Hàm Nghi- chân dung và cơ duyên hồi cố quốc
Vua Hàm Nghi (1871-1944) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn; Là em ruột của vua Kiến Phúc và Chánh Mông-Ưng Kỳ, sau này là vua Đồng Khánh. Sau thời kỳ “tứ nguyệt Tam vương” của triều đình nhà Nguyễn, Ưng Lịch được các ông Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phò lên ngôi vua vào tháng 8.1884, lấy hiệu là Hàm Nghi, trở thành vị vua thứ 8 của triều Nguyễn. Chỉ một năm sau, đêm mồng 5 rạng mồng 6.7.1885, kinh đô Huế xảy ra vụ binh biến ất Dậu. Triều Nguyễn đem quân tấn công trại lính Pháp ở Mang Cá nhưng bất thành. Bị phản công, vua Hàm Nghi cùng Tam cung được 2 ông Tường -Thuyết phò ra Quảng Trị lánh nạn, sau đó lên Tân Sở xuống Hịch Cần Vương kêu gọi sỹ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp. Tháng 9.1888, với sự giúp sức của 2 tên phản phúc là Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, giặc Pháp đã bắt được vua Hàm Nghi tại Tuyên Hóa, Quảng Bình. Khiếp sợ trước khí phách hiên ngang của một ông vua yêu nước, Pháp đã đưa thẳng ông vào Sài Gòn và đày đi Algerie. Cho đến lúc qua đời, cựu hoàng vẫn chít trên đầu vành khăn đóng truyền thống của người Việt Nam. Mộ của ông hiện đang nằm ở nghĩa trang Thonac xứ Dordogne -một miền quê hẻo lánh ở miền Trung nước Pháp.
Tuy tại vị chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng tinh thần yêu nước, khí phách hiên ngang của vua Hàm Nghi đã khiến tên tuổi của ông mãi lưu danh cùng sử sách và trong lòng các thế hệ người dân Huế. Bởi vậy, thông tin hài cốt của vua Hàm Nghi sẽ được đưa về Huế đã gây được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều người, và không chỉ ở Huế. Nhưng cơ duyên nào dẫn đến sự kiện trên? Tháng 10.2007, nhân vào Huế tham dự Hội nghị Thành phố, di sản và phát triển, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thống nhất tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực, trong đó có việc đưa hài cốt vua Hàm Nghi về Huế. Tháng 1.2008, nhân việc ông Trần Minh Long, Tổng Giám đốc Công ty Cross Road, bạn của gia đình vua Hàm Nghi, về Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị tỉnh có ý kiến chính thức bằng văn bản để Bộ Ngoại giao tiến hành những thủ tục tiếp theo. Công văn đến ngày 17.1.2008. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Bộ Ngoại giao đưa hài cốt vua Hàm Nghi về Huế an táng. Tiếp đó, ngày 28.1.2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các sở: VH-TT (nay là Văn hóa- Thể thao và Du lịch), Ngoại vụ; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đề nghị triển khai chuẩn bị các thủ tục cần thiết, trong đó có việc tham mưu cho tỉnh địa điểm an táng phù hợp...
An táng vua Hàm Nghi ở đâu?
Một số ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm nơi an táng xứng tầm với vị vua yêu nước Hàm Nghi. Có người đề nghị đưa vào an táng tại An Lăng, phường An Cựu, TP Huế, nơi đã có mộ của các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân. Có ý kiến lại đề nghị an táng trong khu đồi cạnh nhà máy nước Vạn Niên, đồi Vọng Cảnh để thuận lợi cho việc xây dựng, chiêm bái, tham quan. Ông Georges Vĩnh San, con vua Duy Tân cũng có thư điện tử gửi về đề nghị an táng vua Hàm Nghi trong khu lăng vua Đồng Khánh-Kiên Thái Vương do tính huyết thống giữa các nhân vật này. Quan điểm này cũng trùng với ý kiến thống nhất giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc mới đây.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, khu vực An Lăng đã quá chật hẹp, phong thủy tùy tiện không tương xứng cho nơi an nghỉ ngàn thu của một bậc Đế vương (tương truyền vua Dục Đức sau khi bị bỏ ngục cho đến chết, xác được bó chiếu cho 2 anh lính gánh đi chôn, gánh đến đây thì bị đứt dây nên chôn luôn, khu lăng mộ này không có phong thủy là vậy). Hơn nữa, dòng Kiên Thái Vương và dòng Thoại Thái Vương vốn chống nhau rất kịch liệt, đặt Hàm Nghi vào đó sẽ rất lạc lõng. Đặt lăng mộ của vua Hàm Nghi ở khu vực Vạn Niên-Vọng Cảnh cũng không ổn, bởi đó là một danh thắng rất nhạy cảm. Đem di tích để chồng lên danh thắng là việc làm không nên. Nếu đặt vua Hàm Nghi trong khu lăng mộ Đồng Khánh-Kiên Thái Vương, xét về mặt huyết thống thì có vẻ hợp lý, nhưng Hàm Nghi là ông vua chống Pháp, còn Đồng Khánh lại là ông Vua theo Pháp. Lăng Đồng Khánh lại là một khu lăng mộ hoàn chỉnh và bề thế; Vua Hàm Nghi về nằm lọt thỏm bên trong (bởi chắc chắn sẽ không thực tế để có thể xây cho vua Hàm Nghi một khu lăng mộ tương đương với lăng mộ Đồng Khánh), và như vậy sẽ vô hình trung tạo ra một sự so sánh không có lợi về chính trị, lòng dân sẽ không ủng hộ.
Vậy, đặt hài cốt vua Hàm Nghi ở nơi nào là hợp lý?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, nên xây dựng một khu lăng mộ của phong trào Cần Vương mà vua Hàm Nghi là lá cờ đầu (Khu vực Chín Hầm). Cần Vương là phong trào kháng chiến chống Pháp có tính toàn quốc đầu tiên của Việt Nam. Ngọn lửa kháng Pháp cứ vậy tiếp nối không ngưng nghỉ, đến Hồ Chí Minh thì thành công. Một khu lăng mộ của phong trào Cần Vương với trung tâm là vua Hàm Nghi, sau này có thể quy tập những Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm, Lê Trực... sẽ là nơi tới lui chiêm bái, thăm thú, tìm hiểu rất thú vị và rất ý nghĩa đối với nhiều thế hệ. Đó là một ý tưởng rất nên suy ngẫm.
Khu vực Chín Hầm đúng là một nơi đắc địa. Cả một vùng đồi núi yên tĩnh, bạt ngàn rừng thông. Đường nhựa đã được kéo đến tận nơi và thông với QL IA ở Thủy Phương-Hương Thủy, cũng có thể sang cầu Tuần, lăng Minh Mạng... bằng con đường kéo đến gặp đường đi lăng Khải Định ở Châu Ê. Tại đây, khu chứng tích Chín Hầm với Khu đền liệt sỹ, tượng đài Bất Khuất đã được khánh thành xứng tầm với địa danh lịch sử. Cạnh đó là đền Huyền Trân Công chúa, tượng đài Di Lặc, tháp chuông Hòa Bình cũng đã được xây dựng xong. Cảnh quan chung quanh và một số công trình khác đã và đang tiếp tục được đầu tư tôn tạo. Khu chứng tích Chín Hầm và Đền thờ Công chúa Huyền Trân đã trở thành một điểm nhấn của Huế ở vùng đồi núi phía Tây, thu hút một lượng đáng kể khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Cách đó không xa còn có Tổ đình Thuyền Tôn, cổ tự nổi tiếng của Huế; có tháp Tổ Liễu Quán-người chấn hưng Phật giáo xứ Đàng Trong; có mộ Cường Để, ngọn cờ của phong trào Đông Du... Chọn địa điểm cho khu lăng mộ phong trào Cần Vương và đưa hài cốt vua Hàm Nghi về đây an táng không chỉ là việc nên làm đối với lịch sử mà sẽ còn tạo điều kiện để Huế hoàn chỉnh một khu du lịch hết sức “giàu có” cho mình, một địa chỉ mà hẳn rất nhiều người sẽ rất muốn một lần được đến.
Diên Thống