An toàn và tự do cho dữ liệu xuyên biên giới

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 04:47 - Chia sẻ
Trong 5 năm vừa qua, ở Việt Nam, khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất chính là kinh tế số, hay còn gọi dưới tên khác là kinh tế dựa vào Internet. Từ quy mô 3 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2020, kinh tế số đạt 14 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025  -  không có lĩnh vực nào tăng trưởng “thần kỳ” tới 40%/năm như vậy. Với bước tiến đó, xét về quy mô nền kinh tế số, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, trong đó xét về tốc độ tăng trưởng là số 1, theo báo cáo “Nền kinh tế internet ở Đông Nam Á” do Google, Temasek, và Bain thực hiện. Chuyển đổi số, dữ liệu số, sự “liên lạc” của dòng chảy dữ liệu đóng góp lớn cho bước tiến này.

Lợi ích của công nghệ số là lớn lao, tuy nhiên chuyển đổi số cũng đặt ra những vấn đề lớn về an toàn, an ninh mạng, trong đó có vấn đề dữ liệu cá nhân. Một ví dụ là nhiều người dùng từng trải nghiệm những sự cố như bị người khác lấy hình ảnh cá nhân và tạo một tài khoản Facebook mạo danh. Các vấn đề về đánh cắp danh tính, mạo danh, lừa đảo… đang ngày càng phổ biến nhưng có lẽ đó vẫn mới chỉ là sự cố nhỏ. Nhìn rộng và xa hơn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bên cạnh lợi ích lớn lao của nó cũng hàm chứa những rủi ro không nhỏ đến đời sống từng cá nhân lẫn xã hội con người.

Là quốc gia nằm trong nhóm 10 nước có khối lượng dữ liệu luân chuyển qua biên giới lớn nhất thế giới, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam xác lập các quy định pháp lý cụ thể về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, pháp lý không nên là công cụ duy nhất để đạt mục tiêu bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân cho người dùng internet ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên hướng đến “mục tiêu kép”: Bảo vệ được dữ liệu cá nhân, đồng thời vẫn thúc đẩy được dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới tự do và thông suốt để phục vụ cho phát triển nền kinh tế số.

Một hệ thống chính sách toàn diện hơn để đạt được mục tiêu kép nêu trên nên là sự kết hợp của cả ba cách tiếp cận: Pháp lý - gồm quy định về chuyển dữ liệu; khuyến khích các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân thực hiện tự nguyện bởi khu vực doanh nghiệp; và tham gia các khuôn khổ quốc tế đa phương về bảo vệ dữ liệu cá nhân để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong môi trường toàn cầu.

Về mặt pháp lý, hiện nay có thể kể đến 4 cách tiếp cận chính: Quy định về trách nhiệm giải trình của các chủ thể khi thực hiện chuyển dữ liệu; quy định về điều kiện an toàn cho trước (trước khi được phép chuyển dữ liệu); cấp phép cho các trường hợp cụ thể; cấm chuyển dữ liệu. Mặc dù Việt Nam chưa lựa chọn phương án cuối cùng, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn ở giai đoạn dự thảo nhưng thông qua dự thảo này có thể thấy Việt Nam đang cân nhắc cách tiếp cận thứ 3, thiên về cấp phép để bảo đảm an toàn đối với dữ liệu chuyển ra khỏi biên giới Việt Nam.

“Cấp phép với các trường hợp cụ thể” có thể tạo ra gánh nặng thực thi rất lớn, đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (start-up), khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là tiềm năng lớn, cũng như đang được hưởng lợi rất lớn từ công nghệ số. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, lựa chọn cách tiếp cận thứ 2 - thiên về quy định trách nhiệm giải trình sẽ phù hợp hơn. Quy định pháp lý linh hoạt kết hợp với tiếp cận chính sách thứ 3 và thứ 4 (chú trọng tiêu chuẩn an toàn và giải pháp công nghệ kết hợp với hỗ trợ thực thi từ các định chế quốc tế), giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cho người dùng, đồng thời cũng giúp Việt Nam có chế tài hiệu quả hơn các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Ngoài ra, trong tầm nhìn rộng hơn, Việt Nam cần sớm đàm phán các hiệp định thương mại số với các nước có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - thương mại số, như Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Các hiệp định kiểu mẫu thế hệ mới này sẽ bao gồm các quy định về dữ liệu xuyên biên giới. Để đón đầu xu thế đó, cách tiếp cận về quy định dữ liệu xuyên biên giới cần có sự thông thoáng nhất định để thúc đẩy và tương thích với các hiệp định thương mại số này.  

Nguyễn Quang Đồng- Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông