An toàn trong nghiên cứu, tiêm chủng vaccine

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:55 - Chia sẻ
Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, cùng với việc nhanh chóng, thần tốc trong truy vết, thực hiện những biện pháp cách ly hiệu quả; cần tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đồng thời thiết lập hệ thống bảo đảm an toàn tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống bảo đảm an toàn tiêm chủng đã được thiết lập toàn quốc
Nguồn: ITN

Thúc đẩy tiến độ nghiên cứu vaccine

Nhiều chuyên gia khẳng định, virus SARS-CoV-2 có thể biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa và vaccine Covid-19 phải tiêm nhắc lại nhiều lần, do đó, với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam phải khẩn trương nghiên cứu vaccine, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà còn chuẩn bị để ứng phó với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang, để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ với tiêu chí bảo đảm an toàn cho nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Trong đó, có vaccine NanoCovax của Công ty NANOGEN; vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC); vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Đến nay, các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng.

Theo các chuyên gia, có được kết quả này, trước hết là do đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vaccine uy tín trên thế giới. Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 cũng tuân thủ đầy đủ quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, bảo đảm các điều kiện khoa học.

Khẳng định Việt Nam đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine, đại diện Bộ Y tế cho rằng, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được tổ chức tốt và thực hiện so sánh với các vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, nếu thuận lợi, cuối quý III.2021, vaccine NanoCovax sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Thiết lập hệ thống an toàn tiêm chủng

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, công tác tiêm phòng vaccine, bảo đảm an toàn tiêm chủng luôn được Bộ Y tế đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, từ giữa năm 2020, Bộ Y tế đã khẩn trương, minh bạch thực hiện công tác đàm phán, mua vaccine cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vaccine vào triển khai tiêm chủng. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép là bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để triển khai hiệu quả công tác này, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vaccine của AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Quyết định số 983/QĐ-BYT. 

Để triển khai công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine Covid-19… Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc an toàn, thận trọng, thực hiện từng bước, tăng cường tối đa độ bao phủ.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn hơn nữa đối với công tác tiêm chủng, Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; chỉ đạo xử trí cấp cứu, tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí sự cố sau tiêm chủng. Đồng thời, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá, điều trị các ca bệnh, sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra, chỉ đạo công tác truyền thông về thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện hệ thống bảo đảm an toàn tiêm chủng đã được thiết lập toàn quốc. Các thành viên đã tạo một nhóm chuyên môn trên điện thoại, sẵn sàng giải đáp thắc mắc của các cán bộ y tế về tiêm chủng. Những ca khó sẽ được hội chẩn qua Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh. 

Thảo Mộc