Anh bán lụa yêu đời
Truyện ngắn của Cao Huy Thuần

28/02/2008 00:00

      Lụa này! Lụa này!
      Từ Hàng Châu đến
      Lụa này! Lụa này!
      Từ Hà Đông qua
      Lụa này mượt mà
      Nước da hoàng hậu
      Lụa này tha thướt
      Vóc dáng tiên nga
      Mua mau! Mua mau!
      Tơ tằm vàng ánh
      Mua mau! Mua mau!
      Dâu tằm đang xanh
      Lụa này! Lụa này!
      Mỗi năm ba lần anh bán lụa đi qua vùng này. Ba lần các cô gái trong thôn nghe tiếng anh rao. Vui, yêu đời, ngân nga, lảnh lót như tiếng con sơn ca. Vùng này nghèo, các cô nghe rao lụa thì chỉ biết mơ thôi, đâu dám chào hỏi sờ tay trên lụa. Không biết anh bán lụa bán cho ai, nhưng chưa bao giờ tiếng rao của anh kém vui, kém yêu đời. Các cô gái kháo nhau: Yêu đời như anh bán lụa.
      Sáng hôm đó, tiếng anh rao vẳng từ cuối xóm. Khi mặt trời chói chang trên đỉnh đầu, tiếng rao xa dần ở xóm trên, rồi im. Trời không chút gió, thôn xóm im lìm, anh bán lụa vừa mệt vừa buồn ngủ, tìm nơi thanh vắng để nghỉ chân. Trước mặt anh, thoai thoải một cái dốc, chung quanh không nhà cửa ruộng nương, trên cao một lùm cây che một cái miếu cổ. Anh leo lên dốc, đặt đẫy hàng xuống nền miếu, nhìn quanh. Trên cây, vài con quạ trốn nắng. Một tiếng côn trùng dưới cỏ làm tăng thêm im lặng của buổi trưa. Chẳng có gì đáng chú ý ngoài một pho tượng đá dựng cạnh miếu, mưa nắng xói mòn nhưng nét mặt thanh tú, linh hoạt. Anh dựa lưng vào tượng, chưa kịp nhắm mắt đã ngáy pho pho. Đúng là một anh chàng sung sướng, yêu đời. Một anh chàng lạc quan, đi bán lụa cho hoàng hậu, tiên nga trong một thôn xóm nghèo xơ nghèo xác.
      Anh bán lụa đánh một giấc cho đến xế chiều. Giấc ngủ anh say đến nỗi hai con bướm vờn nhau trên mũi rồi đậu cả hai trên ấy nhiều lần mà anh chẳng nhột. Anh bàng hoàng tỉnh giấc khi một trái cây rơi đúng giữa mặt, đuổi hai con bướm đi. Trong im vắng, mơ hồ tiếng con nghé gọi mẹ ở đâu vọng lại, từ rất xa. Ngáp một cái khoan khoái, anh vươn vai đứng dậy. Ngày của anh sắp hết, anh đưa mắt tìm cái đẫy để tiếp tục rao hàng. Bỗng một luồng hơi lạnh chạy dài từ cuối sống lưng lên cổ, rồi chạy dài từ cổ xuống sống lưng, xuống tận hai gót chân khiến anh bủn rủn, té quỵ. Cái đẫy lụa biến đâu mất! Anh chạy quanh miếu, anh vén gốc cây, không thấy. Chẳng lẽ có cặp khỉ gió nào bắt chước người cuỗm lụa khoác áo cho nhau? Anh tìm trên cây: cả quạ cũng bay đâu hết. Im lặng như không còn cả sự sống. Tội nghiệp anh bán lụa yêu đời, lần đầu tiên đời phụ anh, lụa phụ anh, hoàng hậu phụ anh, tiên nga phụ anh, tằm phụ anh, kén phụ anh, dâu phụ anh, sơn ca phụ anh. Thương quá, anh bán lụa. Các cô gái trong thôn sắp khóc cho anh đấy.
      Anh bán lụa kêu mất trộm ở xã. Xã bảo đang bận, vài ngày nữa sẽ xét. Anh kêu mất trộm ở huyện. Huyện nói chuyện ấy thuộc xã, việc gì cũng phải có trước có sau. Anh kêu mất trộm ở tỉnh. Tỉnh phán: Tìm thằng ăn trộm mà đòi. Anh bán lụa là người lạc quan, yêu đời, nên anh tìm đường lên kinh đô, đánh ba tiếng trống, đòi gặp vua. Vậy mà vua tiếp! Ở đời phải lạc quan! 
      Nghe anh bán lụa kể lể sự tình, vua sai quan ngự sử nức tiếng triều đình về tận xã điều tra. Anh bán lụa được tháp tùng theo đoàn tùy tùng, cờ xí võng lọng uy nghi, dân chúng đón chào, huyện xã tái mặt. 
      Ngay ngày hôm sau, phiên xử bắt đầu với nghi vệ oai vang, áo mão cân đai đường bệ, không thua gì một buổi xử án tại kinh đô, chỉ khác là dân chúng được tự do tham dự. Ông ngự sử truyền lính gọi anh bán lụa ra trước tòa. Sự việc thế nào, anh khai không thừa không thiếu. Ngự sử chất vấn:
      - Chung quanh nhà ngươi, có thấp thoáng bóng ai không?
      - Bẩm không, chỉ có quạ.
      - Làng xóm phía dưới xa hay gần?
      - Bẩm xa, xa lắc, trâu kêu cũng không nghe rõ. 
      Ngự sử ngẫm nghĩ, rồi hỏi:
      - Miếu ấy có thờ ai chăng? Có bát nhang, tàn hương, chung quanh có mồ mả? 
      - Bẩm miếu ấy là miếu hoang, chẳng thấy thờ ai, nhưng có một bức tượng.
      Ngự sử đổi sắc mặt:
      - Bức tượng? 
      - Bẩm tượng ạ. Lớn như người thường, nhưng trông không phải thần, không phải quan, cứ như người gác miếu. 
      Ngự sử suy nghĩ một lát rồi ra lệnh:
      - Xã! Ngày mai đưa tượng ấy ra trước tòa!
      Sự tình này chưa bao giờ xảy ra, ngay cả trong những chuyện đời xưa. Hào mục gãi đầu gãi tai, dân thì bàn tán xôn xao, chẳng ai hiểu quan sẽ làm gì. 
      Ngày hôm sau, dân hiếu kỳ kéo nhau đến xem chật cả tòa. Ngự sử truyền đưa tượng ra:
      - Tượng! Phép vua hơn lệnh miếu, ngươi là chứng nhân duy nhất, phải tuân phép vua mà khai. Trước hết, tên họ, chánh quán, hộ khẩu, chứng minh thư!
      Tượng im lặng không khai, ngự sử cho ghi vào biên bản. Thay mặt vua, con của Trời, ngự sử có quyền đánh tượng. Ông truyền lính đánh hai mươi roi để buộc chứng nhân hợp tác với công lý. Cử tọa im phăng phắc nghe roi quất vun vút, ai cũng tự hỏi chuyện này là chuyện thật hay chuyện hoang tưởng. Nhưng mặt ngự sử vẫn nghiêm trang, cảnh tượng vẫn uy nghi, cái gì cũng như thật, chắc phải là chuyện thật. 
      Biên bản phiên xử ngày đầu ghi: Tượng ngoan cố, không chịu khai, quan sai bỏ vào ngục, cửa khóa kín để kẻ gian không được thông đồng.
      Tiếng đồn về vụ xử án lan ra khắp thôn, khắp huyện, khắp tỉnh. Bây giờ dư luận dần dần tin rằng ông ngự sử phải có một cái lý gì đó mới xử án như thế. Bức tượng cũng vậy, chắc phải có một cái gì đặc biệt mới khiến ông đối xử như một người có tri có giác. Ai cũng nôn nao chờ xem phiên xử hôm sau.
      Hôm sau, chứng nhân vẫn không khai, hình phạt tăng lên năm mươi roi. Ngoài sân, ngoài cổng, ngoài đường, dân chúng đổ xô đến xem đông nghẹt. Phút chốc, tiếng đồn lan ra khắp nước, ai ai gặp nhau cũng chỉ nói có mỗi chuyện vụ án mà thôi. Nơi kinh đô, cả triều đình theo dõi, thậm chí có tiếng đồn vua sẽ giả dạng thường dân về xã xem quan xử tượng thế nào. Đâu phải vua thì không được hiếu kỳ? 
      Ngày thứ ba, thêm một tiếng đồn giật gân, giật cả dây thần kinh: Bức tượng chảy máu. Dân đến đông quá, nghẽn cả đồng ruộng, người đứng ở xa có thấy gì đâu, nhưng vẫn trầm trồ với nhau: Đúng là có cái gì đỏ đỏ. Có người trong đám ấy bỗng thốt lên: Kìa xem, tượng khóc! Mọi người trương mắt ra nhìn. Có phải vì mặt trời lóng lánh trên mặt tượng nên hình như có cái gì ướt ướt nơi khóe mắt bên trái? Trời ơi, miếu ơi, thần ơi, hóa ra bức tượng có hồn người. Trong đám đông từ xa, bắt đầu có tiếng xuýt xoa thành kính. 
      Bỗng tiếng loa từ trong phòng xử vọng ra: Bức tượng đã khai rồi. Tượng đã khai với quan! Dân ồ lên kinh ngạc. Vừa kinh ngạc vừa thán phục. Vừa thán phục vừa nhẹ lòng, vì ai cũng thương cảm cho bức tượng, sợ hình phạt lại tăng lên nữa vài chục roi. Loa nói thêm: Tượng đã khai tung tích của phạm nhân, nhưng ngự sử thương dân nên sẵn lòng tha thứ nếu phạm nhân biết hối lỗi, tối nay kín đáo đến thú tội với quan. Tin vui bay vụt đến tận triều đình, vua quan nôn nóng chờ nghe báo cáo tường tận hơn về bức tượng bây giờ được mệnh danh là “bức tượng bắt trộm”. 
      Vụ án hoàn tất, ngự sử sửa soạn về kinh đô. Tên ăn trộm đến thú tội đâu có ai xa, là thằng chăn trâu trong xóm. Hôm đó, nó đánh trâu lên miếu như thường lệ, thấy anh bán lụa ngủ say, đẫy lụa nằm hớ hênh bên cạnh, nó cuỗm mang đi, không biết mang đi đâu, giấu vào cái hang cạnh miếu mà chỉ một mình nó biết. Nó với cái miếu như mẹ như con, như nhà như cửa, như lòng như ruột, trưa nào nó chẳng ngủ khoèo trong lòng miếu? Trưa nào nó chẳng mang mo khoai ra ăn nơi chân tượng? Tượng canh miếu hay canh giấc ngủ cho nó? Tượng là đá hay tượng là người chia sẻ với nó cô đơn? Nó mơ bao nhiêu giấc chiêm bao trong miếu: Nó thấy bà tiên, nó thấy mẹ nó, nó thấy đứa con gái trong xóm, nó thấy đang ăn miếng thịt ngon, nó thấy bạc tiền trên trời rơi xuống, bao nhiêu giấc chiêm bao mà khi thức dậy, nó tưởng như bức tượng đã thấy trong đầu nó. Cuộc đời của nó chỉ có nó với con trâu. Thêm bức tượng nữa là ba. Cả ba đều không nói, câm lặng trong một thế giới đầy cả linh hồn, linh hồn của cái miếu, linh hồn của cây cỏ, linh hồn của tiếng quạ kêu, linh hồn của mây bay, linh hồn của buổi trưa không gió. Nó tin là bức tượng biết đau. Nó tin bức tượng biết khóc.
      Nhưng nó không phải là thằng ăn trộm! Nó có lấy đẫy lụa, nó có giấu lụa dưới hang, nhưng ngay chiều hôm đó, nó đã mang lụa đến trao cho huyện, nhờ trả lại cho người mất của. Huyện dọa nó phải im, cất làm của riêng. Ăn trộm là quan huyện! Nó sợ huyện mà phải im, nhưng đến khi nghe tượng khóc thì hết sợ quan, chỉ sợ thần lẽ phải trong người nó. Ông ngự sử không ngờ thằng ăn trộm ở gần thế, ngay sát nách; ông tưởng nó đã cao chạy xa bay nên phải mượn mưu chước tiếng đồn để đuổi theo nó, kéo chân nó về. Nhưng từ kinh nghiệm bắt được quan huyện ăn trộm, ông nảy ra một ý độc đáo và thực hiện ngay. Ông tuyên bố trong phiên xử cuối cùng: Miếu là miếu thiêng, tượng là tượng thiêng, vì ngự sử liêm chính nên tượng báo mộng cho quan biết tung tích tên ăn trộm. Giữa tượng với ngự sử có mối thần giao vì đều là người canh giữ, một bên canh giữ thiện ác, một bên canh giữ công lý. Bởi vậy, ngự sử sẽ đưa tượng về triều đình, tượng sẽ cùng với quan trị trộm cướp trong cung đúng với chức năng của ngự sử. Dân nghe nói mừng lắm, quên ngay chuyện tượng bị đánh, chỉ nghĩ đến chuyện linh thiêng. Cũng tượng hoang ấy thôi, lòng tin của dân đã biến đá thành thần.
      Về phần anh bán lụa, ngay ngày hôm sau các cô gái trong làng đã nghe tiếng rao lụa lảnh lót như tiếng sơn ca:
      Mua mau! Mua mau!
      Tơ tằm vàng ánh
      Mua mau! Mua mau!
      Dâu tằm đang xanh
      Lụa này! Lụa này!
      Các cô chợt để ý, thấy anh thêm hai câu chót, kém văn chương nhưng đầy ắp tính thời sự:
      Chúc vua trường thọ
      Trộm cướp dẹp nhanh!
      Lụa này! Lụa này!
      Anh bán lụa đúng là người lạc quan yêu đời. Chuyện trộm cướp mà anh rao vui như chuyện tiên nga hoàng hậu. Đôi ba người cho anh có ẩn ý. Đôi ba người nói anh giả ngây. Hầu hết đều thương anh bán lụa, nghĩ rằng anh vô tư, hồn nhiên, con chim sơn ca. Mà thật vậy, miệng anh rao cướp nhưng nào anh có biết gì đâu về những chuyện xảy ra sau đó? Cả nước ai cũng biết: Bức tượng được mang về cung, lẫm liệt dựng trước ngự sử đài. Vài ngày sau, ngự sử dâng sớ hạch tội quan thượng thư đã để đê bị vỡ. Dân đồn chính tượng đã báo mộng, chỉ đích danh thủ phạm thượng thư, trong khi ông này đổ riết tội cho người khác. Vài ngày sau nữa, ngự sử lại dâng sớ xin cách chức ba ông thị lang, người thì để vợ hùn hạp với gian thương, người thì tráo trở bài vở cho bà con trong kỳ thi hội. Chỉ trong vòng một tháng, các vụ tai tiếng tày trời lâu nay ém nhẹm bị phơi ra trước ánh sáng, dân chúng hả hê đồn quan ngự sử có mắt thần tượng cho. 
      Anh bán lụa làm như chẳng biết gì hết. Đơn giản, anh nói: Trộm cắp nhỏ thì nằm trong dân gian, còn trộm cắp lớn thì nằm ở chốn quan quyền chứ nằm ở đâu? Nhà dột thì dột từ nóc, có ai nghe nói dột từ nền bao giờ? Còn ông ngự sử, ai học sử cũng biết: Ông càng giỏi thì càng chết mau. Đó là chuyện trời sinh! Cho nên anh bán lụa làm như cũng chẳng hay biết gì đến tin tức cuối cùng đang làm xôn xao dân cả nước: Bức tượng biến mất. Ai thầm thì với anh: Tượng bị bọn trộm cướp trong triều thủ tiêu rồi, anh chỉ cười. Ai đùa: Này, anh bán lụa rao cướp, “bức tượng bắt trộm” bị mất trộm rồi anh ơi, anh cũng chẳng cười to hơn. Cứ “lụa này lụa này” với “trộm cướp dẹp nhanh” đầu làng, cuối xóm. Yêu đời như anh bán lụa!

***

      Một năm sau, anh bán lụa lại trở về thôn ấy. Mới sáng sớm, các cô gái trong thôn đã nghe tiếng anh rao. Đến trưa, khi cần chỗ trú nắng, chân anh xúi anh lên thăm lại cái miếu hoang ngày trước. Anh tìm cái dốc. Chung quanh vẫn hoang vu, không nhà cửa, ruộng nương. Trên cao, vẫn chòm cây, vài tiếng quạ. Vẫn nắng chói chang, vẫn buổi trưa không gió. Anh leo lên dốc. Cái miếu vẫn còn đấy, nhưng, lạ quá, không hoang! Có ai đã trùng tu lại miếu, đơn giản, nhưng trang trọng, dễ cảm, dễ kính. Trước miếu, ô hay, vẫn bức tượng! Tượng vẫn trơ trơ ở chỗ ấy, chỗ của người canh miếu! 
      Anh bán lụa đâu biết gì, anh lang thang khắp chốn làm sao biết được chuyện ở đây. Dân nghe nói tượng bị mất trộm, ức lắm, bàn nhau: Trộm của dân cái gì còn nhẹ, trộm cả lòng tin thì hết nước nói! Họ bèn hùn tiền tạc tượng mới, y hệt tượng cũ, cũng cung cách ấy, cũng bị thời gian xói mòn như trước. Miếu ấy bây giờ thành ra miếu thiêng của dân, ngày nào cũng có người từ xa đến viếng, quanh năm không thiếu khói hương. Có người nói với anh bán lụa: Tượng ở chốn triều môn sơn son thiếp vàng nhưng không thiêng đâu, tượng ở trong dân, có bị đánh đập, có bị khổ nhục, mới thiêng. Dẹp trộm, chỉ có dân mới dẹp được. Chỉ có tượng thần của dân, trong dân, mới thần giao được với ngự sử của dân.
      Anh bán lụa chưa bao giờ thấy mình yêu đời như thế. Anh tưởng không phải anh rao mà chính là người khắp nơi, khắp chốn, khắp nước, cùng rao trong tiếng rao sơn ca của anh:
      Chúc vua trường thọ
      Trộm cướp dẹp nhanh!
      Lụa này! Lụa này!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Anh bán lụa yêu đời<br><i>Truyện ngắn của Cao Huy Thuần
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO