An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ góc nhìn dự báo

- Thứ Năm, 06/01/2022, 06:59 - Chia sẻ
Năm 2021, thế giới chứng kiến những biến động phức tạp của tình hình an ninh quân sự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD), bao gồm những nhân tố thuận lợi và không thuận lợi cho xây dựng lòng tin và tiến trình hợp tác. Năm 2022, khu vực này được dự báo sẽ còn phức tạp khi cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc vẫn diễn ra quyết liệt; xu hướng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng mới và chạy đua vũ trang gia tăng.

Những chuyển động đáng chú ý

Khu vực AĐD - TBD đang chứng kiến sự thay đổi địa chính trị, các cách tiếp cận mới tổng thể và có phần phức tạp xuất hiện, nhiều cơ chế mới hình thành. Trong đó, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, EU đưa ra các tầm nhìn hoặc chiến lược. Các hoạt động xây dựng liên minh đối tác hướng tới khu vực AĐD - TBD ngày càng trở nên sôi động.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình dương
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình dương

Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - cơ chế an ninh quan trọng nhất đang nổi lên tại châu Á, dần trở lại với vai trò của mình bắt đầu từ cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9.2021, để thảo luận một tầm nhìn mới cho tương lai khu vực; các đối sách nhằm đối phó với các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Các chuyên gia nhận định, “Bộ Tứ” đang đi theo hướng là một sự tiếp cận hợp tác về an ninh. QUAD không chỉ củng cố các thể chế ASEAN đã được thiết lập, mà còn phát triển các quy tắc và giải pháp chung trong khu vực, đồng thời thúc đẩy sự kết hợp của các quan hệ đối tác an ninh nhỏ bên cạnh.

Đối tác an ninh ba bên có tên gọi AUKUS, gồm Mỹ, Anh và Australia được thiết lập. Theo đó, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, có khả năng răn đe trên khắp AĐD - TBD, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đào tạo. Cấu trúc mới này thiên về an ninh tay ba hướng đến mục tiêu bảo vệ và giữ vững lợi ích chia sẻ của các bên ở khu vực. 

Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh CA-TBD tại Viện Hudson đánh giá, đây chính là cấu trúc an ninh mới của châu Á. AUKUS, QUAD, cùng với Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là ba trụ cột gánh vác an ninh ở khu vực trong những năm tới. Trong đó, ASEAN vẫn sẽ đóng vai trò xây dựng chuẩn mực, là nền tảng của hợp tác và ngoại giao toàn diện; QUAD giúp tháo gỡ vấn đề vướng mắc về an ninh, còn AUKUS ngăn chặn xung đột quân sự xảy ra.  

Trong khi đó, Trung Quốc được cho là vẫn không ngừng tăng cường củng cố quan hệ với các đối tác cũng như các quốc gia phụ thuộc kinh tế, để làm rạn nứt các liên minh do Mỹ xây dựng. Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ với Nga và Iran, Bắc Kinh còn nhắm đến các nước có quan hệ kinh tế sâu rộng, cam kết hỗ trợ những quốc gia này phục hồi kinh tế sau đại dịch để họ cân nhắc kỹ lưỡng về việc đứng hay không đứng về phía Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, ở AĐD - TBD vẫn còn nhiều khoảng trống trong cấu trúc khu vực mới đang định hình, đó là cam kết vững chắc; một khuôn khổ đa phương chuẩn mực; và sự hỗ trợ mạnh mẽ tại các quốc gia thành viên đối với một trật tự khu vực mới, thích ứng một cách hài hòa trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tiềm ẩn nguy cơ bất ổn

Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí “về nguyên tắc” sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Triều Tiên chỉ ra rằng họ sẽ không tham gia đàm phán về chính thức chấm dứt xung đột chừng nào Mỹ vẫn duy trì quan điểm thù địch, bao gồm cả việc cấm vận với nước này, cũng như sự hiện diện của lính Mỹ tại Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung.

Những thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018 vẫn được đánh giá cao và coi đây có thể là cơ sở cho những cuộc đàm phán trong tương lai để định hình quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, Bình Nhưỡng không hoàn toàn khép lại cánh cửa đàm phán với Washington, nhưng sẽ không suy chuyển mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự.

Hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc) chưa thể bớt căng thẳng khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định thống nhất Đài Loan là một xu thế lịch sử không thể ngăn cản. Bắc Kinh tuyên bố mọi thứ vũ khí Mỹ đem vào hòn đảo này đều sẽ bị “nghiền nát”. Ngược lại, Mỹ tuyên bố rằng nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn và bảo đảm việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực không xảy ra.

Gần đây Trung Quốc được cho là đã thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn, quan hệ Trung Quốc - ASEAN được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một cột mốc mới trong lịch sử quan hệ giữa hai bên, tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển của khu vực và thế giới, song theo nhiều chuyên gia, không vì thế mà làm bớt các mối lo ngại tại khu vực.

Các dự luật mà Trung Quốc thông qua như Luật Hải cảnh sửa đổi; Luật An toàn hàng hải sửa đổi được thực thi, đang gây nên phản ứng mạnh mẽ của quốc tế. Tiến sĩ Patrick Cronin cho rằng Trung Quốc có thể sớm sử dụng hạm đội gồm các thiết bị không người lái nhằm kiểm soát các khu vực thuộc phạm vi “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông cùng các cấu trúc đảo mà các nước láng giềng đã khẳng định chủ quyền. 

Về tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cả ASEAN và Trung Quốc đều xác định muốn đẩy nhanh nhất có thể, nhưng các ưu tiên, lợi ích của các bên vẫn còn sự khác biệt, do vậy vẫn có những phức tạp và cần thêm thời gian. Campuchia cam kết thúc đẩy COC trong năm 2022 khi nước này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng COC sẽ được ký vào năm 2022 mà có thể năm 2023 hoặc 2024 sẽ khả dĩ hơn.

Cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 2.2021 ở Myanmar tiếp tục kéo dài qua năm 2022, đặt ASEAN trước những thách thức về tính trung tâm của khối, vai trò hòa giải, cũng như năng lực của tổ chức này trong việc mang lại sự ổn định và phát triển trong khu vực.

Cuộc đua vũ khí siêu thanh đáng lo ngại có thể sẽ “đông đúc” hơn trong thời gian tới khi Nga thử nghiệm thành công tên lửa Zircon tốc độ Mach 9. Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tốc độ Mach 5. Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh tốc độ Mach 5. Trong khi đó, Triều Tiên cũng tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh.

Bất chấp dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều quốc gia vẫn tăng ngân sách quốc phòng năm 2022. Theo đó, Mỹ sẽ chi 770 tỷ USD; Trung Quốc (252 tỷ USD), Nhật Bản (47,2 tỷ USD)... Đáng chú ý, Mỹ dành riêng 7,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, tăng gấp ba so với năm ngoái.

Những động thái trên phần nào dự báo chiều hướng phức tạp về an ninh quân sự ở khu vực AĐD - TBD thời gian tới. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể xử lý “khéo léo” các vấn đề nhạy cảm, tránh gây căng thẳng để tổ chức thành công Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh và đại hội đảng toàn quốc trong bối cảnh tẩy chay ngoại giao của một số quốc gia phương Tây gia tăng.

Nguyễn Nhâm