Azerbaijan – chìa khóa cho quan hệ Nga – Mỹ

14/07/2007 00:00

Quốc gia nhỏ bé Azerbaijan gần đây bỗng trở thành tâm điểm của báo chí thế giới. Lý do rất đơn giản, trạm radar Gabala của nước này chính là đề xuất mà Tổng thống Nga đã đưa ra với Tổng thống Mỹ như là một cơ hội phá vỡ sự bế tắc trong quan hệ giữa hai siêu cường xung quanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington. Azerbaijan, mảnh đất phía nam vùng Caucasus, nơi được coi là sân sau, với vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng với Nga, rất có thể sẽ là nơi hàn gắn những cựu thù trong cuộc chiến tranh lạnh khi xưa.

      Vốn là một nước CH thuộc LB Xô Viết trước đây, lại nằm ở vị trí quan trọng của vùng Trung Á, Azerbaijan chính là mảnh đất mà cả Nga lẫn Mỹ đều nhìn thấy nhiều lợi ích chiến lược chung. Cả Moscow và Washington đều quan tâm đến một quốc gia thế tục và ổn định chính trị như Azerbaijan để kiềm hãm mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Nga, bởi Azerbaijan có chung biên giới với Daghestan, nước CH thuộc Nga, nơi đang trở thành trung tâm chính trị và truyền bá ý thức hệ của những kẻ Hồi giáo cực đoan ở Bắc Caucasus. Quan trọng hơn cả, một vài nhóm dân tộc thiểu số như Lezghins và Avars, đã bị chia tách giữa Daghestan và Azerbaijan. Cho tới khi Daghestan đi theo hệ thống chính trị cộng hòa tổng thống, người Azerbaijan mới có đại diện của riêng mình trong hội đồng quốc gia của nước này. Từ đó các vùng biên giới của Daghestan và Azerbaijan có sự hợp tác rất chặt chẽ. Nhờ vậy, Nga càng có lợi trong mối hợp tác song phương đó. 
      Còn đối với Mỹ, vùng Nam Caucasus là một phần trong dự án Đại Trung Đông đầy tham vọng của mình. Không giống như những vùng lãnh thổ hỗn độn khác của khu vực, đây được coi là một mặt trận tương đối yên tĩnh và ổn định. Washinton nhìn thấy ở Azerbaijan cơ hội để kiềm chế Iran. Chẳng thế mà năm ngoái, các nhà ngoại giao Mỹ đã gọi chính phủ Baku là đồng minh Hồi giáo, từ đó mở ra quan hệ với các quốc gia Hồi giáo khác.
      Chính vì những lý do trên mà cả Mỹ và Nga đều có cách tiếp cận gần giống nhau đối với tình hình trong nước của Azerbaijan. Cả Nhà Trắng lẫn điện Kremlin đều không ép Baku về vấn đề dân chủ. Cả hai đều công nhận chiến thắng của ông Ilham Aliyev trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2003, cũng như chiến thắng của đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005. Cả hai đều theo sau hỗ trợ những nỗ lực đa dạng hóa chính sách ngoại giao của Baku...  
      Trong khi đó, Azerbaijan gần đây đang cố gắng không chỉ cân bằng chính sách đối với Mỹ và Nga mà còn tìm thêm những người bạn trong thế giới Hồi giáo. Trong 3 năm, Azerbaijan đã làm chủ tọa Hội nghị Tổ chức Hồi giáo (OIC), một tổ chức quốc tế rất có ảnh hưởng với 57 nước thành viên. Trong suốt năm qua, các đại diện của OIC cũng liên tục viếng thăm Azerbaijan. Nói chung, OIC đã trở thành diễn đàn chính cho các nhà ngoại giao Azerbaijani xúc tiến lợi ích quốc gia và đóng vai trò rất quan trọng cho chính sách đối ngoại của Baku. Kể từ cuối năm 1991, OIC đã 5 lần lên án “cuộc xâm lược của người Armenia” chống lại Azerbaijan. OIC cũng luôn công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nước cộng hòa này và xem vùng Nagorno-Karabakh, mảnh đất ban đầu là nơi định cư của những người dân tộc Armenia, là một phần không thể tách rời của Azerbaijan. 
      Tính chất Hồi giáo đang trở nên ngày càng rõ nét trong chính sách ngoại giao của Baku. Điều đó không có nghĩa rằng Azerbaijan đang thay đổi hướng đi thế tục của mình và trở nên thân Iran. OIC không ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mặc dù vẫn phản đối Mỹ và phương Tây. Ở một mức độ nhất định, Azerbaijan cũng thất vọng với phương Tây, trước tiên là với Mỹ bởi Washington không thể giải quyết vấn đề Karabakh theo hướng nước này mong muốn.  Nga, vốn luôn được coi là thân Armenia sau năm 1991, cũng chẳng giúp được gì. Mặc dù giới lãnh đạo Armenian đang trở nên ít cứng rắn hơn về vấn đề trên, nhưng quan điểm chống Armenia vẫn còn rất mạnh trong những người dân thường. Cả Moscow và Washington đang quan tâm phát triển quan hệ với Baku nhưng không trả giá bằng việc đứng chung chiến hào với Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh. 
      Bản thân giữa Mỹ và Nga,  lợi ích chung vẫn nặng hơn xung đột và đối đầu. Do đó, việc cùng sử dụng chung trạm radar Gabala có thể giúp ngăn ngừa một cuộc chiến tranh lạnh mới và thiết lập mối quan hệ chiến lược song phương có tính xây dựng ở Caucasus và phần còn lại của Liên bang Xô viết cũ.

Linh Đạm
Theo Ria Novotsi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Azerbaijan – chìa khóa cho quan hệ Nga – Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO