ASEAN: Tiến tới tầm nhìn là trung tâm sản xuất mới của thế giới

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:44 - Chia sẻ
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2020 với chủ đề “ASEAN kỹ thuật số: Bền vững và bao trùm” ngày 13.11, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực phòng chống dịch bệnh của các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, bất trắc vẫn còn phía trước, do đó, các nước cần có chính sách phát triển chung, bền vững, tiến tới tầm nhìn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

 “Vẫn còn bất trắc”

GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)  “rất ấn tượng” về khả năng phòng, chống dịch Covid-19 của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. “Khi đại dịch xảy ra, các nước ASEAN đã đưa ra nhiều phân tích về mặt chính sách. Các chính sách này không chỉ để cộng đồng ASEAN có thể phòng, chống và vượt qua đại dịch mà còn thúc đẩy sự đoàn kết giữa các nước với một cơ chế mới”, ông nói. Cũng theo vị chuyên gia này, bên cạnh thách thức, đại dịch Covid-19 cũng mang lại cho ASEAN cơ hội bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số, dịch vụ hóa các hoạt động cơ sở hạ tầng, chú trọng hơn nữa về quyền con người, hướng về con người nhiều hơn.

Các đại biểu dự hội nghị
Ảnh: Thống Nhất

Đánh giá cao công tác phòng chống dịch của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam khi tỷ lệ tử vong, lây nhiễm rất thấp so với thế giới, ông Robert E Moritz, Chủ tịch Pricewaterhouse Cooper International Limited cho rằng, các nước trong khu vực đang có cơ hội vượt qua dịch bệnh và kinh tế dần mở cửa trở lại. Tuy vậy, ông nhấn mạnh “còn nhiều vấn đề cần giải quyết”.

Rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra rất cao, TS. Aladdin D. Rillo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN nói. Mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kể từ khi bùng phát đại dịch, song các nước trong khu vực vẫn cần phải xử lý nhiều vấn đề để có thể vượt qua đại dịch. “Chúng ta không biết đến khi nào đại dịch mới chấm dứt. Vì vậy, triển vọng trong khu vực vẫn còn bất trắc”. Ông dẫn chứng, trong nửa đầu năm nay ghi nhận tăng trưởng GDP ở một số nền kinh tế ASEAN giảm mạnh, thậm chí tăng trưởng âm.

Thiết lập gói ưu đãi liên khối cho nhà đầu tư

Để vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, TS. Aladdin D. Rillo cho rằng các nước trong khu vực “cần có những ưu tiên quan trọng”. Trước tiên phải tập trung vào vấn đề hợp tác trong khu vực; chuyển từ biện pháp ngăn ngừa sang phục hồi và có những hành động quyết đoán đối với đại dịch. Bên cạnh đó, bảo đảm có đủ ngân quỹ xử lý đại dịch. Tiếp đến, phải mở cửa nền kinh tế để những ngành quan trọng nhất khôi phục như ngành hàng không; tiếp tục phát triển mạnh mẽ về nguồn vốn, con người, đẩy mạnh số hóa... để bù đắp lại những mất mát vì Covid-19.  

Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, thành viên ASEAN BAC Việt Nam cho rằng, cần có các chính sách phát triển chung, bền vững, đoàn kết, tiến tới tầm nhìn ASEAN trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Để đón sự dịch chuyển của các nhà máy lớn sang các nước ASEAN, bà Nga cho rằng cần thiếp lập gói ưu đãi liên khối cho các nhà đầu tư, đồng thời mong muốn không có sự cạnh tranh trong khối ASEAN. Điều này sẽ làm cho khối ASEAN thống nhất, gia tăng tính cạnh tranh với các khối khác.

Cùng với đó, bà Nga đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng cân bằng, linh hoạt cho toàn khối ASEAN. Điều này cần các doanh nghiệp trong khối liên kết chặt chẽ, chính công dân trong khu vực vừa là lao động vừa là khách hàng. “Các doanh nghiệp quốc gia ASEAN cần hỗ trợ nhau nhiều hơn cùng phát triển, dựa vào từng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, nhanh chóng phát triển, ví dụ doanh nghiệp dịch vụ hậu cần sẽ liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất”, bà Nga nói.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là thách thức chưa từng có cho toàn thế giới. ASEAN không tránh khỏi những ảnh hưởng xấu từ đại dịch trong khi đó còn phải hứng chịu tác động tiêu cực từ thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong khó khăn, càng sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, để vượt qua cú sốc Covid-19, đưa ASEAN trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư kinh doanh khu vực và toàn cầu để cùng hợp tác, cùng thành công. Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực; đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển; đồng thời tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN. 

An Thiện