Bảo hiểm y tế

"Bà đỡ" tài chính cho người dân trước đại dịch Covid-19

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 07:18 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, bảo hiểm y tế (BHYT) đã khẳng định vai trò "bà đỡ" tài chính quan trọng, giúp người dân có BHYT vượt đại dịch Covid-19. Với những nỗ lực vượt bậc, ngành BHXH đã bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; trong đó, đáng chú ý là việc thanh toán, phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện tại mỗi địa phương.

Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với những diễn biến phức tạp chưa từng có của dịch Covid-19, dù là năm có số lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT hạn chế nhưng tổng chi từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT vẫn gia tăng so với năm 2020, cho thấy quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được bảo đảm ở mức cao.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh BHYT như cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2 - 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế nhiều lần.

Đồng thời BHXH các địa phương cũng chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin... Từ 1.6.2021, theo đề nghị của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đã đồng ý triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh. Thẻ BHYT điện tử đã giúp giảm thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh của cả người tham gia và cơ sở y tế, do thẻ có mã QR Code cung cấp đầy đủ thông tin liên quan của người bệnh.

BHXH Việt Nam cũng liên tục cập nhật các văn bản hướng dẫn BHXH các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Mục tiêu chung là bảo đảm cho người bệnh BHYT thuận lợi tối đa khi đi khám, chữa bệnh; bảo đảm cho cơ sở khám, chữa bệnh đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân trong giai đoạn khó khăn này...

Đơn cử, trong đợt dịch lần thứ 4, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2172/BHXH-CSYT (ngày 22.7.2021) hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT cho người có thẻ BHYT; tiếp đó là Công văn số 2259/BHXH-CSYT (ngày 29.7.2021) hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn dịch Covid-19. Trong đó, lưu ý hoạt động thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế đặc thù như cơ sở khám, chữa bệnh chuyển đổi công năng để điều trị người bệnh Covid-19, bệnh viện dã chiến mới thành lập. Đặc biệt, BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Tuyệt đối không để người bệnh phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế…

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, quản lý hiệu quả dịch Covid-19”, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3242/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc khám, chữa bệnh BHYT sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thuận lợi, bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đặc biệt, lưu ý các trường hợp người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm Covid-19; thực hiện phục hồi chức năng các di chứng về vận động, hô hấp... sau điều trị Covid-19.

Tạo thuận lợi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát thực tế, nêu cao quyết tâm chính trị chung tay cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch Covid-19, chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, kịp thời. Ngày 12.8.2021, BHXH Việt Nam có Công văn số 2456/BHXH-GDĐT hướng dẫn BHXH các địa phương, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân về việc khai thác, liên thông dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và thanh toán BHYT.

Bên cạnh việc hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong giai đoạn đặc thù này, BHXH Việt Nam còn yêu cầu các đơn vị chủ động khai thác dữ liệu từ Hệ thống thông tin giám định BHYT, cung cấp thông tin người bệnh BHYT đã đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế có nguy cơ lây nhiễm theo yêu cầu của Sở Y tế, để phục vụ việc sàng lọc, giám sát dịch bệnh. Đồng thời, cung cấp dữ liệu dịch tễ người đang điều trị các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư, lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ, Basedow, can thiệp tim mạch, điều trị sau ghép tạng, người đang điều trị bằng thuốc kháng HIV, người trên 60 tuổi mắc các bệnh nền nêu trên.

Những dữ liệu trên nhằm hỗ trợ ngành y tế tại địa phương xây dựng phương án tiêm phòng vaccine, phương án điều tiết khám, chữa bệnh; quản lý và cấp phát thuốc điều trị kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương khi phải thực hiện phong tỏa, giãn cách hoặc cơ sở y tế tạm dừng khám, chữa bệnh, chuyển đổi công năng điều trị. Đồng thời khẳng định, bản đồ dịch tễ các bệnh nền và danh sách chi tiết người đang điều trị bệnh nền theo địa bàn phường, xã trên toàn quốc được cập nhật trên phần mềm giám sát thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đã thống nhất với Bộ Y tế giải quyết một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các đơn vị phòng chống dịch Covid-19; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và thanh quyết toán chi phí tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và trạm y tế lưu động; thực hiện thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho cơ sở khám, chữa bệnh sau khi có Thông tư tạm dừng thực hiện phương thức thanh toán theo định suất.

Hà Thủy