Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt
Tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới, có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ và kinh nghiệm của các nước để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Vietcombank PHẠM MẠNH THẮNG, khi các điều kiện thị trường dần được xóa bỏ, mức độ cạnh tranh trong ngành cao hơn sẽ trở thành thách thức đối với thị trường tài chính…
Cơ hội và thách thức song hành
- Tham gia TPP, ngành ngân hàng sẽ bị tác động thế nào, thưa ông?
- Tham gia TTP, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới nhờ sự tăng cường tự do hóa nhiều lĩnh vực KT - XH qua các cam kết mở cửa. Từ đó, hoạt động ngân hàng sẽ thuận lợi trong việc mở rộng thị trường trong nước, tiếp cận thị trường nước ngoài. Khi luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian tới sẽ làm tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh cho ngành ngân hàng. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Cùng với đó, ngành thương mại có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Quan trọng hơn, lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ được mở rộng hơn theo các cam kết chung và Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng...
Tuy nhiên, với sự tham gia ngày càng sâu rộng của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt các định chế tài chính đến từ Mỹ, Nhật Bản và Australia - những nước có tiềm lực tài chính và khả năng quản trị chuyên nghiệp thì áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tăng; chiến lược bán lẻ của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ, công nghệ, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên sâu có thể khiến ngân hàng nội địa mất dần các phân khúc thị trường quan trọng; việc mở “room”, tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, nhưng sức ép bị thâu tóm và chi phối cũng tăng cao.
Song, những tác động trong ngắn hạn trên đối với ngành tài chính, ngân hàng không đáng kể do chỉ ảnh hưởng gián tiếp thông qua việc cung cấp dịch vụ, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, TPP vẫn cần một khoảng thời gian để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản chung.
Sẵn sàng hội nhập để phát triển
- Vậy, Vietcombank đã chuẩn bị những gì cho sự kiện này?

- Với vị thế là một NHTM lâu đời có bề dày hoạt động phục vụ kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ, đồng thời là ngân hàng đóng vai trò chủ đạo và chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng châu Á nên Vietcombank nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề hội nhập quốc tế nói chung, cũng như ảnh hưởng của quá trình tham gia TPP nói riêng. Vietcombank đã luôn chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về TPP và có những chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới trên cả 2 phương diện đối nội và đối ngoại như: Mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh với các ngân hàng trên toàn thế giới, ghi dấu ấn trong việc xây dựng và củng cố quan hệ song phương, đa phương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh; chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới và chủ động tham gia thị trường tài chính toàn cầu; mở rộng phạm vi khách hàng, sản phẩm dịch vụ và áp dụng chính sách khách hàng, chính sách giá linh hoạt. Mặt khác, công tác quản trị điều hành hướng đến ngân hàng hiện đại cùng nhiều dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cũng được quan tâm từ năm 2014. Hiện tại, Vietcombank đang tiên phong thực hiện chủ trương của NHNN trong việc triển khai thí điểm dự án nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo Basel II nhằm mang đến một lợi thế chiến lược và sự thay đổi cơ bản về quản trị trong hoạt động ngân hàng.
- Khi TPP có hiệu lực, mức độ cạnh tranh trong ngành sẽ cao hơn, Vietcombank nhìn nhận điều này như thế nào thưa ông?
- Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới cũng như có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ và kinh nghiệm của các nước để phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, khi các điều kiện thị trường sẽ dần được xóa bỏ, mức độ cạnh tranh trong ngành cao hơn lại trở thành thách thức đối với thị trường tài chính của Việt Nam. Những thách thức này đến từ những hạn chế hiện hữu của hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính trong nước như: Lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ mảng tín dụng, thu nhập từ mảng dịch vụ (trong khi đây sẽ là mảng cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài khi TPP có hiệu lực); quản trị rủi ro của các ngân hàng trong nước còn nhiều bất cập, nợ xấu còn cao, thiếu các công cụ để lượng hóa và phòng ngừa rủi ro… Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các NHTM khi tham gia thị trường thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
Trở thành ngân hàng số 1 không chỉ là mục tiêu của Vietcombank mà còn là nhiệm vụ mà NHNN đã tin tưởng giao cho Vietcombank phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Tiêu chí như kỳ vọng phải là một tổ chức tài chính ngân hàng đa năng, lớn về quy mô hoạt động, mạnh về chất lượng kinh doanh, tiên phong áp dụng các chuẩn mực ngân hàng hiện đại, có vị trí tầm khu vực và quốc tế. Với mục tiêu này, trong những năm qua, Vietcombank đã chủ động triển khai tái cơ cấu nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đón nhận các cơ hội và tích cực hội nhập sâu rộng hơn nữa. Phó tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng |