Tiền Giang là 1 trong 9 đơn vị trong cả nước được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), Bộ Công an chọn làm điểm để tổ chức. Tại hội nghị, có 36 tập thể, cá nhân được Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào BVANTQ, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho và Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho tặng giấy khen đã có thành tích tốt trong tham gia xây dựng mô hình “Đảm bảo ANTT trên địa bàn xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho năm 2022”
Quyết tâm thực hiện tiêu chí 19.2 trong xây dựng nông thôn mới
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có 137/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 40/142 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 2/142 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Có 4/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong quá trình đó, công tác bảo đảm ANTT giữ vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trên thực tế, trong 19 tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tiêu chí 19.2 là tiêu chí khó giữ vững, rất dễ có sự biến động nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác… Chính vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện nội dung tiêu chí: "Xã đạt chuẩn an toàn về ANTT xã hội và đảm bảo bình yên; không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước".
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm ANTT trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo có sự đồng lòng, chung sức của toàn dân trong việc tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động của các mô hình “Đảm bảo ANTT” trên địa bàn dân cư.
Thực tế, công tác bảo đảm ANTT trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Tiền Giang được đẩy mạnh xuyên suốt trong giai đoạn 2021 - 2023, từ đơn vị được chọn làm điểm đến các đơn vị nhân rộng thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT
Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, UBND tỉnh về xây dựng mô hình xã điển hình về phong trào toàn dân BVANTQ, phục vụ xây dựng nông thôn mới, năm 2021, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chọn xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây thực hiện điểm.
Sau thời gian thực hiện, xã Đồng Sơn đã nâng chất, củng cố 11 mô hình; trong đó, 6 mô hình phòng, chống tội phạm (PCTP) phát huy hiệu quả tốt là: Tổ Nhân dân tự quản về ANTT; đội dân phòng, chốt dân phòng; camera an ninh, ánh sáng quang và trang Zalo “An ninh Đồng Sơn”.
Hiện tại, xã Đồng Sơn đã được công nhận là xã điển hình về ANTT. Ở đó, người dân luôn phát huy tốt vai trò chủ động trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ gìn tốt ANTT ở cơ sở. Mô hình được nhân rộng ra nhiều địa phương khác với tên gọi, hình thức tổ chức phù hợp thực tế tình hình an ninh trật tự, đặc điểm địa bàn, dân cư của từng nơi.
Vào tháng 6.2022, mô hình “Đảm bảo ANTT trên địa bàn xã Mỹ Phong”, thành phố Mỹ Tho được triển khai. Để thực hiện có hiệu quả mô hình này, Công an tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cũng như biện pháp, cách làm phù hợp với thực tế ở địa phương; đồng thời, tập trung nhiều lực lượng, phương tiện cùng tham gia phối hợp, hỗ trợ.
Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) xã Mỹ Phong tham mưu Đảng ủy xã xây dựng Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện, đồng thời cụ thể hóa các kế hoạch của Công an tỉnh, Công an thành phố Mỹ Tho; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên và tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc.
Sau thành công của xã Mỹ Phong, Công an các địa phương chủ động báo cáo đề xuất và được Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chọn thêm nhiều địa phương khác để nhân rộng mô hình “Đảm bảo ANTT” trên địa bàn xã nông thôn mới.
Những xã được Công an tỉnh chọn tiếp theo sau đó để nhân rộng mô hình “Đảm bảo ANTT” trên địa bàn xã nông thôn mới là xã Trung An, thành phố Mỹ Tho; xã Phú An, huyện Cai Lậy; xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy.
Tiếp tục củng cố và nhân rộng các mô hình nhằm đảm bảo ANTT
Hiện nay, việc tổ chức thực hiện các mô hình nhằm đảm bảo ANTT để xây dựng và giữ vững địa bàn nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng trong các mặt công tác Công an, luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, phục vụ thiết thực, xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Để tiếp tục củng cố và nhân rộng các mô hình nhằm đảm bảo ANTT trong xây dựng nông thôn mới, Đại tá Phan Văn Trảng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã đề ra các giải pháp, cách làm cần tập trung trong thời gian tới. Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh chỉ đạo lực lượng thực hiện tốt biện pháp vận động quần chúng tham gia đảm bảo ANTT. Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ phù hợp với địa bàn nông thôn.
Thực hiện tốt công tác nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ, gắn phong trào này với các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đảm bảo ANTT. Đặt biệt là điều động, phân công, bố trí lực lượng Công an chính quy tại xã đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công an là lực nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, nhưng phải thúc đẩy tinh thần làm chủ của Nhân dân trên lĩnh vực này. Khi Nhân dân làm chủ được tình hình ở địa phương, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, ủng hộ lực lượng Công an thì công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn mới thật sự ổn định và bền vững.
Tiền Giang đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm thay đổi mạnh mẽ hơn diện mạo nông thôn. Trong tiến trình đó, Tiền Giang cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như: Đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, để mô hình “Đảm bảo ANTT” ngày càng đạt hiệu quả tích cực hơn, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ sở; sự duy trì phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân. Trong đó, yếu tố quyết định nhất là vai trò nòng cốt của Công an xã trong triển khai các biện pháp công tác bảo vệ ANTT, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ở địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Tiền Giang, cho biết: Công tác phối hợp của lực lượng Công an đối với các ngành cũng như các cấp trong thời gian qua rất chặt chẽ, đã xuất hiện nhiều mô hình phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững ANTT, phát huy hiệu quả tốt như: Camera phòng chống tội phạm, cổng rào thông minh… đã phát huy hiệu quả, lan rộng, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Đây là một trong những tiền đề để giúp các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025 theo chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy Tiền Giang đã đề ra.
Ý kiến bạn đọc