Anh thợ mộc tỏ tình
Hỏa Diệu Thúy

25/02/2015 08:36

Thể hiện tâm hồn, tính cách vùng miền, có lẽ không đâu rõ bằng các bài ca dao, dân ca cổ. Thanh Hoa là một xứ, gắn với lịch sử hình thành của đất nước. Vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến này đã đóng góp cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam những sáng tác độc đáo. Bài ca dao “Anh là thợ mộc Thanh Hoa”, là một trong những sản phẩm tinh hoa dân gian độc đáo của người dân nơi đây.

Bài ca dao đã từng được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông và người ta đã tự đặt cho nó cái tên Bài ca người thợ mộc. Người viết bài này không gọi bằng cái tên ấy, bởi vốn dĩ các bài ca dao không có tên, nếu cần gọi tên bài, người ta thường lấy câu đầu tiên hoặc câu hay nhất, ấn tượng nhất trong bài để gọi, chẳng hạn: “Hôm qua tát nước đầu đình”, “Trèo lên cây bưởi hái hoa”, “Đến đây mận mới hỏi đào”, “Ước gì mẹ có mười tay” v.v… Trường hợp “Anh là thợ mộc Thanh Hoa” này cũng vậy, câu đầu tiên được lấy làm tên bài.

Không ít người từng cho rằng đây là bài ca dao giới thiệu/ca ngợi nghề truyền thống. Anh thợ mộc Thanh Hoa trong bài ca dao khoe tài nghệ của mình, bởi bài ca dao có hăm lăm câu, song đã có tới hăm tư câu rưỡi nói chuyện nghề, gắn với nghề, chỉ có nửa câu cuối bài nói sang chuyện khác, chuyện “đợi chờ nàng đây”. Thêm nữa, tài nghệ chạm khắc của anh thợ mộc Thanh Hoa này thật đáng nể, không chỉ thành thục, thạo nghề “bào trơn đóng bén” mà còn rất sáng tạo, tài hoa.

Song, đấy là đọc trên bề nổi. Nếu đọc kỹ sẽ thấy, hình như đây không chỉ là câu chuyện về nghề, khoe nghề, anh thợ mộc Thanh Hoa trong bài ca dao dường như rất ít tính thợ mà giống với một nghệ sỹ tài hoa. Hãy nghe anh ta xưng danh: Anh là thợ mộc Thanh Hoa. Địa danh Thanh Hóa từng được đổi thành Thanh Hoa. Danh xưng Thanh Hóa lần đầu xuất hiện dưới triều Đinh Bộ Lĩnh. Từ cuối triều Trần đến đời Minh Mạng, Thanh Hóa đổi thành Thanh Hoa. Khi vua Thiệu Trị đăng quang, tỉnh lấy lại tên Thanh Hóa, bởi Hoa là tên húy của Hoàng Thái Hậu và tên Thanh Hóa tồn tại từ bấy cho đến giờ. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, xét về mặt nghĩa, chữ Thanh Hóa theo đời Lý là “sửa đổi phong tục tốt hay giáo hóa theo đức tốt”, “Thanh Hoa” là “danh tiếng vẻ vang” và chữ Thanh Hóa theo đời Nguyễn là “đức hóa thanh cao”(1). Như vậy, bài ca dao xuất hiện trong khoảng thời gian xứ Thanh Hóa có tên là Thanh Hoa.

Minh họa của Đinh Mão
Minh họa của Đinh Mão
Nghề thợ mộc xưa có thể coi là một nghề danh giá, nếp nhà xưa chủ yếu làm bằng gỗ nên vai trò của thợ mộc hết sức quan trọng. Cốt yếu của dựng nhà chính là dựng mộc. Ấy thế mà, thợ mộc dù tài giỏi mấy nhưng nếu chỉ dựng các nếp nhà để ở cũng chỉ được gọi là “phó mộc”, thợ mộc xây dựng cung vua, phủ chúa mới được gọi là “thợ cả”. Dân gian từng truyền tụng: Thợ mộc xứ Thanh ở quanh kinh kỳ hoặc: Thợ mộc xứ Thanh ở quanh Thuận, Quảng. Nghĩa là thợ mộc xứ Thanh là thợ dựng mộc cho cung vua, mặc nhiên sẽ là thợ cả. Thảo nào, chàng thợ mộc Thanh Hoa tự hào, có chút kiêu hãnh khi xưng danh: Anh là thợ mộc Thanh Hoa. Địa danh gắn liền với thương hiệu, nhắc đến địa danh là nhắc đến thương hiệu, anh thợ mộc Thanh Hoa qua địa danh kín đáo khoe dòng thợ cả của mình. Đối tượng của tay nghề để xứng danh với thợ cả sẽ là: Làm cầu, làm quán, làm nhà…khéo thay. Toàn những loại công trình to lớn, quan trọng, không phải thứ vụn vặt đâu nhé, mà lại “khéo thay”. “Khéo thay” là từ cảm thán, trước một sản phẩm đẹp đẽ, tinh xảo, người ta thường thốt lên lời trầm trồ thán phục về tay nghề. Sản phẩm của thợ Thanh Hoa không những là công trình quan trọng mà còn rất “khéo”, rất tinh xảo, rất đẹp, thợ dựng cung đình kia mà, nên “khéo thay” cũng là tất yếu.

Sau màn giáo đầu, chàng trai có cơ hội trổ trình độ tài hoa của mình: Bốn cửa anh chạm bốn dê/ Bốn con dê đực chầu về tổ tông/ Bốn cửa anh chạm bốn rồng/ Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo. Dường như đây là cửa ở cung vua phủ chúa với những biểu tượng không lẫn vào đâu được. Nhưng nếu tính ý, anh ta có vẻ nhấn mạnh những chi tiết gợi trạng thái dục tính: “dê đực”, “rồng ấp”, “rồng leo”, nghiêm cẩn mà đầy ẩn ý. Loại cửa thứ hai có vẻ gần gũi, bình dân hơn: Bốn cửa anh chạm bốn mèo/ Con thì bắt chuột, con leo xà nhà/ Bốn cửa anh chạm bốn gà/ Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn. Bàn tay tài hoa của anh có thể chạm khắc tinh xảo đến mức, những con vật sống động giống y như thật, là những sinh thể, nhìn vào có cảm giác chúng đang hoạt động, và những hình ảnh kia gợi một mái ấm gia đình bình dị mà hạnh phúc, vui vẻ làm sao. Chưa hết, mức độ tài hoa dường như mỗi lúc một đa dạng và cũng nhiều ngụ ý hơn: Bốn cửa anh chạm bốn lươn/ Con thì thắt khúc, con trườn bò ra/ Bốn cửa anh chạm bốn hoa/ Trên là hoa sói, dưới là hoa sen. Ngụ ý lộ ra ở cấu trúc đăng đối, cấu trúc rất được ưa chuộng trong quan niệm thẩm mỹ xưa. Đăng đối tạo nên sự cân xứng hài hòa, phù hợp với tâm lý, tính cách thích sự ổn định, bình lặng của cư dân nông nghiệp. Anh thợ Thanh Hoa chứng tỏ sự tinh tế, khả năng am hiểu văn hóa, tập quán dân tộc, nên có thể kiến trúc, chạm khắc cho nhiều đối tượng, từ tầng lớp cao quý đến tầng lớp bình dân, từ người lịch sự chữ nghĩa đến người mộc mạc, thôn dã. Điều đáng quý là, dù trang trí, thiết kế cho tầng lớp nào, ta đều thấy cái tâm sáng của người làm nghề, đó là sự chỉn chu, trách nhiệm trong từng đường nét, sự say mê, sáng tạo trong mỗi sản phẩm làm ra.

Dường như đã đủ cho một hành trình về đích, từ không gian “dựng cửa” đến bốn câu cuối bỗng trở thành không gian “nhà”: Bốn cửa anh chạm bốn đèn/ Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ/ Một đèn đọc sách ngâm thơ/ Một đèn anh để đợi chờ nàng đây. Một không gian nhà ngập tràn ánh sáng ấm áp và hạnh phúc, với ước mơ: vợ dệt cửi quay tơ, chồng đèn sách. Câu chuyện nghề tưởng vẫn đang liền mạch say sưa, bỗng dưng câu cuối đột ngột rẽ ngoặt bất ngờ: Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

Chìa khóa của bài ca dao nằm ở bốn chữ cuối bài, nó mở toang cánh cửa về căn nhà - tổ ấm hạnh phúc. Hóa ra, đây là bài ca dao tỏ tình, là màn cầu hôn của chàng thợ mộc Thanh Hoa. Chàng thợ mộc đâu phải đang nói chuyện nghề, hay khoe nghề, nghề chỉ là cái cớ, nhưng là cái cớ đích đáng. Thật ra, chàng ta đang chạm khắc không gian căn nhà hạnh phúc của mình, cho nên, đọc lên cứ ngờ ngợ, hình như chưa thấy cửa nhà ai “chạm mèo”, “chạm chuột”, “chạm lươn” bao giờ. Căn nhà hạnh phúc mà anh thợ mộc Thanh Hoa đang chạm khắc trong tưởng tượng kia mới tuyệt vời làm sao. Nó vừa khang trang lại vừa ấm cúng, vừa sang trọng, lãng mạn lại vừa gần gũi. Càng hay hơn nữa, nó sẽ được xây nên bởi chính bàn tay tài hoa của chủ nhân, còn gì đáng quý, đáng yêu, đáng trân trọng hơn. Anh đây vốn dòng thợ cả tài hoa, lại chăm chỉ, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho nàng. Câu cuối của bài ca dao đã mở ra một tâm hồn, một tính cách, tính cách của chàng trai xứ Thanh: mộc mạc, chân thành song cũng rất tự tin, hóm hỉnh. Hãy nghe, một lần nữa giọng điệu rất nhẹ nhàng, âu yếm của câu cuối bài: Một đèn anh để đợi chờ nàng đây. Bao nhiêu thắc thỏm hy vọng, bao nhiêu trìu mến, thiết tha như ngọn đèn kia thức đợi nàng.

Trong rất nhiều bài ca dao tỏ tình, có lẽ đây là màn tỏ tình độc đáo hiếm thấy. Anh thợ mộc dùng nghề để tỏ tình, để cầu hôn. Anh ta tỏ ra rất biết cái giá của mình từ kinh nghiệm của cha ông: “Bạc cho vay không bằng trong tay có nghề”; “Của rề rề không bằng nghề trong tay”, “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” v.v… Song, biết tự hào và dám tự hào về nghề, nhất là nghề lao động chân tay (khi xã hội phong kiến chưa có quan điểm công bằng về nghề và các thành phần trong xã hội), hơn thế, lại tỏ ra rất yêu nghề, tự hào về nó và khẳng định nó như một giá trị (dùng nó để cầu hôn) cho thấy tính cách và bản lĩnh của chàng trai xứ Thanh: tự tin, mạnh mẽ và cũng rất nghệ sỹ.

Vẫn mô típ tỏ tình của ca dao, nói xa, nói ý, nói bóng, nói gió, vòng vo tam quốc rồi mới hé lộ mục đích cuối cùng, cách diễn đạt ấy, vừa bộc lộ (hoặc ngụ ý) về tài ăn nói, vừa bộc lộ cách ứng xử nho nhã, từ tốn, một nét đẹp văn hóa của người xưa. Song, cách thức làm quen, bóng gió xa xôi của chàng trai xứ Thanh trong bài ca dao trên đây có vẻ rất riêng. Chàng ta không bịa cớ kiểu “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” mà tự tin xưng danh quê quán, nghề nghiệp. Đó dường như là nét bộc trực, tự tin của tính cách Thanh. Người tự tin, bộc trực thường là người chủ động, để chủ động được phải tài giỏi, khéo léo và tháo vát nữa. Chàng thợ mộc Thanh Hoa dường như có đủ những tố chất ấy, có lẽ vì vậy mà anh đã cống hiến cho độc giả bài ca dao tỏ tình độc đáo trong hệ thống các bài ca dao tỏ tình của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Anh thợ mộc Thanh Hoa không chỉ là nghệ sỹ chạm trổ mà còn là nghệ sỹ ngôn từ.

______________

1. Hoàng Tuấn Phổ, Hùng thiêng sông núi Hàm Rồng, Nxb Thanh Hóa, 2009.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Anh thợ mộc tỏ tình<br><I>Hỏa Diệu Thúy</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO