ Chính ủy”.  Mấy năm nay, bà không đến được với các chiến sĩ thì các chiến sĩ lại đến tận nhà thăm bà mỗi khi có dịp, những câu chuyện kể, những tiếng hỏi thăm giữa “má - con” lại tiếp nối và rôm rả khắp nhà...

Vũ Châu