“Bà đỡ” tài chính cho người dân khi khám, chữa bệnh

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:34 - Chia sẻ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau nhiều năm xây dựng chính sách và triển khai thực hiện, cho đến nay, bảo hiểm y tế (BHYT) không còn là khái niệm xa lạ đối với mọi người dân, mà đã trở thành tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Khẳng định tính ưu việt của chính sách

Tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số. Với tỷ lệ này, BHXH Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Việt Nam chung tay phòng chống, dịch Covid-19, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có BHYT
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung tay phòng chống, dịch Covid-19, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có BHYT

Đặc biệt, những năm gần đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh BHYT, trong đó ngoài việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính và hiếm gặp khác, ung thư, tim mạch, suy thận hàng tỷ đồng/bệnh nhân.

TS. Nguyễn Văn Tiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, chỉ với mệnh giá 35 USD/thẻ BHYT/năm nhưng đã có hàng trăm bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng/năm cho khám, chữa bệnh BHYT; hàng triệu bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại và những thuốc mới, đắt tiền. Đó là những minh chứng cho tính nhân văn và chia sẻ của quỹ BHYT.

Theo các chuyên gia, nhiều bệnh nhân BHYT cho rằng, cuộc sống vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro không biết trước được, cho nên, việc chủ động tham gia BHYT, không chỉ tốt cho mình mà còn để giảm gánh nặng cho người thân nếu chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Nếu may mắn, được khỏe mạnh thì tham gia BHYT cũng là cách để giúp đỡ, chia sẻ rủi ro với cộng đồng.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Theo quy định của pháp luật, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Mọi đối tượng được quy định trong Luật BHYT đều có trách nhiệm tham gia BHYT, đó cũng là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Liên tục trong những năm gần đây, số người tham gia BHYT tăng khoảng 3%/năm.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đồng thời, xác định mục tiêu năm 2025, 95% dân số tham gia BHYT; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; năm 2030, đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, chi tiền túi cho chăm sóc sức khỏe giảm còn 30%.

Nhằm tiến tới mục tiêu trên, một trong những giải pháp mà BHXH Việt Nam cần triển khai ngay đó là tuyên truyền, thúc đẩy nhóm người trẻ còn đang trong độ tuổi đi học tham gia BHYT, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhóm dân số trẻ trong thực hiện chính sách BHYT. Cụ thể, xác định rõ đối tượng gần 10% chưa tham gia BHYT là ai, ở đâu, thuộc nhóm nào… để từ đó có giải pháp hợp lý.

Hiện, theo các chuyên gia phân tích, trong 5 nhóm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT thì tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp thuộc khối lao động trong doanh nghiệp; khối hộ gia đình cận nghèo, còn khoảng 5%; khối học sinh, sinh viên còn khoảng 3 - 4%, thuộc nhóm 4; khối tham gia BHYT theo hộ gia đình, thuộc nhóm 5.

Hà Thủy