Ngân sách có thêm gần 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm
Điều 50 của Luật Đường bộ, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5.2024 quy định, Nhà nước thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được nộp vào ngân sách và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc. Nhằm cụ thể hóa quy định này, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đường cao tốc có tiêu chuẩn đặc biệt nên mức đầu tư và kinh phí quản lý, bảo trì lớn hơn rất nhiều so với đường bộ thông thường nhưng việc bố trí từ ngân sách hiện nay khó khăn. Cụ thể, để thực hiện mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến 239,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 24 nghìn tỷ/năm. Dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay thì ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.000 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm). Vì vậy, thu tiền sử dụng đường cao tốc sẽ giúp ngân sách có thêm nguồn lực để tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và chi cho công tác quản lý, bảo trì, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Theo dự thảo Nghị định, 12 đoạn, tuyến cao tốc sẽ được thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành; Hà Nội - Thái Nguyên; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; La Sơn - Hòa Liên; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Mỹ Thuận - Cần Thơ. Những đoạn, tuyến cao tốc này đều do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Mức phí được chia thành hai loại. Với cao tốc 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1), mức phí thấp nhất từ 1.300 đồng/km (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km (xe tải trên 18 tấn, container 40 feet). Với cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2), mức phí từ 900 đồng/km đến 3.600 đồng/km tùy nhóm xe. Dự kiến, mỗi năm số phí thu được là 3.210 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách khoảng 2.850 tỷ đồng.
Ủng hộ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Phan Vinh Quang, chuyên gia về đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) cho rằng, việc này không làm mất đi sự công bằng của những người đóng thuế. Tiền thuế bỏ ra làm đường sẽ được bồi hoàn nhờ khoản chi trả của người sử dụng đường, tức là không tiêu tốn tiền thuế. Đổi lại, việc đầu tư con đường thu phí sẽ làm giảm tắc nghẽn trên các con đường không thu phí, tức là đem lại lợi ích cho những người đóng thuế và không sử dụng đường thu phí. “Điều quan trọng là những con đường thu phí chỉ là một lựa chọn cho những người sẵn sàng chi trả; ai không sẵn sàng chi trả thì có thể sử dụng tuyến khác không thu phí”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cần bổ sung các trường hợp tạm dừng thu phí
Góp ý vào dự thảo Nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ba đề xuất. Trước hết, các doanh nghiệp hiện nay đặc biệt lo ngại tình trạng chất lượng đường xuống cấp ảnh hưởng đến lưu thông nhưng vẫn phải nộp phí. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về các trường hợp tạm dừng thu phí, trong đó có trường hợp do chất lượng đường xuống cấp, không bảo đảm tốc độ và an toàn cho phương tiện lưu thông. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép các chủ phương tiện, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp vận tải, có quyền giám sát chất lượng đường và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hoặc UBND cấp tỉnh về việc dừng thu phí khi chất lượng đường xuống cấp.
Tiếp đến, dự thảo Nghị định cần phân loại mức phí chi tiết hơn dựa vào chất lượng tuyến đường như số làn xe và tốc độ tối đa để bảo đảm mức phí tương ứng chính xác với giá trị dịch vụ. Dự thảo Nghị định hiện quy định mức phí chia theo loại phương tiện và chất lượng tuyến đường gồm 2 loại: các tuyến đường đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc quy định tại Luật Đường bộ 2024 và các tuyến đường không đáp ứng điều này (được xây dựng trước đó). Doanh nghiệp cho rằng việc chia chất lượng đường như vậy vẫn chưa đầy đủ. Trên thực tế, chất lượng đường cao tốc có thể tương đối đa dạng về số lượng làn xe (4 làn, 6 làn, và nhiều hơn), về tốc độ tối đa cho phép (80km/h, 100km/h, 120km/h…) và tương lai sẽ có những con đường cao tốc chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định chưa quy định về lộ trình điều chỉnh biểu mức phí trong khi nếu các tuyến đường này được chuyển nhượng quyền thu phí thì lại có quy định về việc tăng, giảm mức phí tại Thông tư 55/2023/TT-BGTVT. Sự thiếu tương thích giữa các quy định có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư muốn tham gia nhượng quyền thu phí đường cao tốc. Vì vậy, VCCI đề xuất bổ sung quy định về việc tăng giảm mức phí cho phù hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh. Ví dụ, mức phí có thể tăng lên theo tỷ lệ trượt giá do lạm phát hoặc giảm xuống khi có ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước khi kinh tế gặp khó khăn.