An sinh xã hội – chính sách phát triển bền vững của quốc gia
An sinh xã hội luôn được đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển bền vững của quốc gia. An sinh xã hội không chỉ là việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, là mục tiêu nhân đạo, tốt đẹp mà còn là một cuộc chiến bền bỉ, cam go và nhiều thách thức…
Nhận thức đúng và đủ về vai trò của an sinh xã hội
Chính sách an sinh xã hội là hệ thống các chính sách can thiệp của Nhà nước như bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội… và sự hỗ trợ của tổ chức hay tư nhân nhằm giảm mức độ nghèo và tổn thương, nâng cao năng lực tự vệ của người dân và cộng đồng trước những rủi ro hay nguy cơ giảm, mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội. Quan tâm, chăm lo cuộc sống của người dân là bản chất của chế độ ta. Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng, Nhà nước đã coi giệt giặc đói, giặc dốt như diệt giặc ngoại xâm, trong đó, đối phó với giặc đói được đặt lên hàng đầu. Suốt quá trình phát triển và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng thực hiện các chính sách xã hội nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách, từng giai đoạn phát triển. Vì thế, các chương trình, chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả nổi bật. Bình quân mỗi năm đã giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho khoảng 350 ngàn lao động; 80 ngàn lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Các chương trình và chính sách giảm nghèo đã tập trung nguồn lực ưu tiên cho huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có bước phát triển đáng kể…
Không thể phủ nhận những thành tựu mà những chính sách an sinh xã hội đã tác động đến đời sống của người dân trong thời gian qua. Nhưng không phải lúc nào, ở đâu, an sinh xã hội cũng được hiểu đúng. Đơn cử như trong vấn đề bảo hiểm xã hội. Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2011 đạt 10,1 triệu người, bằng gần 20% lực lượng lao động, còn 80% lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sao? Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội cao. Bảo hiểm xã hội tự nguyện mới thu hút 0,22% số lao động thuộc diện tham gia. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có vấn đề nhận thức, từ đó hình thành ý thức của cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng, nhận thức về an sinh xã hội của cơ quan quản lý các cấp và một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa đúng, chưa đầy đủ.
Không chỉ dựa vào “chiếc bánh” ngân sách
Hàng rào chính sách về an sinh xã hội đưa ra có thể đầy đủ, nhưng quan trọng hơn, để các chính sách đó có điều kiện thực thi được phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực. Theo PGS- TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập tạp chí Cộng sản, thì nguồn lực thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khả năng cân đối và sử dụng các nguồn lực của hệ thống an sinh xã hội, kể cả Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo trợ xã hội còn hạn chế và gặp thách thức lớn cả trước mắt cũng như trong trung và dài hạn. Các quỹ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quỹ bảo hiểm y tế ở trong tình trạng báo động trong tương lai gần. Nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội của Nhà nước khó đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng của người dân, trong khi đó huy động từ các nguồn khác, đặc biệt từ cộng đồng còn có nhiều hạn chế, nhất là vùng nông thôn.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị, giai đoạn 2012- 2020, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chính sách hiện hành về an sinh xã hội, tập trung hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, các nhóm yếu thế không có khả năng tham gia an sinh xã hội, đồng thời xã hội hóa rộng hơn thông qua việc tăng tỷ trọng đóng góp của cá nhân và tổ chức trong tổng chi về an sinh xã hội. Ít nhất, trong giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm phải bảo đảm tổng chi cho an sinh xã hội đạt khoảng 13,5% GDP, trong đó phần ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30% tổng chi an sinh xã hội và khoảng 11,5% ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là việc khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tự an sinh.
Cần xây dựng một cơ sở để đánh giá hệ thống an sinh xã hội
Trong quá trình đổi mới kinh tế, nhiều vấn đề an sinh xã hội bức xúc, mới phát sinh chưa được giải đáp một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội theo mô hình hiện nay không theo kịp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển thì các nguy cơ, rủi ro kinh tế và xã hội ngày càng có xu hướng tăng. Ngay cả xu thế già hóa dân số đang và sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho hệ thống an sinh xã hội hiện hành và trong tương lai, sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi. Sự phân hóa nhanh, mạnh trong nền kinh tế thị trường đã làm cho các nhóm xã hội yếu thế ngày càng trở nên yếu thế hơn và dễ bị tổn thương… Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành nước có thu nhập trung bình và hệ thống an sinh xã hội cần hướng tới bao phủ toàn dân. PGS- TS Vũ Văn Phúc cho rằng, để bảo đảm cho mọi người dân có quyền và được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội cần nhanh chóng thống nhất các chế độ bảo hiểm xã hội khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau, như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngoài nhà nước, lao động nông thôn thành một chế độ chung nhằm xóa bỏ sự khác biệt giữa các khu vực, các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm. Đi kèm với đó, chúng ta cần ưu tiên phát triển sự nghiệp an sinh xã hội nông thôn và cho người lao động ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí nhiều tầng, nhiều trụ cột. Đồng thời cũng cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, cần xây dựng bộ chỉ số an sinh xã hội làm cơ sở theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện an sinh xã hội trong từng thời kỳ và so sánh với quốc tế.