ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur: Giao ước sống động với tương lai
Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng, mở ra chương mới cho sự phát triển của ASEAN trong hành trình hội nhập khu vực trong hai thập kỷ tới, khẳng định cam kết và quyết tâm của các nước hướng tới một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 với chủ đề “Bao trùm và bền vững”, 10 nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur, văn bản tầm nhìn dài hạn của khu vực có tên “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”.
Tầm nhìn mới cho ASEAN trong 20 năm tới
Theo Tuyên bố, các quốc gia thành viên ASEAN tái khẳng định quyết tâm chung nhằm tăng cường thống nhất trong khu vực, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời tăng cường năng lực thể chế để ứng phó hiệu quả với các xu hướng lớn hiện tại và tương lai.
Tuyên bố đặt ASEAN vào tâm điểm tăng trưởng ở khu vực, nhấn mạnh sự đoàn kết khu vực, bản sắc chung và tiếp cận công bằng các cơ hội kinh tế. Tuyên bố nêu rõ: “ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy các phản ứng tập thể, hiệu quả, hiệu suất và sáng tạo đối với các thách thức khu vực và toàn cầu cũng như các cú sốc trong tương lai, điều này sẽ giúp đảm bảo tương lai của ASEAN và người dân”.

Trong số các quyết định quan trọng trong Tuyên bố lần này là việc chính thức thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 và các kế hoạch chiến lược dựa trên 4 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Xã hội - Văn hóa và Kết nối.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 được coi là lộ trình chiến lược thực tế kéo dài 20 năm để định hướng sự phát triển của khu vực trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn.
"Bốn kế hoạch chiến lược này được thiết kế để hướng dẫn ASEAN về cách ưu tiên công việc của mình trong khi vẫn duy trì sự thống nhất, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN". Ông cho biết thêm rằng, lộ trình này cũng thừa nhận nhu cầu hợp tác chặt chẽ với các đối tác bên ngoài, bao gồm các đối tác đối thoại, đối tác theo ngành và đối tác toàn cầu.
"Tài liệu này mang tính hướng tới tương lai và chiến lược, thừa nhận những thay đổi về địa chính trị, số hóa, thay đổi nhân khẩu học, rủi ro khí hậu và các vấn đề cấp bách khác. Tài liệu này làm rõ cách ASEAN sẽ định hướng tương lai của mình", ông nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia đã tuyên bố, khẳng định ASEAN mong muốn trở thành một thị trường chung thịnh vượng với lực lượng lao động có tay nghề cao và toàn diện, tăng trưởng năng suất và đổi mới sáng tạo, đồng thời kết hợp tính bền vững trong và dọc theo chuỗi giá trị thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN cũng thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ địa phương cho các giao dịch xuyên biên giới để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của khu vực trước biến động bên ngoài, tăng cường tài trợ rủi ro thiên tai và giảm thiểu rủi ro hoặc tác động phát sinh từ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
"Thông qua tầm nhìn mới được cập nhật, ASEAN dự kiến sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, dựa trên tăng trưởng bền vững và quản trị tốt, được hỗ trợ bởi các công nghệ tiên tiến và nắm bắt các cơ hội mới nổi", tuyên bố khẳng định.
Tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đã được khởi động cách đây 5 năm, xuất phát từ sáng kiến của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 về định hướng phát triển của ASEAN sau 2025, đưa ASEAN tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.
Giao ước với tương lai
Mô tả tầm nhìn này là “giao ước sống động với tương lai”, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - Chủ tịch ASEAN 2025 cho biết, bản tuyên bố “được neo chặt vào chủ nghĩa hiện thực, được thúc đẩy bởi quyết tâm và trở nên khả thi nhờ lòng tin”.

Ông cho biết, những nỗ lực của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua được định hướng bởi tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm chung và lòng tin khu vực. Văn kiện mới được thông qua đóng vai trò tiếp nối di sản đó trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Thủ tướng Anwar nhấn mạnh: “Khả năng dẫn đầu của ASEAN về trí tuệ nhân tạo, đổi mới kỹ thuật số và nền kinh tế xanh sẽ quyết định không chỉ sự thịnh vượng mà còn cả sự gắn kết giữa các quốc gia”.
Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng, những tiến bộ công nghệ có thể làm gia tăng bất bình đẳng và thay đổi sinh kế nếu không được quản lý chặt chẽ. Theo ông, tương lai của ASEAN phải dựa trên tính bền vững và hòa nhập, với các nỗ lực hội nhập tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện mức sống và đầu tư vào tiềm năng của mọi công dân.
Nhắc lại cam kết của các thành viên sáng lập cách đây gần 60 năm về thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, bảo đảm cho người dân và các thế hệ tương lai được sống trong hòa bình, tự do và thịnh vượng, ông Anwar khẳng định, Tuyên bố Kuala Lumpur chính là sự tái hiện lời hứa thiêng liêng đó, không chỉ là sự tri ân quá khứ mà còn là giao ước sống động với tương lai.
Tuyên bố Kuala Lumpur 2045 được soạn thảo dựa trên các thỏa thuận mang tính bước ngoặt trước đây như Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng nhau phát triển (2015), Tuyên bố Hà Nội (2020), Chương trình nghị sự kết nối Phnom Penh (2022), Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Labuan Bajo (2023) và Tuyên bố Viêng Chăn về Phát triển các Kế hoạch chiến lược (2024).