Theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, ThS BSCK II Nguyễn Đắc Lương, trong thời gian trong và sau Tết Nguyên đán, khoa tiếp nhận 5 ca sởi nặng, trong đó có 3 ca phải thở máy.
Điển hình, một bệnh nhi từ Hà Tĩnh chuyển vào bị biến chứng viêm phổi, sau điều trị, sức khỏe đang tiến triển tốt. Ngoài ra, có một bệnh nhi ung thư máu nhập viện trong tình trạng suy hô hấp.
Sởi là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và có nhiều biến chứng nặng, các ca bệnh nặng cần phải nằm cách ly và theo dõi sát. Theo đánh giá chung tại BVTW Huế, trong đợt dịch này nhiều trẻ mắc bệnh đến độ tuổi tiêm phòng, không tiêm nhắc lại.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo gia đình nên cho trẻ tiêm vắc xin sởi mũi nhắc lại để tăng hiệu quả miễn dịch. Bệnh sởi đặc biệt nguy hiểm với trẻ có bệnh nền bởi nguy cơ biến chứng cao, dễ gây tử vong.
Cụ thể, tính từ 1.2 đến nay, có 35 ca cúm cho kết quả xét nghiệm dương tính: 20 ca cúm A, 15 ca cúm B. Trung tâm Nhi hiện điều trị 2 ca dương tính với cúm B đến từ thị xã Hương Trà và huyện Phú Lộc.
Đáng chú ý, bệnh nhi Trần N.P.L (sinh năm 2022 ở TX Hương Trà) được BVTW Huế cơ sở 2 chuyển vào trong tình trạng viêm phổi, phải thở máy không xâm nhập; hiện đã giảm suy hô hấp và hết sốt.
Với trẻ dưới 2 tuổi, bệnh nhi bị bệnh nền mắc cúm có nguy cơ diễn biến nặng; biến chứng thường gặp là viêm phổi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa ThS. BS. Phạm Hữu Trí, sau tết Nguyên đán, số ca cúm mùa đến khám và điều trị tại BV tăng hơn so với mọi năm.
Hiện, bệnh viện cơ bản kiểm soát được các ca vào viện, trường hợp bệnh nội trú nặng mới được chỉ định xét nghiệm PCR nhằm phân lập, đánh giá. Đến nay, chưa có ca cúm nặng, chủ yếu một số ca có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi trên trẻ có bệnh nền, được điều trị hỗ trợ và đảm bảo thông khí bằng thở ô xy qua mask.