Xem - Nghe - Đọc

Ba màu

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 06:23 - Chia sẻ
Bài này được viết để tri ân Krzysztof Kieślowski, đạo diễn hiếm hoi được Google Doodle chọn hình ảnh của ông làm biểu tượng đặc biệt trên trang chủ nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 (27.6) vừa qua, dù ông đã qua đời 25 năm.

Giãn cách xã hội là cơ hội để tôi tĩnh tâm ngồi xem lại những đạo diễn và bộ phim nổi bật của thập niên 90 như Dương Đức Xương, Lý An của Đài Loan và  Krzysztof Kieślowski của Ba Lan... Điện ảnh thập niên 90 quả thật luôn có một sức mê hoặc đặc biệt đối với tôi, hẳn là do vẻ đẹp nguyên bản của nó. Đó là thời kỳ chuyển giao, cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, và công nghệ chưa đến, chưa thực sự "tàn phá" điện ảnh như sau này. Nếu có một thời "belle epoque" (thời kỳ tươi đẹp) trong điện ảnh, thì với tôi, chính xác là thập niên 90. 

Krzysztof Kieślowski là một trong những đạo diễn/tác giả quan trọng nhất của thập niên 90. Điện ảnh của ông là đại diện tiêu biểu nhất cho cái gọi là poetic cinema - điện ảnh thơ, nơi một bộ phim không vận hành theo cách kể chuyện lấy cốt truyện mà lấy cảm giác làm trọng tâm. Điện ảnh của ông như có một màn sương hư ảo bao phủ, và ống kính máy quay đặc biệt âu yếm diễn viên, khiến họ tỏa ra một vẻ đẹp mong manh nhưng quyến rũ không thể rời mắt. Và cho dù vẫn khai thác những chủ đề quen thuộc như sự mất mát, cái chết hay nỗi cô đơn của con người trên thế gian này, ông lại tiếp cận chúng dưới góc nhìn siêu hình chứ không phải minh họa, hoặc mang tính ngụ ngôn chứ không phải những lý tưởng được rao giảng. 

        Bộ phim đầu tiên của ông mà tôi xem là "The Double Life of Veronique" (1991), từ thời còn VCD (2 đĩa) với tên gọi là "Cuộc đời đôi của Veronica". Cho dù là khai thác chủ đề "doppelganger" (song trùng), nhưng Krzysztof Kieślowski không biến nó thành một bộ phim kỳ quái và nguy hiểm như Mulholland Dr. của David Lynch sau này, mà được phủ bởi một cảm giác hư ảo và thiên về trực giác.  Rằng, liệu có một phiên bản nào khác của ta trên thế gian này? Liệu ta là chỉ một, là duy nhất và cô độc trên hành tinh này? 

       Nhưng điều quan trọng hơn của "The Double Life of Veronique" chính là ngôn ngữ điện ảnh. Bộ phim thực sự mê hoặc với cách sử dụng bảng màu (color palette) xanh nhạt và vàng nhạt hòa trộn làm nổi bật làn da và góc máy biến hóa, khiến mỗi khuôn hình trên phim, nhất là những cảnh đặc tả gương mặt diễn viên Irene Jacob đều tỏa ra một vẻ đẹp khó cưỡng lại. 

          Irene Jacob, nữ diễn viên Pháp và Thụy Sĩ mới 24 tuổi khi đóng hai vai trong "The Double Life of Veronique" và giành luôn giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Cannes năm 1991. Ba năm sau cô tái ngộ với đạo diễn Krzysztof Kieślowski để có thêm một vai xuất sắc nữa trong "Red" (1994) - phần cuối trong "Three Colours" (Ba màu) và cũng là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp rực rỡ của đạo diễn này. 

          "Three Colours" với ba phần Xanh, Trắng, Đỏ là một trong những bộ ba xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới, tiếp tục thứ điện ảnh thơ đậm màu cảm giác và siêu hình của  Krzysztof Kieślowski. Ngoài Irene Jocob, hai phần còn lại còn có hai nàng thơ Pháp với vẻ đẹp khó cưỡng lại là Juliette Binoche (Blue) và Julie Delpy (White). 

          Bài này được viết để tri ân Krzysztof Kieślowski, đạo diễn hiếm hoi được Google Doodle chọn hình ảnh của ông làm biểu tượng đặc biệt trên trang chủ nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 (27/6) vừa qua, dù ông đã qua đời 25năm & cũng để chúc mừng Quốc khánh Pháp (14/7), cho dù thực ra "Ba màu" của Kieślowski có vẻ như không mấy liên quan đến ba màu cờ trên quốc kỳ Pháp mà đơn giản là do nhận tiền tài trợ của Pháp để làm phim thôi.

Bảo Khánh