Cuối tháng Mười âm lịch, khi những cơn gió mùa đông bắc bắt đầu tràn về cũng là lúc nhiều hộ làm chè đã kịp thu hái lứa chè cuối trong năm và “đốn đau” để chè “ngủ đông”, chờ mưa xuân sẽ bật mầm cho lứa mới. Thời điểm này, thời gian đợi thu hái mỗi lứa chè dài gấp rưỡi so với chính vụ nên bắt đầu khan hiếm chè nguyên liệu, giá chè tăng cao từng ngày bởi thị trường chè phục vụ Tết nguyên đán 2025 đã cận kề.
Chè đông từ lâu đã là nguồn thu quan trọng của nhiều hộ ở “vùng thấp”, mùa đông năm nay, nhiều vùng chè của huyện Võ Nhai mới bắt đầu phát triển sản xuất những lứa chè “lạc vụ” này.
Xã Liên Minh là vùng chè lớn nhất của huyện, tổng diện tích 395 ha, sản lượng gần 4.000 tấn búp tươi mỗi năm. Xã vùng cao đặc biệt khó khăn này đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2024. Hiện 95% thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, chè là cây kinh tế mũi nhọn.
Hợp tác xã nông sản an toàn Liên Minh (xóm Thâm) là đơn vị chủ lực trong sản xuất và tiêu thụ chè an toàn của xã. Hiện HTX có 30 thành viên và 80 hộ liên kết, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết, những năm trước tỷ lệ chè đông của HTX rất ít, năng suất cũng thấp, cụ thể nếu 01 ha vào chính vụ thu được 2,5 tấn chè tươi/lứa thì mùa đông nếu có chăm sóc tốt cũng chỉ được khoảng 7 tạ - 8 tạ. Lý do ít làm được chè đông vì cây chè không phát triển được khi nhiệt độ xuống thấp, vào mùa thu nhưng nhờ áp dụng cách chăm sóc mới, việc sản xuất chè vụ đông rất có triển vọng.
Năm nay, HTX được hỗ trợ dự án tưới cho diện tích 20 ha, chè đông chưa bị giảm sản lượng trên diện tích chè lai LDP1 và chè trung du. Thời điểm này giá quá tốt, búp tươi từ 20 nghìn đồng/kg lúc chính vụ tăng lên 40 nghìn đồng, một số dòng chè thơm như Long Vân lên tới 70 nghìn đồng/kg búp tươi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, xóm Thâm, có 1,6 mẫu chè. Mọi năm trước, gia đình đã đào một cái ao nhỏ trên vườn chè để trữ nước từ khe chảy ra nhưng nguồn nước không thật dồi dào và đôi khi bị lẫn rác nên bà vừa thuê khoan giếng. Nhờ tưới bằng hệ thống tự động, gia đình bà đã làm được chè vụ đông và đỡ rất nhiều công lao động, vì trước đây mỗi khi tưới phải có chồng, con giúp chạy máy bơm, còn nay chỉ cần cắm điện, bật công tắc là toàn bộ vườn chè đã được tưới xong, rất dễ dàng.
Tại xóm Tân Thành, xã Tràng Xá, ông Bùi Huy Hảo, trưởng xóm tâm sự chè là cây kinh tế mũi nhọn trong suốt nhiều năm qua, ngoài chè ra không có nguồn thu nào khác, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ làm chè vụ đông. Đơn cử như gia đình bà Phạm Thị Báu vừa ra khỏi diện hộ nghèo, những năm trước vườn chè giống Lai xanh chỉ được thu 07 lứa/năm, lại đúng vào những tháng rẻ nhất nên sau khi trừ chi phí chẳng còn lại được là bao. Năm nay, bà Báu được hỗ trợ phân bón và tập huấn làm chè vụ đông, nhờ nắm được kỹ thuật và nỗ lực chăm bón, chè đậm và thơm hơn nên dễ bán và bán được giá cao hơn, nhất là các lứa vào vụ cuối năm. “Đẳng cấp” nhất là gia đình anh Lý Văn Thu, mỗi lứa chính vụ thu trên dưới 6 tạ, chè đông cũng tầm 3 tạ, không những thoát nghèo mà còn vừa xây được nhà và mua ô tô.
Tại xóm Hạ Sơn Tày, xã Thần Sa, gia đình ông Trần Văn Đằng có gần 4.00m2 chè, mỗi lứa hái 4 tạ tươi, năm nào mưa nhiều thì được 7 lứa, năm ít mưa được 5 lứa. Ông Đằng và một số hộ trong xóm mới lắp máy tưới năm ngoái, làm thêm được mấy lứa “chè muộn”, thoát được nghèo. Gần nhà ông Đằng là bà Đồng Thị Hướng, mấy năm trước khó khăn lắm nhưng giờ nhờ làm chè mà thoát nghèo thành cận nghèo.
Nhờ đường giao thông phát triển, chè vùng cao được đến thu mua tại vườn, phân bón cũng được chở đến bán tại vườn, bà con nông dân rất thuận lợi trong sản xuất. Chè vụ đông tuy ít lứa và năng suất không cao như mùa hè nhưng tiền thu về không giảm, có khi còn tăng vì chất chè thơm đậm, ngon, giá đắt gấp đôi, gấp ba so với mấy tháng trước, lại đỡ tốn công lao động.
Cái khó để mở rộng làm chè vụ đông là còn nhiều diện tích thiếu nước. Người dân tưới cấp ẩm vào buổi chiều để giúp cây sinh trưởng và phát triển bình thường và tưới buổi sáng để rửa trôi sương muối trên lá giúp cây không bị hư hại, cháy táp. Để ngăn chè “ngủ đông” và giữ cho cây chè luôn tràn đầy nhựa sống, ngoài đảm bảo tưới đủ nước, các hộ làm chè cũng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật trong chăm bón, bảo vệ thực vật, dùng các loại phân cung cấp dưỡng chất cần thiết và giữ ấm đất, đồng thời điều chỉnh thời gian đốn để cho chè ngủ luân phiên. Do hiếm chè vào dịp ngay trước và sau Tết nguyên đán, nên một số hộ bắt đầu đốn chè sớm hẳn vào cuối tháng 8 hoặc để muộn hẳn sau Tết mới đốn, mỗi luống đốn cách nhau khoảng 25-30 ngày nhằm “rải vụ”.
Được biết, nhờ phương pháp lai tạo và lựa chọn giống tốt, trên thế giới đã có những giống chè có thể trồng ở những nơi nhiệt độ mùa đông xuống dưới âm 20oC. Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và các vùng chè của tỉnh, đã có một số giống chè chịu lạnh như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LP18, PH8, PH12, PH14… Nổi bật là giống chè PH10 được trồng ở nhiều địa phương bởi phẩm chất tốt, khi chế biến chè xanh cánh rất đẹp, hương thơm mạnh cùng vị đậm dịu, năng suất chè đông không thua kém chính vụ.
Diện tích chè đông trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu là chè LDP1, đặc biệt là cây chè trung du trồng hạt có sức chống chọi mãnh liệt đối với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chịu nóng, chịu hạn và chịu rét rất tốt, giúp người làm chè có thêm thu nhập.
Nguyện vọng chung của người làm chè trên toàn tỉnh là Nhà nước tiếp tục đầu tư về giống và trang thiết bị để sản xuất ra những sản phẩm chè chất lượng tốt, bán được với giá cao để cuộc sống ngày càng trở nên ấm no, người dân kiên trì gắn bó với cây chè, nghề chè.