An sinh - xã hội Hưởng lợi lâu dài từ bảo vệ thiên nhiên
Được hỗ trợ và hướng dẫn, nhiều gia đình nghèo ở vùng lân cận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị) đã có thể chủ động sinh kế, giảm phụ thuộc vào rừng, hưởng lợi lâu dài từ bảo vệ thiên nhiên.
Cuộc sống ổn định nhờ sinh kế chủ động
Những thôn, bản nằm rải rác dưới những chân đồi, núi hay giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang dần "thay da, đổi thịt", khi người dân chủ động phát triển sinh kế để thoát nghèo bền vững, sống vì rừng, giữ rừng với tâm niệm “bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống”.
Năm 2021, ông Đinh Xuân Hòa (xã Bố Trạch) được Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ 4 đàn ong để nuôi ong lấy mật. Với vị trí lân cận Vườn Quốc gia, diện tích nhà rộng, đàn ong của ông phát triển tốt, đem lại nguồn mật thu hoạch ổn định cùng nguồn thu nhập đủ cho gia đình sinh hoạt. Từ đó, ông không còn vào rừng đốn gỗ quý để bán như trước nữa.
Tại thôn Tăng Hóa, xã Kim Điền, ông Cao Tiến Thân bước vào tuổi 60 tuổi mới bắt đầu công việc mới là chăn nuôi gà. Trước đó, ông và gia đình 4 thành viên sống dựa vào việc đi rừng, kiếm sản vật để bán. Những người dân tộc Chứt như ông, không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khi ở vùng quê đồi núi trùng điệp, sát biên giới.
Từ năm 2024, gia đình ông được hỗ trợ 90 con gà giống để phát triển kinh tế ngoài nghề đi rừng. Được hỗ trợ giống, gia đình ông tập trung chăm sóc, vừa để lấy thịt, lấy trứng phục vụ bữa ăn của gia đình vừa bán cho các nhà khác lấy tiền trang trải sinh hoạt. Nhờ lao động chăm chỉ, gia đình ông đã thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn Tăng Hoá Cao Thị Luận cho biết: trong năm 2024, hơn 20 gia đình trong thôn đã được Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ sinh kế là gà giống. Đây cũng là lựa chọn, đề xuất của chính bà con. “Nhận được hỗ trợ, bà con hết sức vui mừng. Giá trị của con giống không phải quá lớn nhưng thiết thực để bà con trong thôn quen dần với chu trình làm kinh tế”, chị Cao Thị Luận chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Điền Đinh Anh Tuấn, được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ sinh kế, người dân trong xã đã có công ăn việc làm ổn định. Hiện, trên địa bàn, các mô hình nuôi lợn lai rừng, gà địa phương đều cho thu nhập tốt. Từ đó, không còn tình trạng người dân vào rừng đánh bắt động vật, khai thác gỗ trái phép.
Hưởng lợi từ rừng di sản
Theo đại diện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đến cuối năm 2024 vừa qua, các chương trình hỗ trợ sinh kế được triển khai đã cung cấp cho người dân vùng lân cận hơn 122.500 cây giống các loại, 311 con heo giống, 61 con bò giống, 60 con dê giống, 14.700 con gà giống, trên 100 đàn ong giống.
Ngoài cung cấp cây, con giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ký kết hợp đồng bảo vệ rừng và đào tạo nghề du lịch, các chương trình thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu vực lân cận Vườn Quốc gia còn hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện diện mạo của khu dân cư. Cụ thể, là hỗ trợ vật liệu, trang thiết bị các công trình phúc lợi, như: nhà văn hóa, điện chiếu sáng, nước sạch, nhà vệ sinh cộng đồng, đường giao thông, kênh mương nội đồng… Sắp tới, người dân vùng đệm Vườn quốc gia còn có nguồn thu nhập hứa hẹn ổn định hơn khi Chương trình chi trả nguồn phát thải rừng sẽ bố trí gần 1,9 tỉ đồng hỗ trợ sinh kế cho 37 thôn, bản (mỗi thôn, bản được hỗ trợ 50 triệu đồng).

Hàng năm, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn ký hợp đồng bảo vệ rừng với người dân thôn, bản vùng đệm, vùng lõi, vùng giáp ranh. Qua đó, tạo việc làm cho người dân địa phương tham gia trực tiếp các hoạt động du lịch, như: nhiếp ảnh, bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ, phục vụ đưa đón khách tham quan…
So với trước đây, những tác động trái phép của người dân đến tài nguyên rừng được hạn chế ở mức tối đa. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Vườn quốc gia làm tốt công tác hỗ trợ sinh kế cho người dân. Đặc biệt, mỗi người dân cũng nâng cao ý thức trong việc giữ rừng, bảo vệ để hưởng lợi từ rừng di sản.