An toàn cho trẻ khi đến trường

- Thứ Ba, 02/11/2021, 05:42 - Chia sẻ
Hôm qua (1.11), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3807/UBND-KGVX về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, học sinh lớp 5, 6, 9, 10 và 12 tại các huyện ngoại thành sẽ được trở lại trường học từ ngày 8.11. Các khối khác và học sinh các quận nội thành sẽ tiếp tục học trực tuyến, cấp học mầm non tiếp tục được nghỉ.

Học sinh đến trường phải bảo đảm an toàn 

Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh từng nhấn mạnh rằng, việc cho học sinh quay trở lại trường học cần phải được cân nhắc một cách thận trọng, có kiểm soát, có lộ trình với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho các em. Như vậy, có thể nói, quyết định mở cửa lại trường học cho một số khối tại các trường ngoại thành đã được thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, dựa vào điều kiện thực tế. Chiều qua, Hà Nội đã công bố chi tiết việc phân vùng nguy cơ dịch Covid-19 theo các cấp độ với 579 xã, phường, thị trấn; hầu hết địa bàn ở ngoại thành là “vùng xanh” đạt cấp độ 1, nên việc cho trẻ ở những vùng này quay trở lại trường vào thời điểm này là hợp lý.

Tất nhiên, không tránh khỏi những băn khoăn về tính an toàn khi quyết định cho trẻ đến trường. Thực tế, một số địa phương như Phú Thọ, Quảng Nam vừa mở cửa trường đã có ngay F0 nên lập tức phải cho học sinh nghỉ học tiếp. Nhưng nếu cứ vì nỗi lo sợ mà không cho học sinh đến trường khi dịch bệnh cũng đã được kiểm soát tương đối cũng không phải là giải pháp tốt. Việc học trực tuyến, học trên truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ, không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Vấn đề đặt ra là mỗi địa phương cần đánh giá đúng tình hình dịch bệnh nơi ấy để đưa ra những biện pháp phòng chống tốt nhất, từ đó chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp và hiệu quả đối với các em. Không thể quy đồng cả một tỉnh, một thành phố chung một mức độ dịch, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền đến trường của các em.

Thực tế, ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng có 2 luồng ý kiến. Có ý kiến cho rằng, cần gắn việc cho học sinh đi học trở lại với việc tiêm vaccine phòng Covid-19, khi chưa tiêm phủ vaccine cho trẻ thì chưa nên vội cho trẻ quay lại học trực tiếp. Một số ý kiến lại cho rằng, không cần thiết phải đợi đến khi hoàn thành việc tiêm vaccine cho toàn bộ học sinh, mà cần quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng dịch, bảo đảm trẻ không lây nhiễm khi đến trường.

Từ thực tế trên, việc Hà Nội cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trong khi đưa ra quyết định là cần thiết. Học sinh đi học trở lại phải được bảo đảm an toàn, đây là điều không dễ dàng. Thế nên, phương án tốt nhất là không nên áp dụng đại trà ngay, mà tùy từng vùng, từng đối tượng học sinh mà quyết định “mở” đến đâu. Quyết định này cũng phù hợp với chủ trương sống chung an toàn với dịch bệnh theo hướng khu vực an toàn cho mở trước, đánh giá nguy cơ rồi mở rộng sang khu vực khác.

Kinh nghiệm tại Bình Thuận cho thấy, việc áp dụng mô hình “chia đôi lớp học” diễn ra hơn một tháng qua được đánh giá khá an toàn và hiệu quả. Ở vùng xanh, các em được đi học bình thường nhưng luôn trong thế chủ động khi trên địa bàn có ca nghi nhiễm, học sinh lập tức được chuyển qua học online. Ở vùng cam, nhà trường chia lớp học làm 2 và học 2 ca mỗi ngày. Giáo viên có thể vất vả một chút nhưng phần trăm an toàn cho học sinh lại khá cao. Hết giờ học, giáo viên sắp xếp cho các em đi giữ khoảng cách ra cổng và lên xe cha mẹ đưa về nhà.

Mô hình “chia đôi lớp học” không phù hợp cho tất cả các địa phương. Nhưng từ mô hình này, các địa phương có thể nghiên cứu kết hợp vừa học trực tiếp, vừa học trực tuyến; phân ca học so le nhau để bảo đảm bố trí đủ lớp cho tất cả học sinh. Phải nhấn mạnh rằng, khó có thể phương án nào bảo đảm 100% an toàn cho tất cả các em. Do đó, khâu tổ chức, kiểm soát dịch bệnh khi các em quay lại trường đòi hỏi thầy cô giáo, nhà trường, phụ huynh và lãnh đạo địa phương phải chú trọng thực hiện tất cả các quy định phòng, chống dịch để bảo đảm phần đông các em được an toàn.

Duy Anh