Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) là một trong những công ty trọng yếu thuộc hệ sinh thái Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Egroup, thường được nhắc đến với tên gọi Shark Thuỷ.
Tính đến cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC. Apax Holdings chính là đơn vị nắm giữ lượng lớn vốn tại CTCP Anh ngữ Apax.
Những năm trước đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Shark Thuỷ đến từ việc phát triển các trung tâm dạy tiếng anh Apax English/ Apax Leaders.
Hệ thống dạy học tiếng anh của Shark Thuỷ từng mở rộng hơn 120 trung tâm trên toàn quốc, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học.
Vào thời kỳ hoàng kim của mình, Apax Holdings được đánh giá trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Tuy nhiên, giấc mộng thống trị thị trường dạy học tiếng anh của Shark Thuỷ đã sụp đổ khi đại dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam. Việc đóng cửa toàn bộ hệ thống đã khiến doanh nghiệp của ông Thuỷ mất đi nguồn thu chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi “đóng băng” hoàn toàn.
Cho đến thời điểm năm 2022, Apax Holdings liên tục dính vào các vấn đền liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Kết năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Lỗ trước thuế 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ, đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.
Thời điểm 31.12.2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt của Apax Holdings vẫn “dủng dỉnh” với 737 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Mới đây, CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh.
Với động thái nêu trên, dàn lãnh đạo Apax Holdings chỉ còn 2 người là Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy và Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Khánh.
Đáng chú ý, việc nhân sự chủ chốt tháo chạy khỏi bộ máy của Apax Holdings diễn ra ngay trước thềm Apax Holdings nhận quyết định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC.
Nguyên do bởi cổ phiếu IBC đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch, kiểm soát, cảnh báo khi tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định và công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Một số chuyên gia tài chính nhận định, dẫn đến tình trạng nêu trên của Apax Holdings không chỉ do việc các trung tâm phải đóng cửa do dịch mà còn đến từ nguyên nhân các công ty trong hệ sinh thái của Shark Thuỷ có phần nóng vội khi đầu tư quá nhiều nguồn lực vào bất động sản. Khi không có nguồn thu từ hoạt động giáo dục, thêm việc thị trường bất động sản “đóng băng” dẫn đến cả hệ thống không có dòng tiền để duy trì hoạt động và rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, liên tục bị nhà đầu tư réo tên vì lo sợ khoản tiền đầu tư của mình sẽ “bốc hơi”.
Những nguy cơ hiện hữu
Không chỉ công ty thua lỗ, cổ phiếu huỷ niêm yết, mới đây tiếp tục xuất hiện thông tin nhà đầu tư đã làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thuỷ huy động vốn nhưng không thực hiện như cam kết và đến hạn không trả lại tiền cho người đầu tư.
Theo đó, Đơn tố cáo được gửi đến Công an TP Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để xem xét, xử lý. Công an TP. Hồ Chí Minh đã phân công đơn vị thụ lý, giải quyết.
Theo phản ánh, trong năm 2022 Shark Thủy, đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn đầu tư Ecapital đã dùng pháp nhân của công ty này để huy động vốn hợp tác đầu tư của nhiều người với thời hạn 3 - 6 tháng hoặc 1 năm, lãi suất trên dưới 10%, thậm chí còn sẵn sàng chi trả lãi suất lên đến 18%/năm.
Mục đích của việc huy động vốn được Công ty Ecapital ghi rõ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh là để đầu tư vào Dự án khu du lịch Hồng Quang Long Hải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hồng Quang làm chủ đầu tư. Đây là dự án du lịch nghỉ dưỡng với quy hoạch ban đầu gồm 31 căn biệt thự, một khu khách sạn cao tầng 217 phòng cùng một số công trình hạ tầng phụ trợ khác với tổng mức đầu tư là 330 tỉ đồng. Tin tưởng vào Shark Thủy, người từng tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam và cam kết đầu tư vào các startup về giáo dục và công nghệ, nhiều người dân ở TP. Hồ Chí Minh đã gom góp tiền để hợp tác đầu tư với công ty này. Người góp vốn ít cũng một vài trăm triệu đồng, người nhiều lên đến cả chục tỷ đồng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, Shark Thuỷ cũng đã tiêu tốn nhiều tiền vào dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas ở Hà Nội. Bởi vậy, mới đây, khi bị đòi nợ quá nhiều, Egroup đã chọn ra hai dự án bất động sản với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.
Theo đó, một dự án tại Thanh Hóa đang có 75 lô đất diện tích từ 100-194m2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng. Nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng và phải vào thêm tiền 200 triệu đồng. Đất có sổ đỏ, gom đủ 10 sổ sang tên luôn.
Sản phẩm trên dành cho nhà đầu tư có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Egroup và các công ty liên quan.
Một dự án bất động sản khác gồm 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Wyndham Sky Lake Resort & Villas tại Chương Mỹ, Hà Nội. Dự án này áp dụng cho các nhà đầu tư có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng, vào thêm 6,5 tỷ đồng hoặc hơn tùy giá trị từng căn.
Nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi. Đất biệt thự này có thời hạn sở hữu 50 năm; khi hết thời hạn, chủ đầu tư sẽ xin gia hạn, nhà đầu tư không phải chịu chi phí gia hạn đất.