Ba đạo diễn thế hệ khởi đầu
Nguyễn Thị Minh Thái

02/12/2013 08:29

Ba đạo diễn được nhà nước phong tặng NSND: Trần Hoạt, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang được đánh giá là ba khuôn mặt chói sáng nhất của thế hệ vàng - thế hệ khởi đầu nghề đạo diễn của sân khấu hiện đại Việt.

Đạo diễn là nghề được chính thức hình thành, phát triển, trở nên “xương sống”, mang tính chuyên nghiệp rất cao của sân khấu Việt Nam hiện đại, đã được bắt đầu từ việc học nghề bài bản từ các học đường uy tín ở châu Á, châu Âu, kết hợp sự miệt mài tự học từ kho tàng sân khấu cổ truyền Việt Nam. Song, việc học và hành nghề đạo diễn đã chỉ được diễn ra có ý thức hẳn hoi, từ nửa sau thế kỷ XX, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đến nay đã gần bảy thập niên. Đây là thành tựu xuất sắc nhất, khởi đầu quá trình hiện đại hóa của sân khấu Việt Nam hiện đại.

Trọng Khôi và Mỹ Dung trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, qua dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi
Trọng Khôi và Mỹ Dung trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, qua dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi

Người thứ nhất: đạo diễn hài kịch Trần Hoạt

Có thể nói, Trần Hoạt là người duy nhất trong ba đạo diễn thế hệ vàng này, năm 1954, cùng được cử đến Học viện Hí kịch Bắc Kinh, Trung Quốc, học nghề đạo diễn qua hệ thống lý thuyết của Stanilavsky, mà người Trung Quốc học được từ các đại học sân khấu của nước Nga Xô Viết, truyền giảng lại cho sinh viên đạo diễn Việt Nam. Sau khi đi học ở Trung Quốc về, với tài năng bẩm sinh, Trần Hoạt trước sau đã chỉ ở Việt Nam để tự học thêm từ nguồn dân gian: sân khấu chèo cổ, tuồng cổ. Ông tự thú: mình sinh ra để làm đạo diễn. Do cách học và tự học đặc thù, ông đã tìm thành công ở một thể loại rất hiếm thành công, đó là hài kịch. Học đường sân khấu của Trần Hoạt, về căn bản, do chính ông xây cất nền tảng trên nguyên liệu dân gian tươi rói tính hội hè đồng quê của chèo cổ, tuồng cổ, dân ca quan họ Bắc Ninh… và cũng chính là nơi ông chôn nhau cắt rốn: làng Đình Bảng, vùng Kinh Bắc, cái nôi của văn minh Đại Việt. Ngôi làng có ngôi đình cổ đẹp nhất châu thổ sông Hồng, nơi phát tích vương triều nhà Lý, với Đền Đô uy nghi thờ tám vị vua nhà Lý. Ngôi làng hào hoa ấy lại là một trong ba cạnh tam giác tuồng cổ: Đình Bảng - Tam Lư - Đồng Kỵ. Ông thân sinh Trần Hoạt là người mê tuồng, có riêng trong nhà hẳn một phường tuồng. Sinh trưởng ở vùng đất đế đô hào hoa, Trần Hoạt cảm nhiễm sân khấu dân gian Việt từ rất sớm và nổi máu lãng tử cũng rất sớm. Mê lang bạt kỳ hồ từ Bắc vào Nam, ông thâu góp cho nghề đạo diễn một vốn sống hiện thực ứ đầy các mảng đời, các loại tính cách Việt, cùng vô số nghiệm sinh cá nhân, trên nền tảng dân gian Việt cổ được thiết lập tự nhiên. Lại sẵn tài năng trời phú, Trần Hoạt đã thâu tóm cả vào việc hành nghề đạo diễn, ở các loại hình sân khấu dân gian: tuồng, chèo; song thành công lớn nhất của ông lại thuộc về thể loại hài kịch.

 Cuộc hạnh ngộ sân khấu lớn nhất đời ông chính là với nhà viết hài kịch Lộng Chương, để từ đó làm nên những tác phẩm hài kịch lớn nhất đời ông. Cả Trần Hoạt và Lộng Chương đều chung quan niệm “Việt hóa” thể loại kịch Việt - vốn xuất phát từ mô hình kịch Tây, phải/nên mang đậm sắc thái Việt. Bởi vậy, hài kịch Việt chính là tích hợp văn hóa - nghệ thuật giữa hề chèo và tính hiện đại của nghệ thuật trào lộng trong hài kịch Tây. Thống nhất quan niệm chung ấy, nhà viết Lộng Chương - nhà đạo diễn Trần Hoạt đã xuất hiện như một cặp bài trùng hài kịch làm rạng rỡ sân khấu Việt hiện đại những năm 60, 70 thế kỷ XX. (Rất tiếc, kiểu cặp hài kịch xuất sắc này chưa từng lặp lại trong sân khấu Việt hiện đại, dù đã hiện diện hơn một một cặp nhà viết kịch - đạo diễn chính kịch). Phong cách đạo diễn kết hợp hề chèo và hài kịch hiện đại nhuần nhị, độc đáo, tân kỳ, có thể nói, ngoài Trần Hoạt, không ai có thể dàn dựng xuất sắc đến thế, hai vở hài kịch sáng giá nhất của Lộng Chương: Quẫn và Cửa mở hé.

Trần Hoạt dựng Quẫn cho Nhà hát Kịch Việt Nam tung hoành trên sân khấu những năm 60, 70 thế kỷ XX với hàng nghìn buổi diễn, với tư cách tác phẩm hài kịch đỉnh cao, với dàn nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát kịch VN: Song Kim, Trần Tiến, Chu Xuân Hoan, Thu Hà… Cửa mở hé Trần Hoạt dựng cho Đoàn Kịch Hải Phòng diễn liên tục hàng trăm đêm vẫn chưa “đã đời” công chúng yêu hài kịch. Đến giờ, đạo diễn Lê Chức vẫn rưng rưng nhớ vai kịch sáng láng thời đầu xanh tuổi trẻ do “thầy phù thủy” Trần Hoạt “gẩy gót” cho anh: vai trung úy Nguyễn Thế Kỷ trong Cửa mở hé. Cùng Masa của đạo diễn Dương Ngọc Đức, Cửa mở hé đã đưa đoàn kịch Hải Phòng vượt ngưỡng địa phương, lên tầm quốc gia về nghệ thuật diễn hài kịch và chính kịch…

Thành công lớn về đạo diễn của Trần Hoạt, tuy có vẻ vắng bóng lý luận, sách vở kinh viện, song lại thể hiện rất mạnh mẽ phẩm chất tư duy đạo diễn mảng miếng, theo một phong cách đạo diễn bậc thầy, với kinh nghiệm sân khấu dân gian đầy mình, đã thâu hóa rất sâu các kiến thức kinh điển của sân khấu Nga, qua việc tiếp nhận Stanilavsky từ Bắc Kinh. Trần Hoạt tiêu biểu cho lao động nghề đạo diễn theo cách tự nghiệm sinh, mà Doãn Hoàng Giang sau ông, là đạo diễn kế tục xuất sắc. Đạo diễn trẻ hôm nay có thể học từ Trần Hoạt những bài học đắt giá về nghề, khi nhận biết Trần Hoạt chính là người đầu tiên nhận đường nghệ thuật đạo diễn, với tất cả nét riêng độc đáo, đầy cam go, vất vả trong công cuộc “Việt hóa” một nghề chưa từng có ở sân khấu hiện đại VN: nghề đạo diễn hài kịch, và đã xuất sắc thành công, bằng con đường tu tập độc lập của riêng mình.

Người thứ hai: đạo diễn Nguyễn Đình Nghi

Nguyễn Đình Nghi thuộc thế hệ vàng, song lại rất khác Trần Hoạt về cách trở thành đạo diễn. Trường học nghề đạo diễn đầu đời của Nguyễn Đình Nghi chính là từ người cha Thế Lữ, thi sĩ tiền phong của Thơ Mới, người tự học, tự vận hành nghề đạo diễn kịch, là nhân vật khởi thủy nghề đạo diễn ở Việt Nam, ngay từ thời thuộc Pháp, theo cách hoàn toàn “học lỏm” qua sách vở tiếng Pháp. Nên, Thế Lữ đã chỉ khiêm cung nhận mình là nhà dàn cảnh (đạo diễn không chuyên). Song, chínhThế Lữ đã định hướng Nguyễn Đình Nghi theo nghề đạo diễn một cách chuyên nghiệp, bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho con trai một hành trang kiến thức sân khấu căn bản, hài hòa cả hai nền văn hóa Pháp - Việt.

Năm 1954, Nguyễn Đình Nghi yên tâm mình đã có khá đủ kiến thức sách vở Tây học từ dạy dỗ của cha, đã được cùng cha thực nghiệm sân khấu dân tộc và hiện đại trong chiến khu Việt Bắc, đã trải qua quá trình làm diễn viên, có thể đủ hành trang trở thành đạo diễn theo cách của Thế Lữ. Được cử đi học đạo diễn tại Học viện Hí kịch Bắc Kinh, ông toan từ chối, lý do: sáng tạo sân khấu bắt nguồn từ dân tộc, phải bám vào dân tộc. Thế Lữ bảo con trai nghĩ thế không đúng. Sân khấu hiện đại yêu cầu lý thuyết và kỹ thuật sân khấu rất cao mới thể hiện được tính dân tộc. Nếu đã sẵn có tố chất dân tộc trong người thì học ai, học gì, ở đâu cũng vẫn chính là mình. Nghe lời cha, Nguyễn Đình Nghi sang Trung Quốc, rồi Liên Xô, học nghề đạo diễn theo hệ thống sân khấu Stanilavsky và hành nghề rất chuyên nghiệp, cho đến khi… về cõi, ngày 9.2.2001 (Tân Tỵ), khi ông mới ngoài 70 tuổi (1928 - 2001). Ông từng tự sự: Chưa ai bảo tôi vì đi học Trung Quốc và Liên xô… mà xa dân tộc cả. Hội nhập sân khấu thế giới là lẽ đương nhiên, song, phải đứng vững trên mảnh đất sân khấu dân tộc Việt Nam mới có thể phóng tầm mắt nhìn ra sân khấu thế giới. Ông không tin ai đó không học tử tế lại có thể thành đạo diễn. Đạo diễn cần năng khiếu trời cho, đã đành, nhưng phải học đến mãn kiếp vẫn chưa đủ. Ông rất thích câu nói của Stanilavsky về lao động nghề đạo diễn: cần có 90% lao động ý thức để đạt tới 10% sáng tạo vô thức (tiềm thức).

Sự nghiệp đạo diễn của ông để lại cho đời rất lớn, gồm hơn bốn mươi vở diễn xuất sắc. Đó là minh chứng rõ nét cho tín niệm riêng về nghề đạo diễn sân khấu, với định nghĩa trí tuệ và cô đúc nhất về nghề này của chính Nguyễn Đình Nghi. (Theo ông: đạo diễn người giải thích kịch bản văn học. Đạo diễn là bội số của kịch bản. Đạo diễn chính là giấc mơ về kịch bản). Bởi vậy, Nguyễn Đình Nghi là đạo diễn có khả năng thực hành nghề nghiệp rất lớn, trong sự quấn quyện biện chứng với khả năng tư duy luận lý sâu sắc, trong thực tiễn dàn dựng. Đặc biệt yêu thích việc “đọc vỡ chữ” kịch bản văn học trên một “sức biện biệt văn học” rất lớn và rất yêu thích việc dàn dựng cho diễn viên trên sàn tập, không hề ngừng làm nghề, thích trăn trở suy tư về nghề, biết rút kinh nghiệm xương máu từ sai lầm dàn dựng… đó là tính cách nghề nghiệp nổi bật của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Có lẽ, càng về già, “gừng càng cay”, khi duy nhất Nguyễn Đình Nghi đạo diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch bản Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn) đã đạt đến số phận văn hóa cho vở diễn, trong sự hoàn hảo về mọi phương diện sân khấu: kịch bản hay, đạo diễn rất chuyên nghiệp, dàn diễn viên thật giỏi nghề. Vì thế, vở này đã chiếm ngôi đầu bảng trong Liên hoan sân khấu kịch quốc tế, tại Matxcơva, Liên Xô, năm 1990. Năm 1998, vở này diễn thành công tại hai mươi trường đại học ở Mỹ, và được chọn diễn trích đoạn mẫu cho Hội thảo sân khấu quốc tế châu Á tại Hà Nội cuối năm 1998. Rừng trúc, vở kịch cuối đời (dựng cùng Phạm Thị Thành cho Nhà hát Tuổi Trẻ) cũng là thành công chói sáng nhất trong dàn dựng kịch về đề tài lịch sử của Nguyễn Đình Nghi.

Người thứ ba: đạo diễn Đình Quang

Đình Quang lại là một đạo diễn có sự nghiệp sân khấu song hành xuất sắc về lý luận sân khấu và thực tiễn dàn dựng vở diễn. Bên cạnh vài chục vở diễn thành công, ông viết hàng loạt sách nghiên cứu, phê bình sân khấu và không chỉ khuôn vào lĩnh vực sân khấu, mà hơn thế, là sách nghiên cứu, phê bình về văn hóa nghệ thuật. Ông tài năng về nhiều phương diện, được người mến mộ gọi là “người 5 trong 1”: nhà đạo diễn sân khấu, nhà sư phạm sân khấu, nhà quản lý văn hóa - nghệ thuật, nhà văn nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật, và nghệ sĩ biểu diễn: ngâm thơ, diễn kịch trên sân khấu.

Riêng ở lĩnh vực đạo diễn sân khấu, ngoài việc ông cũng được cử sang học nghề tại Học viện Hí kịch Bắc Kinh 1954, sau đó sang Đức bảo vệ luận án tiến sĩ sân khấu học, khi về nước, ông thành nhà nghiên cứu, giảng dạy sân khấu chuyên sâu, là người đầu tiên viết sách về hệ thống sân khấu Stanilavsky của Nga và hệ thống sân khấu B. Brecht của Đức tại Việt Nam. Khác với Nguyễn Đình Nghi, nghiên cứu lý luận sân khấu chỉ nhằm soi sáng, đối chiếu với thực hành dàn dựng, và coi tác phẩm lớn nhất đời mình là vở diễn, thì Đình Quang nghiên cứu sân khấu để viết sách, đặng đưa những lý thuyết sân khấu kịch thế giới vào Việt Nam, nhằm thúc đẩy sân khấu Việt Nam hiện đại phát triển về cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đình Quang cũng chính là đạo diễn đầu tiên đưa điện ảnh vào dàn dựng sân khấu, gây hiệu ứng rất mới lạ cho người xem trong vở Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm. Ông đã dàn dựng thành công nhiều kịch bản của các tác gia kịch nổi tiếng cùng thời như một đạo diễn tri âm, tri kỷ: với Tất Đạt, vở Tàn đêm, đặc biệt, với chùm kịch chính luận - trữ tình của Xuân Trình: Bạch đàn liễu, Quê hương Việt Nam, Xóm vắng… Những tác giả trẻ cũng được ông ưu ái dựng vở: Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ, Hão của Lê Quý Hiền… Song có lẽ thành tựu nổi bật nhất của ông trong sự nghiệp sân khấu là đã có công lớn đào tạo từ học đường sân khấu Việt Nam cả một dàn diễn viên kỳ cựu cho sân khấu Việt hiện đại, với các NSND nổi tiếng từ sân khấu đến màn ảnh: Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Doãn Châu… và các nghệ sĩ ưu tú: đạo diễn Trần Minh Ngọc, Ngọc Hiền, Mỹ Dung, Nguyệt Ánh, Bích Thu… Cùng với Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, cho những vở đạo diễn xuất sắc và cho bộ Tuyển tập Đình Quang đồ sộ, gồm bốn quyển: Về sân khấu Việt Nam (1962), Về sân khấu nước ngoài (1962), Về Văn hóa nghệ thuật (1995) và Về văn hóa (1999).

***

Ba đạo diễn thế hệ vàng trên đây quả là có công rất lớn trong việc thiết kế nền tảng và kiến tạo cột mốc lịch sử căn cơ cho nghề đạo diễn sân khấu chính thức trở thành chuyên nghiệp và được hiện đại hóa đích đáng trong nền sân khấu Việt hiện đại. Được đào tạo và đào luyện trong bối cảnh văn hóa đặc thù của Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay sau năm 1954, họ đã là những đạo diễn có công lao tiên phong trong sự chấm dứt vĩnh viễn hoạt động không chuyên nghiệp (mang bản chất tài tử, như hoạt động các ban kịch tài tử của nhà dàn cảnh Thế Lữ thập niên 1930 - 1940), thời sân khấu Việt hiện đại manh nha tự phát và ấu trĩ, chỉ dựa trên tự ái dân tộc rất lớn của các văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Và cũng chính thế hệ đạo diễn này đã kiến tạo từ đó một quá trình văn hóa trong sự phát triển của sân khấu hiện đại Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XX, cho đến nay, nhờ ở vai trò là những người tiên phong chịu trách nhiệm chủ lực cho phát triển sân khấu Việt hiện đại…

 Họ đích đáng là thế hệ vàng, bởi một mặt, họ là dấu chấm hết sự phát triển nghiệp dư của sân khấu Việt, mặt khác họ khơi nguồn đầu tiên cho sự chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên chính những tiền đề văn hóa phương Tây đã để lại vô thức cho sân khấu Việt Nam sau 1954, và họ cũng là những người đầu tiên được học nghề bài bản, chính quy với ý thức chuyên nghiệp nghiệp rất cao từ các đại học sân khấu Á, Âu, đặc biệt là ở Liên Xô và Đức. Lại chính họ, biết tận dụng sâu sắc nguyên lý sân khấu cổ truyền Việt, tích hợp với nguyên lý kịch phương Tây, là tinh hoa của sân khấu thế giới, để sáng tạo những vở diễn kinh điển về cả ba thể loại: hài kịch, bi kịch, chính kịch mang khuôn mặt đặc sắc Việt Nam trên sân khấu Việt hiện đại.

Tất cả những tích hợp văn hóa - nghệ thuật ấy đã giúp sân khấu hiện đại Việt hoàn tất một quá trình văn hóa, trong sự hiện đại hóa căn bản và trước tiên, ở nghề đạo diễn. Không phải vô tình, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi luôn rất thích một câu nổi tiếng của vị đạo diễn hàng đầu sân khấu Nga Xô Viết, Tostonogov: chối thế nào thì chối, thế kỷ XX vẫn là thế kỷ của đạo diễn. Và ông còn thích nữa, một câu khác của đạo diễn Efremov: dàn tập - mối tình duy nhất của tôi.

Toàn bộ vở diễn để đời của ba vị đạo diễn đã thực chứng và minh định cho họ, ở vị trí là thế hệ vàng xứng đáng của sân khấu hiện đại Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ba đạo diễn thế hệ khởi đầu<br><i>Nguyễn Thị Minh Thái</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO