Lãnh đạo đảng cầm quyền Jarosław Kaczyński cho biết tại một đại hội đảng ở miền đông Ba Lan rằng vùng nông thôn Ba Lan đang đối mặt với “thời điểm khủng hoảng” và rằng họ buộc phải hành động để bảo vệ nông dân của mình.
Kaczyński cho biết: “Hôm nay, chính phủ đã quyết định về một quy định cấm nhập khẩu ngũ cốc cũng như hàng chục loại thực phẩm khác từ Ukraine vào Ba Lan”.
Theo thông báo của Chính phủ, lệnh cấm nhập khẩu sẽ kéo dài đến ngày 30.6. Quy định này cũng bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đường, trứng, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa khác cũng như trái cây và rau quả.
Nông dân ở các nước láng giềng khác cũng phàn nàn về việc ngũ cốc Ukraine tràn ngập nước họ và tạo ra tình trạng dư thừa khiến giá giảm - và khiến nông dân bản xứ thua lỗ nặng nề.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nói với những người đồng cấp từ Bulgaria, Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia rằng: “Việc các nước tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine gây xáo trộn nghiêm trọng trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất trong nước và bất ổn xã hội”. Và kêu gọi Liên minh châu Âu nên có hành động khẩn cấp về vấn đề này.
“Chúng tôi không thể chấp nhận một tình huống mà toàn bộ gánh nặng đối phó với lượng hàng nhập khẩu gia tăng chủ yếu đổ lên vai nông dân của nước chúng tôi”, ông Robert Telus nói.
Sau khi Nga chặn các tuyến đường biển xuất khẩu truyền thống, Liên minh châu Âu đã dỡ bỏ thuế đối với ngũ cốc của Ukraine để tạo điều kiện vận chuyển đến châu Phi và Trung Đông. Kể từ đó, ngũ cốc đã chảy vào Ba Lan nhưng phần lớn trong số đó đã không được chuyển tiếp sang Trung Đông và Bắc Phi, như kế hoạch của EU.
Chính phủ Ba Lan đã tìm cách đổ lỗi cho EU. Nhưng một số công đoàn và các chính trị gia đối lập cáo buộc các công ty có liên kết với chính phủ đã gây ra vấn đề bằng cách mua ngũ cốc Ukraine với giá rẻ, chất lượng thấp, sau đó bán cho các nhà máy bánh mì và mì ống dưới dạng sản phẩm chất lượng cao của Ba Lan.