ASEAN đa số sẽ hơn ASEAN đồng thuận trước một Trung Quốc hung hãn sau Trung Hoa trỗi dậy hòa bình

Đình Bách lược dịch 04/06/2014 08:34

Trang The Diplomat vừa đăng bài của GS-TS John Lee, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Hudson tại Washington và là thành viên của phái đoàn phi chính phủ Australia tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Ông cho rằng, ASEAN có vai trò quan trọng trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình khu vực. Tuy nhiên hiệp hội cần linh hoạt hơn trong cơ chế ra quyết định để tránh rơi vào tình trạng tê liệt.

Nguồn: Sea issue
Nguồn: Sea issue

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) diễn ra tại Singapore cuối tuần qua, hai cường quốc Mỹ và Nhật Bản đã một lần nữa phản ứng mạnh mẽ việc Bắc Kinh sử dụng đe dọa và vũ lực để giải quyết các tranh chấp hàng hải trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng các biện pháp cưỡng chế, đồng thời kiên quyết yêu cầu tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế.

Đây là quan điểm không mới nhưng phản ánh sự ủng hộ của cả Nhật Bản và Mỹ đối với nỗ lực ngoại giao mà ASEAN theo đuổi lâu nay nhằm giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên, các diễn đàn do ASEAN chủ trì trên thực tế vẫn chỉ là nơi thu thập, trao đổi ý kiến về các vấn đề an ninh, hoạt động của hiệp hội này có nguy cơ rơi vào sự trì trệ và không hiệu quả.

Trở ngại đầu tiên của ASEAN khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực đó là quy mô và phạm vi hoạt động của ASEAN ngày càng bị thu hẹp. Nhìn lại thời điểm Trung Quốc trở thành đối tác toàn diện của ASEAN năm 1996, chi phí quân sự của Trung Quốc chỉ gấp 1,3 lần so với chi phí quốc phòng của tất cả các nước ASEAN cộng lại. Đến cuối năm 2013, chi phí quốc phòng của Trung Quốc gần gấp 5 lần so với của ASEAN. Đó là một con số đầy ý nghĩa.

Trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, một Trung Quốc tương đối yếu và bị cô lập về mặt chiến lược luôn cố gắng thuyết phục ASEAN về sự trỗi dậy hòa bình, một khái niệm mà Bắc Kinh chính thức sử dụng vào giữa thập kỷ trước. ASEAN lúc đó là một công cụ hữu ích mà thông qua nó Trung Quốc chứng tỏ rằng quốc gia này không có ý định thách thức trật tự thế giới hậu Chiến tranh Thế giới thứ II và sẽ hành xử theo các tiêu chuẩn ngoại giao của khu vực.

Điều này hoàn toàn trái ngược với sự chuẩn bị hiện nay của Bắc Kinh nhằm đối đầu với mọi quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển châu Á. Các nước Đông Nam Á, bị đe dọa bởi tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, đang xích lại gần nhau hơn cũng như mở rộng quan hệ chiến lược và quân sự với các cường quốc có bờ biển tại châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản. Chính tại Shangri-La, ASEAN đã hoan nghênh một cách thận trọng mong muốn của Nhật Bản đóng vai trò tích cực và toàn diện hơn trong các vấn đề an ninh khu vực.

Rõ ràng là thái độ của Bắc Kinh đối với ASEAN đã thay đổi. Nếu trước kia, họ coi ASEAN như một công cụ để khai thác các lợi thế ngoại giao, thì giờ đây, Bắc Kinh đang tìm cách vô hiệu hóa ASEAN để thúc đẩy các lợi ích chiến lược và lãnh thổ của mình. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc Trung Quốc cố tình trì hoãn thực thi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, trong đó nghiêm cấm sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp hàng hải.

Các quốc gia ngoài ASEAN như Mỹ, Nhật Bản và Australia ngày càng cho thấy sự ủng hộ đối với tiến trình ngoại giao của ASEAN, mặc dù tất cả các nước này đều biết rõ cơ chế đồng thuận trong quá trình ra quyết định của ASEAN có thể khiến liên minh này rơi vào bế tắc. Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật và Australia tại Shangri-La cuối tuần qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chiến lược và quốc phòng dựa trên việc đánh giá lại cách hành xử của Trung Quốc; kêu gọi Trung Quốc chấm dứt mọi hành vi mang tính cưỡng chế trong thực thi các tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố còn kêu gọi Trung Quốc và ASEAN tích cực đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này luôn là thách thức đối với ASEAN. Trung Quốc luôn nắm được điểm yếu đó và sử dụng nó để phục vụ lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Chẳng phải Bắc Kinh đã thành công trong việc ngăn cản Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tổ chức ở Phnom Penh tháng 7.2012 ra thông cáo chung nêu ra những quan ngại liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông?

Nhưng nếu nhìn rộng hơn, ASEAN hoàn toàn có sức mạnh để vượt qua những trở ngại như vậy để tiến đến một thỏa thuận mang tính biểu tượng. Chắc chắn Trung Quốc sẽ vẫn tìm cách trì hoãn tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. ASEAN có thể ký Bộ Quy tắc ứng xử với các nước khác trong khu vực như Mỹ và Nhật Bản. Khi đó, ASEAN có thể mời Trung Quốc tham gia Bộ Quy tắc này. Nếu từ chối, Trung Quốc sẽ bị cô lập và chịu những tổn thất về mặt ngoại giao. Kinh nghiệm của quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cho thấy trong một số trường hợp cần phải gạt Bắc Kinh ra khỏi những cơ chế có sự tham gia của các cường quốc khu vực khác trước khi Bắc Kinh cân nhắc việc ngồi vào bàn đàm phán. Sự chậm trễ của Bắc Kinh sẽ buộc họ phải chấp nhận luật chơi của những người đi trước.

Đối với ASEAN, để thực thi được vai trò như trên, hiệp hội này cần từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong quyết định, thay vào đó cho phép khối đưa ra quyết định thông qua sự nhất trí của một nhóm đại diện gồm năm đến bảy nước thành viên. Một sự thay đổi như vậy bước đầu có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ các nước thành viên. Tuy nhiên, nếu không trở nên linh hoạt hơn trong cơ chế ra quyết định, ASEAN sẽ tiếp tục bị vô hiệu hóa và tiếp tục bị Trung Quốc thao túng. Và điều này sẽ không đem lại lợi ích cho ASEAN trong cuộc đối đầu với những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ASEAN đa số sẽ hơn ASEAN đồng thuận trước một <i>Trung Quốc hung hãn</i> sau <i>Trung Hoa trỗi dậy hòa bình</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO