Đây là nhận định được nêu ra tại hội thảo khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, do Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp Tạp chí Kinh tế và Dự báo cùng các bên liên quan tổ chức chiều 8.11.
Ngày 2.2.2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030, với tầm nhìn “dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”.
Tại hội thảo, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng Chuỗi hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, cho biết, Chiến lược hướng đến mục tiêu xây dựng một hạ tầng dữ liệu vững chắc, kết nối toàn diện các trung tâm dữ liệu trên cả nước, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”, bà Nga thông tin, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội, bảo đảm quyền lợi quốc gia và hài hòa với các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng chiến lược.
Thực tế, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.
Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. Hiện, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Nguyễn Văn Sự cho rằng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Cụ thể, một trong những lợi ích lớn nhất khi Luật được ban hành và thực thi là doanh nghiệp có thể xây dựng lòng tin từ phía khách hàng. Khi khách hàng cảm thấy an tâm rằng thông tin cá nhân của họ được bảo vệ, họ sẽ có xu hướng trung thành hơn với thương hiệu. Ngoài ra, việc tuân thủ cũng giúp doanh nghiệp tránh được những khoản phạt từ cơ quan chức năng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giữ gìn uy tín của thương hiệu trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định về dữ liệu cá nhân có thể dẫn đến việc cần phải cải thiện quy trình kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại các quy trình thu thập và xử lý dữ liệu, từ đó tìm ra những phương án hiệu quả hơn. Quá trình này không chỉ mang lại lợi ích về mặt pháp lý mà còn có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tăng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí, ông Sự tin tưởng.