Australia trở thành quốc gia đầu tiên cấm đá nhân tạo
Trong bối cảnh số ca mắc bệnh bụi phổi silic ngày càng gia tăng ở những người lao động xử lý đá nhân tạo, Australia đã công bố lệnh cấm hoàn toàn vật liệu này.
Lệnh cấm đã được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng phụ trách an toàn và sức khỏe lao động liên bang và các tiểu bang của Australia, và sẽ được áp dụng đối với phần lớn các khu vực pháp lý từ 1.7.2024. Các bang Victoria, Queensland và New South Wales cũng đã đưa ra các tuyên bố riêng, trong đó cam kết bắt đầu thực hiện kể từ thời điểm nêu trên.
Lệnh cấm sẽ áp dụng đối với việc sản xuất, cung cấp, xử lý và lắp đặt đá nhân tạo nhưng không áp dụng cho việc tháo dỡ, sửa chữa, thải bỏ.

Đá nhân tạo, còn được gọi là đá kết tụ - một loại vật liệu được tạo ra bằng cách trộn đá nghiền với chất kết dính nhựa. Mặc dù được đánh giá là có giá cả phải chăng và bền hơn đá tự nhiên, nhưng vật liệu này mang lại nhiều rủi ro hơn vì thải ra nhiều bụi silic, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của những người phải thường xuyên hít vào.
Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng, rủi ro từ đá nhân tạo khác với đá tự nhiên do thành phần vật lý và hóa học của vật liệu, điều này có thể góp phần khiến cho những người tiếp xúc nhiều với vật liệu này sẽ mắc bệnh nhanh và nghiêm trọng hơn. Báo cáo điều tra của ba hãng tin Australia kết luận rằng, không có hàm lượng silica nào là an toàn trong đá nhân tạo và vật liệu này nên bị cấm hoàn toàn.
Bụi silic tinh thể là loại bụi mịn, nhỏ hơn 100 lần so với một hạt cát, được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm các chất gây ung thư cấp độ 1 (nguy hiểm nhất), việc hít phải bụi silic có thể dẫn tới mắc bệnh bụi phổi silic và ung thư phổi. Một báo cáo của cơ quan chính sách quốc gia Safe Work Australia cho thấy, công nhân làm đá nhân tạo chiếm tỷ lệ cao đáng kể trong các trường hợp mắc bệnh bụi phổi silic, được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn nhiều so với công nhân từ các ngành khác và hầu hết đều dưới 35 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Cộng đồng Simone McGurk cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic ở công nhân xử lý đá nhân tạo tại Australia là đáng báo động, vì vậy lệnh cấm này bảo đảm các thế hệ công nhân trong tương lai sẽ được bảo vệ khỏi bệnh bụi phổi silic do làm việc với đá nhân tạo.
Trước động thái lệnh cấm đá nhân tạo, Giám đốc điều hành Caesarstone, ông Yos Shiran cho biết, thương hiệu Caesarstone nổi tiếng ở Australia và các sản phẩm của hãng đã đạt được thành công to lớn trong những năm qua. Do đó, họ sẵn sàng thực hiện các bước để cung cấp cho thị trường Australia các sản phẩm thay thế. Các công ty khác bao gồm Ikea và Bunnings cũng đã cam kết loại bỏ dần nguyên liệu này tại thị trường Australia.
Các bộ trưởng phụ trách an toàn và sức khỏe lao động liên bang và các tiểu bang của Australia sẽ họp lại vào tháng 3.2024 để hoàn thiện các chi tiết về lệnh cấm. Chủ tịch Ủy ban Ung thư liên quan đến nghề nghiệp và môi trường, thuộc Hội đồng Ung thư Australia, Giáo sư Tim Driscoll đã hoan nghênh quyết định trên của các bộ trưởng và cho rằng, tất cả các cấp chính quyền của Australia đã thực hiện bước đi quan trọng nhằm bảo đảm an toàn cho những công nhân đang làm việc trong lĩnh vực chế tác đá nhân tạo trước tác hại của bụi silic.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng, còn nhiều môi trường làm việc khác cũng chứng kiến tình trạng tiếp xúc với bụi silic như lĩnh vực khai thác đá, khai thác mỏ, xây dựng và đào hầm, và điều quan trọng là cần phải ngăn chặn hoặc giảm thiểu mức độ tiếp xúc với loại bụi nguy hiểm này.