Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:

Áo dài xứng đáng được tôn vinh

- Thứ Năm, 04/03/2021, 05:52 - Chia sẻ
“Trong các sự kiện quốc tế, khi khoác lên mình tà áo dài, tôi thấy tự hào, vinh dự và tự tin. Qua tà áo dài, bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam, yêu mến phụ nữ Việt Nam hơn” - Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam chia sẻ.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga giới thiệu về tà áo dài mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trựcViệt Nam tại Liên Hợp Quốc

Sáng 3.3, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận hình ảnh, tài liệu của các cá nhân. Trong đó, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng 2 áo dài được bà mặc trong Lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và tại Lễ trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon năm 2014.

- Từng đại diện cho Việt Nam ở Liên Hợp Quốc và tham dự nhiều sự kiện ngoại giao, bà có cảm xúc thế nào khi lựa chọn khoác trên mình tà áo dài truyền thống Việt Nam?

- Mặc áo dài Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế, hoạt động ngoại giao, tôi cảm thấy tự hào, vinh dự, đồng thời cũng ý thức rõ về trách nhiệm của mình. Vì tà áo dài thể hiện được các giá trị của dân tộc như truyền thống anh hùng, lao động sáng tạo, tinh thần hòa hiếu, nhân văn...; đồng thời tà áo dài cũng nhắc nhở chúng ta phải ứng xử cho xứng đáng với giá trị truyền thống, lịch sử hào hùng của đất nước, mang hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới. Hơn thế, sứ mệnh nhà ngoại giao không những phải bảo vệ lợi ích của dân tộc, đất nước, mà còn phải chung tay đóng góp thúc đẩy các giá trị cao đẹp của thế giới, của nhân loại, củng cố hòa bình, thúc đẩy phát triển, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

- Trong quá trình cùng tà áo dài Việt Nam ra thế giới, bà nhận được những phản hồi của bạn bè các quốc gia với trang phục này ra sao?

- Khi tôi gặp bạn bè quốc tế, ai cũng yêu thích tà áo dài Việt Nam, khen tà áo đẹp, trang nhã, vừa lịch sự lại vừa hấp dẫn, tôn được vẻ đẹp phụ nữ - mềm mại, thanh thoát, uyển chuyển, nhưng sang trọng, quý phái, và thể hiện bản sắc Việt. Nhiều bạn quan tâm hỏi tôi áo dài làm từ chất liệu gì, xuất xứ từ đâu, sự khác nhau giữa áo dài truyền thống và hiện đại...

Tôi có vinh dự cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhà thiết kế Lan Hương tổ chức trình diễn áo dài kết hợp với nhạc cụ truyền thống. Đó gần như là sự kiện văn hóa đầu tiên tôi tổ chức khi nhận nhiệm vụ ở New York, Mỹ. Cuộc trình diễn ấy rất thành công với sự hiện diện của gần 1.000 khán giả là đại sứ, đại diện phái đoàn ngoại giao các nước tại Liên Hợp Quốc, các vị khách đều đánh giá cao, coi đó là sự kiện văn hóa thành công của Liên Hợp Quốc.

- Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài 2021 trên toàn quốc. Chúng ta cũng đang hướng tới xây dựng hồ sơ di sản áo dài. Bà nghĩ ra sao về việc vinh danh tà áo dài Việt Nam?

- Tôi nghĩ áo dài sẽ tiếp tục được phụ nữ Việt Nam yêu mến và ngày càng phổ biến hơn, không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới, qua cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tà áo dài Việt Nam càng ngày càng được sử dụng rộng rãi, không chỉ trong các ngày lễ, sự kiện mang tính truyền thống, mà còn được lựa chọn trong đời sống hàng ngày. Không những vậy, hiện nay có nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng thành công với áo dài Việt Nam. Tôi hy vọng họ sẽ sáng tạo để làm cho tà áo dài ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc, dễ sử dụng trong mọi hoàn cảnh, là giá trị tinh thần vô giá của dân tộc ta.

Về việc xây dựng hồ sơ di sản, tôi nghĩ áo dài xứng đáng được tôn vinh, vì trang phục này vừa là đại diện xứng đáng cho giá trị truyền thống của Việt Nam, cho hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt, vừa thể hiện nghệ thuật, tài năng của nghệ nhân nước ta, đóng góp vào giá trị chung của nhân loại.

Áo dài gắn với lịch sử đất nước, với phụ nữ Việt Nam
Ảnh: Ngọc Phương

- Điều gì khiến bà quyết định trao tặng áo dài từng mặc khi tham dự các nghi lễ ngoại giao quan trọng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam?

- Tôi vui, xúc động khi được góp phần nhỏ bé vào sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Tôi nghĩ việc làm này đóng góp rất tốt, không chỉ cho phụ nữ, mà còn làm phong phú đời sống tinh thần xã hội. Không chỉ là ký ức, kỷ niệm về tà áo dài, ở đó còn thể hiện đời sống, chiến đấu, lao động gắn liền với lịch sử đất nước, của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, từ đó làm mọi người thêm yêu đất nước ta, tự hào dân tộc ta, thôi thúc chúng ta có những nỗ lực để xứng đáng với truyền thống đó...

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Phương ghi