NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ NỀN TẢNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Australia: Đòi lại công bằng cho các hãng truyền thông

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 08:51 - Chia sẻ
Vừa qua, Quốc hội Australia đã chính thức thông qua Dự luật Đàm phán truyền thông, buộc các nền tảng số toàn cầu trả tiền nếu muốn hiển thị nội dung tin tức của nước này. Văn bản pháp lý trên từng gây ra cuộc chiến căng thẳng giữa xứ sở kangaroo và ông lớn Facebook, sẽ là luật tiên phong về vấn đề này trên thế giới, là cơ sở để các nước hoạch định các luật tương tự. Nó đưa Australia trở thành quốc gia đầu tiên mà "trọng tài Chính phủ" sẽ đặt ra mức phí mà các gã khổng lồ công nghệ phải trả nếu quá trình đàm phán với các công ty truyền thông thất bại.

Gỡ nút thắt

Bộ quy tắc, vốn đã được phân tích và tham vấn cộng đồng trong gần 3 năm qua, đã được trình lên Quốc hội Australia từ tháng 12.2020 và chính thức được biểu quyết thành luật ngày 25.2.2021 sau khi Facebook và Google, mục tiêu chính của luật, đạt được thỏa thuận điều chỉnh một số điều khoản. Nó bảo đảm cho các hãng truyền thông tin tức ở Australia “được trả thù lao công bằng cho những nội dung họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí được công chúng quan tâm”, theo như tuyên bố của giới chức nước này. Giờ đây, các nền tảng công nghệ sẽ phải thương lượng với các công ty truyền thông trong việc trả phí cho những nội dung thu hút lưu lượng truy cập và doanh thu quảng cáo đến nền tảng của họ. Ngược lại, theo các nhà phân tích, Facebook cũng bảo vệ được mô hình thu tiền quảng cáo sinh lợi của mình cho các nhấp chuột vào tin tức mà nền tảng hiển thị.

Trước đó, ngày 18.2, nhằm phản đối các quy định trên, Facebook bất ngờ chặn hiển thị mọi nội dung tin tức của Australia trên nền tảng của mình. Hãng lập luận rằng họ không ăn cắp nội dung tin tức, chính các nhà xuất bản chọn chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook. Trong khi đó, các nhà quản lý Australia nhấn mạnh, luật mới là cần thiết để “san bằng sân chơi, tạo ra môi trường truyền thông bền vững”. Đến ngày 23.2, Facebook thông báo sẽ gỡ bỏ “lệnh cấm” sau khi Chính phủ Australia nhượng bộ, đồng ý thay đổi một số điều khoản trong bộ quy tắc và bảo đảm giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của Facebook trong giao dịch thương mại, trong đó công nhận giá trị mà nền tảng của Facebook mang đến cho các nhà xuất bản tin tức tương quan với giá trị mà nền tảng công nghệ này nhận được từ họ.

Chính quyền Canberra đã đưa ra 4 sửa đổi, bao gồm thay đổi cơ chế trọng tài bắt buộc được đề xuất được sử dụng khi các gã khổng lồ công nghệ không thể đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản về khoản thanh toán hợp lý để hiển thị nội dung tin tức. Các sửa đổi bao gồm thêm thời gian hòa giải 2 tháng trước khi trọng tài do Chính phủ chỉ định can thiệp, giúp các bên có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận riêng.

Chính phủ cũng đưa vào luật các quy tắc yêu cầu, các thỏa thuận truyền thông hiện có của một công ty internet phải được cân nhắc, tính toán trước khi các quy định có hiệu lực. Đây là biện pháp khuyến khích các công ty internet thực hiện giao dịch với những hãng truyền thông đại chúng nhỏ hơn.

Trong tháng 2, Google đã sớm ký thỏa thuận thương mại với các hãng tin lớn ở Australia như News Corp, Seven West và Nine. Facebook cũng đang tiến hành các bước đi tương tự để tránh phải giải quyết bất đồng qua trọng tài do Chính phủ chỉ định.

Nguồn: ITN

Vì sao cần thiết?

Luật Đàm phán truyền thông của Australia được thiết kế để giải quyết việc thất thoát doanh thu quảng cáo từ các công ty truyền thông truyền thống vào tay những "gã khổng lồ" kỹ thuật số. Sự mất mát về doanh thu quảng cáo dù được bù đắp một phần bởi lượng độc giả đăng ký nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng cắt giảm các tòa soạn, các nhà báo rời ngành và nhiều hãng truyền thông bị phá sản hay đóng cửa. Trong khi đó, Google và Facebook đang làm ăn rất tốt: Google kiếm được 4,3 tỷ USD doanh thu quảng cáo ở Australia vào năm 2019, trong khi Facebook kiếm được 0,7 tỷ USD - theo các tài liệu nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia.

Các tờ báo cho rằng, Google kiếm tiền từ tin tức cũng như phân tích do các tổ chức truyền thông cung cấp và người dùng sẽ thấy Google và Facebook ít hữu ích hơn nhiều nếu không có tin tức nào xuất hiện trên nguồn cấp dữ liệu hoặc trong kết quả tìm kiếm của họ.

Thực tế, luật mới của Australia khi còn là dự luật đã được đưa ra khẩn cấp giữa thời kỳ đại dịch Covid-19. Lúc đó News Corp Australia đã phải ngừng in 60 tờ báo địa phương cũng như báo khu vực ở bang Victoria, và một số tờ báo đã có hơn 100 năm tuổi đột ngột phải đóng cửa do doanh thu quảng cáo cạn kiệt chỉ sau một đêm.

Vì thế luật mới là nhằm mục đích bảo đảm các doanh nghiệp truyền thông tin tức xứ kangaroo được trả thù lao công bằng cho nội dung mà họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí vì lợi ích công chúng ở Australia.

Thời gian kể từ lúc nó manh nha cho tới khi thành luật chính thức kéo dài đến gần 3 năm. Lúc đó Chính phủ nước này yêu cầu cơ quan quản lý cạnh tranh nước này là Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) tìm hiểu tác động của Facebook và Google đối với tình trạng cạnh tranh trong truyền thông và quảng cáo.

Cuộc điều tra kéo dài 18 tháng đã phát hiện ra sự mất cân bằng về khả năng thương lượng giữa các tổ chức truyền thông tin tức và các nền tảng kỹ thuật số lớn, đồng thời khuyến nghị các quy tắc ứng xử nên được thương lượng để chi phối các giao dịch thương mại của họ. ACCC đã phát hành một bản dự thảo và yêu cầu các công ty truyền thông và nền tảng xã hội bình luận. Tất nhiên, khuyến nghị đã nhận được sự hoan nghênh của các công ty truyền thông và những người ủng hộ báo chí. Trái lại, Google và Facebook từng lo ngại nó sẽ tạo ra một tiền lệ toàn cầu.

Linh Anh