Thế giới 24h

Anh sẽ là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ vào hôm nay, 8/5?

Quốc Đạt 08/05/2025 14:25

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ công bố một thỏa thuận thương mại với vương quốc Anh vào ngày 8/5 (giờ Mỹ), tờ New York Times đưa tin, trích dẫn ba nguồn tin nắm rõ về kế hoạch này.

Thỏa thuận đầu tiên từ khi áp thuế đối ứng

Trong bài đăng trên mạng xã hội vào tối 7/5 (giờ Mỹ), ông Donald Trump đã hé lộ về một thỏa thuận thương mại mà Mỹ sẽ công bố, nhưng không nói rõ quốc gia nào sẽ tham gia vào thỏa thuận này.

“Buổi họp báo quan trọng vào sáng mai lúc 10h sáng (giờ Washington), tại Phòng Bầu dục, sẽ liên quan đến một THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI QUAN TRỌNG VỚI CÁC ĐẠI DIỆN CỦA MỘT QUỐC GIA LỚN, ĐƯỢC TÔN TRỌNG. ĐẦU TIÊN TRONG SỐ NHIỀU THỎA THUẬN KHÁC!!!”, ông viết chữ in để nhấn mạnh.

untitled.png
Tổng thống Donald Trump úp mở về thỏa thuận thương mại trên trang cá nhân

Người phát ngôn của Nhà Trắng từ chối bình luận ngoài bài đăng của ông Donald Trump. Trong khi người phát ngôn của Đại sứ quán Anh tại Washington cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Nếu được công bố, đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được sau khi áp đặt mức thuế quan cứng rắn đối với hàng chục đối tác thương mại và sau đó, tự hoãn kế hoạch trong vòng 90 ngày để các quốc gia đàm phán với Mỹ.

Chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công bố. Cả hai quốc gia đã thảo luận về khả năng Anh giảm thuế quan đối với ô tô và hàng nông sản của Hoa Kỳ, xóa bỏ thuế quan đối với các công ty công nghệ. Cũng không rõ liệu thỏa thuận đã thực sự được hoàn tất hay chưa.

Ông Timothy C. Brightbill, luật sư thương mại quốc tế tại Wiley Rein, cho rằng thông báo này có thể chưa phải Mỹ, Anh đạt được thỏa thuận cuối cùng, mà có thể "chỉ là đạt được nhất trí về việc bắt đầu các cuộc đàm phán, xác định khuôn khổ các vấn đề sẽ được thảo luận trong những tháng tới".

Ông nói thêm: “Chúng tôi nghi ngờ rằng thuế quan, rào cản phi thuế quan và thương mại kỹ thuật số đều nằm trong danh sách - và có những vấn đề khó giải quyết đối với tất cả những vấn đề này”.

Chính quyền Donald Trump áp dụng thuế quan trừng phạt đối với hàng chục đối tác thương mại của mình vào ngày 2/4, nhưng đã nhanh chóng trì hoãn áp dụng sau khi thị trường trái phiếu chứng kiến sự hoảng loạn. Ông Trump đã tạm dừng hầu hết các mức thuế đó trong 90 ngày để Mỹ có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế chung 10% với tất cả các nước, bao gồm cả đối với Anh. Không giống như các quốc gia khác, Anh không phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn, vì Anh nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ so với bán cho nước này. Nhưng ngoài thuế đối ứng, Anh cũng phải chịu thêm mức thuế 25% mà ông Trump áp dụng đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu, các loại thuế mà các quan chức Anh đang thúc đẩy các đối tác bên kia Đại Tây Dương dỡ bỏ.

Chiến thắng với cả hai

Một thỏa thuận giữa Mỹ và Anh có thể là chiến thắng đáng kể đối với cả hai nước, vốn từ lâu đã tìm kiếm khả năng hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn.

Ông Donald Trump vốn đã quan tâm tới việc ký kết thỏa thuận thương mại với Anh ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên. Vào thời điểm đó, các cố vấn của ông đã xúc tiến đàm phán với Anh nhưng không đạt được thỏa thuận. Các quan chức Anh cũng đã để mắt đến một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ kể từ khi nước này tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), như một cách để bù đắp cho mối quan hệ đã nhạt đi với châu Âu. Thời Chính quyền Biden, các quan chức Anh vẫn tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận với Hoa Kỳ nhưng đạt được ít tiến triển.

z6580329696022_f24faa285ea4c21d91fa7cd513e0367b.jpg
Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2/2025. Ảnh: Reuters

Đối với Thủ tướng Anh Keir Starmer, thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ là minh chứng cho những nỗ lực vun đắp miệt mài của ông đối với Chính quyền Donald Trump. Trong chuyến công du Washington hồi tháng 2, ông Starmer đã mang theo lời mời của Vua Charles III, mời Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai hiếm hoi tới Anh.

Cùng với Anh quốc, Chính quyền Donald Trump dường như đang tiến gần đến các thỏa thuận với Ấn Độ và Israel, và đang tiếp tục đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Trump một lần nữa thể hiện cách tiếp cận khó lường của mình đối với chính sách kinh tế khi hôm hôm 6/5 ông hạ thấp triển vọng của các thỏa thuận thương mại, nói rằng các quốc gia khác cần thỏa thuận hơn là Mỹ cần. “Chúng ta không cần phải ký thỏa thuận. Chúng ta có thể ký 25 thỏa thuận ngay bây giờ nếu chúng ta muốn. Nhưng họ phải ký thỏa thuận với chúng ta”.

Các chuyên gia thương mại cho biết ông Trump có thể muốn ký các thỏa thuận hạn chế hơn nhiều so với các thỏa thuận thương mại truyền thống. Các thỏa thuận truyền thống thường bao phủ hầu hết các giao dịch thương mại giữa các quốc gia. Loại thỏa thuận này cần được Quốc hội Mỹ chấp thuận và thường mất hơn một năm để đàm phán.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đàm phán lại một số hiệp định thương mại của Hoa Kỳ, bao gồm một hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và NAFTA. Nhưng ông cũng đã ký một loạt các "thỏa thuận quy mô nhỏ", với phạm vi hạn chế hơn với các quốc gia trong đó họ giảm thuế đối với một số loại hàng hóa hoặc đồng ý đàm phán về một số lĩnh vực.

Trong khi đó, Anh cũng đang xúc tiến các cuộc đàm phán của riêng mình nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. Cụ thể, nước này đang đàm phán với Liên minh châu Âu, và ngày 6/5 đã đạt được thỏa thuận thương mại với Ấn Độ. Thỏa thuận với Ấn Độ sẽ hạ thấp thuế quan giữa hai quốc gia và đảm bảo các công ty Anh có nhiều quyền tiếp cận hơn với các lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng của Ấn Độ, cùng với những thay đổi khác. Thông báo này được đưa ra sau 3 năm đàm phán.

Theo The New York Times
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Anh sẽ là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ vào hôm nay, 8/5?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO