Lo không đỗ, bạn bè cười chê
Nguyễn Đăng Huy, học sinh lớp 9 tại Trường THCS Nam Trung Yên, đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Yên Hòa - ngôi trường được xem là một trong 3 trường tốt nhất tại Hà Nội. Ngoài việc học ở trường, Huy còn tham gia vào các lớp học thêm ba môn Toán, Văn, Anh.
Càng sát ngày thi, lịch học của Đăng Huy càng trở nên dày đặc. Buổi sáng, Huy học chính ở trường, chiều học thêm và tối lại về nhà học bài đến 4-5 giờ sáng. Mỗi ngày, Huy chỉ ngủ 3-4 tiếng, hôm bài vở nhiều, đến nỗi thức học nguyên đêm và sáng vẫn đến lớp bình thường.
Chị Minh Thảo, phụ huynh Đăng Huy cho biết, đã nhiều lần nhắc nhở con sắp xếp lại thời gian học, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng con không nghe. Vốn dĩ học nhiều như vậy, bởi trong mắt bạn bè năng lực học của Đăng Huy rất tốt. Em lo sợ không đỗ nguyện vọng 1 có thể bị cười chê.
Tương tự như Đăng Huy, nhiều học sinh lớp 9 cũng đang phải trải qua lịch học dày đặc với 8,9 buổi học thêm/ tuần. Chị Trần Lan Anh, phụ huynh có con học ở một trường nội thành tại Hà Nội thấu hiểu hơn hết áp lực thi vào lớp 10. Lên lớp 8, lớp 9, con chị phải tập quen dần với khối lượng bài vở đồ sộ và sự đốc thúc học kinh khủng của cô giáo. Giáo viên giao nhiều đề luyện đến mức con thức đêm học vẫn không hoàn thành hết, luôn trong tình trạng căng thẳng và lo âu kéo dài.
Hiểu được khả năng chịu áp lực con mình không cao, nhiều lần chị Lan Anh đề nghị con chuyển sang khối dân lập học để giảm bớt gánh nặng. Nhưng vì đã quen với bạn bè, trường lớp nên con không đồng ý.
"Thời điểm này gia đình tôi chỉ biết động viên, không dám nhắc nhở hay thúc ép quá nhiều vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý con. Gia đình không kỳ vọng con vào được trường danh tiếng, thậm chí đã đăng ký sẵn trường tư làm phương án dự phòng để giúp tâm lý con thoải mái hơn", chị Lan Anh tâm sự.
Ám ảnh cùng áp lực ngày càng tăng cao khi chưa đến một tháng nữa, học sinh lớp 9 sẽ chính thức bước vào kỳ thi chuyển cấp. Các em tập trung hết lực vào học tập, lịch học thêm trở nên kín mít. Tại các cổng trường, hình ảnh học sinh ngồi sau xe phụ huynh... xúc cơm ăn hay vội vàng nhau bánh mì để kịp giờ học thêm đã trở nên quen thuộc.
Các ngày trong tuần, sau khi từ cơ quan về qua trường THCS Nguyễn Tất Thành (Xuân Thủy, Cầu Giấy) đón con, chị Nguyễn Mai (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn mua sẵn gói xôi, bánh bao,.. để con tiện ăn trước khi đến lớp học thêm. Đây cũng là đề nghị cậu con trai nói với mẹ từ buổi sáng trước khi đến trường
"Thường con sẽ kết thúc học chính vào 4h chiều, mà 6h đã vào học thêm nên sợ về nhà ăn sẽ không kịp giờ học. Chỉ có 2 ngày cuối tuần con mới được ăn uống tử tế tại nhà, ngày khác tôi sẽ chuẩn bị sẵn đồ hoặc mua tạm gần cổng trường để con ăn. Xót con nhưng lịch học như vậy tôi cũng đành chấp nhận", chị Mai cho biết.
Cần lắng nghe và thấu hiểu con
Trao đổi với Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ThS Tâm lý Vũ Thu Hà đánh giá, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là thời điểm vô cùng căng thẳng đối với phụ huynh và học sinh. Bởi đây là kỳ thi với số lượng thí sinh đông, tỷ lệ chọi cao nhưng nguyện vọng lại ít hơn so với thi đại học.
Tâm lý phụ huynh luôn mong con được nhận vào cơ sở giáo dục danh tiếng, nên dễ đặt kỳ vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của trẻ. Bản thân học sinh cũng lo sợ kiến thức không đủ để vượt qua kỳ thi, hay không đỗ vào trường chuyên, lớp chọn nên vùi đầu vào học. Chính bởi vậy, tình trạng căng thẳng và stress trở thành người bạn đồng hành không rời trong thời gian này.
Để đỗ nguyện vọng mơ ước, học sinh phải ôn luyện khối lượng kiến thức lớn, dễ dẫn đến trạng thái chán nản, căng thẳng, mất động lực học tập. Khi đã vào được trường công lập, nếu môi trường học không đúng mong muốn có thể vỡ òa vì thất vọng. Nhiều trường hợp ôn thi vào lớp 10 quá căng thẳng đã kiệt sức và buông xuôi việc học.
ThS Vũ Thu Hà cũng cảnh báo, đa số học sinh lớp 9 hiện nay sắp xếp thời gian biểu không hợp lý, lịch học dày đặc nhưng thời gian nghỉ ngơi lại hạn chế. Các em thức khuya học đêm rất nhiều. Đây không phải phương pháp tốt bởi sẽ mệt hơn vào hôm sau, tinh thần uể oải và tiến độ học chậm hơn so với việc đi ngủ đúng giờ.
"Nhiều học sinh chia sẻ do lo lắng nên thay vì ngủ sẽ tập trung học bài và luyện đề. Các em cũng không chú trọng ăn uống dẫn đến ăn vội vàng, thiếu chất dinh dưỡng. Do đó, những điều tiếp thu được chỉ là thông tin, không thể biến thành kiến thức bởi không đủ điều kiện sức khỏe để học hoặc thi", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Nhìn thẳng vào hiện tượng này, ThS Vũ Thu Hà khuyến cáo, việc học tập và chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần cần song hành với nhau. Nếu chỉ biết "cắm đầu" vào học, áp lực sẽ tăng lên và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Để việc học trở nên hiệu quả hơn, đầu tiên học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập và thời gian biểu hợp lý. Trong đó, cần cụ thể đâu là thời gian dành cho học tập, thời gian chăm sóc sức khỏe và giờ giấc nghỉ ngơi. Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn giúp cơ thể lấy lại nguồn năng lượng tích cực, não bộ được thả lòng dễ dàng tiếp thu các kiến thức mới.
Học sinh cũng có thể tham gia các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa theo sở thích của bản thân. Đây là cách giúp phục hồi năng lượng, tăng thêm niềm vui và giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, tập thể dục, thể thao cũng là phương pháp giúp các em rèn luyện sức khỏe để xây dựng tinh thần học tập tốt.
Về phía phụ huynh, không nên bắt ép con ngồi vào bàn học hay đặt kỳ vọng quá nhiều ở con. Nhiều cha mẹ vì mong muốn con vào trường công lập, đã vô tình tạo áp lực học tập quá lớn, khiến thể trạng học sinh trở nên thiếu sức sống và thường gặp phải các vấn đề về khủng hoảng tâm lý. Mỗi đứa trẻ có một tiềm năng riêng nên hãy động viên và khuyến khích trẻ phát huy các thế mạnh đó.
"Phụ huynh hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này. Đừng nên chì chiết, so sánh hay chăm chăm vào điểm số sẽ khiến học sinh cảm thấy thất vọng, mất niềm tin vào bản thân, từ đó mất tinh thần học tập và kết quả thi không tốt", chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà nói.