Aung San Suu Kyi sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Myanmar?

- Thứ Bảy, 08/06/2013, 08:45 - Chia sẻ
Hôm qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần thứ 22 do Myanmar lần đầu tiên đăng cai ở thủ đô Naypyidaw, thủ lĩnh đối lập của nước này, bà Aung San Suu Kyi đã chính thức tuyên bố: “Tôi muốn chạy đua vào cương vị tổng thống và tôi hoàn toàn nghiêm túc về điều này”. Tuy nhiên con đường đưa bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Myanmar sau cuộc bầu cử được dự kiến tổ chức vào năm 2015 không hề bằng phẳng như chính cuộc đời đầy sóng gió của bà.
 

Cơ may...

Thực tế, bà Aung San Suu Kyi đã từng vài lần tuyên bố sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế tổng thống nếu đó là ý nguyện của người dân Myanmar mà lần gần đây nhất là hồi tháng 10 năm ngoái. Lợi thế lớn của bà là tên tuổi được toàn đất nước biết đến. Từng bị chính quyền quân sự giam lỏng trong suốt 15 năm, bà đã nổi lên với tư cách là nhà dân chủ hàng đầu ở Myanmar và từng đoạt giải Nobel hòa bình năm 1991. Aung San Suu Kyi được yêu mến còn bởi bà là con gái của tướng Aung San, nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy trong những năm 40 thế kỷ trước chống ách phát xít Nhật giành độc lập cho Myanmar.

Năm ngoái, bà đã được tín nhiệm bầu vào Quốc hội sau khi Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 cùng năm. Uy tín của Suu Kyi trong NLD cũng rất cao khi được đảng này tái bổ nhiệm thành nhà lãnh đạo Đảng tại Hội nghị đầu tiên hồi tháng 3 vừa qua.

Tên tuổi của bà không chỉ bó hẹp ở trong Myanmar mà còn vươn ra thế giới. Cách đây hơn một tháng, Tạp chí Time của Mỹ đã bầu chọn Aung San Suu Kyi là người có ảnh hưởng nhất thế giới trong vòng một thập niên vừa qua với 61% số phiếu ủng hộ, vượt qua cả đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Được xem là một biểu tượng cho sự đấu tranh bền bỉ vì nền dân chủ của Myanmar suốt nhiều thập kỷ qua, lãnh tụ đối lập Myanmar còn có tên trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013, cũng do Tạp chí Time bình chọn.

Theo các nhà phân tích, trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng NLD của bà Suu Kyi sẽ giành được khá nhiều sự ủng hộ của cử tri Myanmar. Mặc dù trong hai năm nhiệm kỳ của tổng thống Thein Sein, Myanmar đã có nhiều cải cách quan trọng làm thay đổi bộ mặt đất nước nhưng thủ lĩnh  đối lập vẫn cho rằng phần lớn người dân nước này vẫn chưa được hưởng trọn những trái ngọt của cải cách và “đây là thời điểm cần phải thay đổi”.

Hiện Aung San Suu Kyi, đang vận động sự ủng hộ của quân đội vì theo hiến pháp năm 2008, quân đội Myanmar mặc nhiên được trao 1/4 ghế nghị sĩ. Sau cuộc bầu cử bổ sung năm 2012, Đảng NLD giành được 43 ghế nghị sĩ trong tổng số 44 suất bầu lại nên nếu được quân đội ủng hộ thì trong cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi chắc chắn có nhiều cơ may trở thành tổng thống.

... và những trở ngại

Trở ngại lớn nhất đối với tham vọng tranh cử tổng thống của bà Suu Kyi là một điều trong hiến pháp hiện hành của Myanmar, trong đó quy định những ai có vợ chồng hoặc con cái là công dân nước ngoài không được phép tranh cử vị trí lãnh đạo đất nước. Bà Suu Kyi có 2 con trai với người chồng quá cố Michael Aris - là một người Anh. Thay đổi những điều trong bộ luật gốc này đòi hỏi phải có sự ủng hộ của hơn 75% nghị sỹ Quốc hội. Trong khi đó, theo bà, hiến pháp của Myanmar được cho là khó sửa đổi nhất trên thế giới vì vậy cần “bắt đầu sửa đổi từ những yêu cầu sửa đổi”. Hơn nữa, vấn đề tuổi tác cũng là trở ngại, theo người phát ngôn Đảng NLD Ohn Kyaing, “năm 2015 là cơ hội đầu tiên và cuối cùng để Suu Kyi trở thành tổng thống vì năm nay bà đã 68 tuổi. Đợi đến cuộc bầu  cử năm 2020, bà sẽ quá già.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích chính trị cũng không đánh giá cao khả năng đảm nhận trọng trách của một đảng cầm quyền của NLD.

Trước hết là vì nội bộ đảng này đã có sự chia rẽ trầm trọng, đến mức bốn đảng viên bị khai trừ và không được dự đại hội đảng. Trong bài phát biểu hôm 9.3.2013 tại đại hội, bà Aung San Suu Kyi đã thừa nhận những “xung đột nội bộ” này và kêu gọi mọi người hãy đoàn kết lại. Nếu tình hình không được cải thiện, đây chính là điểm có thể hủy hoại nỗ lực giành quyền lực của NLD.

Vấn đề thứ hai đó là trong suốt 20 năm trước khi được hợp pháp hóa trở lại, NLD vẫn gần như hoạt động bí mật, chưa quen với lề lối làm việc của một chính đảng có khả năng cầm quyền. Bên cạnh đó, dù NLD có uy tín lớn trong bối cảnh Myanmar nổi lên sau nhiều năm chế độ quân sự cầm quyền, song nó hiện đang phải đối mặt với những quan ngại rằng còn thiếu kinh nghiệm chính trị thực tế. Một nhà phân tích trong nước cho rằng, NLD sẽ cần phải xây dựng năng lực tổ chức của mình nếu muốn trở thành chính phủ tiếp theo. “Bạn phải thích ứng với những gì mới mở ra, NLD có thể đáp ứng thách thức đó hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn”, ông nói.

Vấn đề thứ ba là sự già hóa của đội ngũ lãnh đạo, tất cả “bạn chiến đấu” của bà Aung San Suu Kyi đều trong độ tuổi 80. Chính vì thế thách thức lớn nhất đặt ra cho nhà lãnh đạo đối lập là tìm ra một thế cân bằng giữa một bên là thành phần sáng lập viên, những “đồng chí ban đầu” tóc bạc với các thành viên trẻ háo hức tham gia vào các hoạt động chính trị của đất nước.

Ngoài ra NLD còn phải tìm ra được hướng đi mới với chính sách kinh tế đáng tin cậy cũng như vạch ra chiến lược xây dựng và giải quyết các lĩnh vực, vấn đề của đất nước từ y tế, giáo dục đến tình trạng chậm phát triển hay nạn tham nhũng... Nếu không uy tín của NLD sẽ bị xói mòn trong lòng người dân Myanmar.

Dẫu lắm trở ngại nhưng theo các cuộc thăm dò, NLD vẫn có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, vốn được coi là đỉnh cao của quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar. Và nếu được như vậy thì thủ lĩnh Aung San Suu Kyi sẽ trở thành ngườâi phụ nữä đầu tiên ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất của quốc gia Đông Nam Á này. 

Linh Anh