Sự thay đổi trong cách nhìn của phương Tây
Theo PS, tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, chuyến thăm chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của bà sẽ đến Ấn Độ. Cùng ngày, tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp song phương đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Nguồn: economictimes.indiatimes.com
Ngay sau đó, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington đã củng cố thêm vị thế đang lên của quốc gia này. Kết thúc chuyến đi, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố về một "siêu quan hệ đối tác" giữa Mỹ và Ấn Độ, trong đó bao gồm cam kết tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương vào năm 2030, mở rộng nhập khẩu dầu khí từ Mỹ và gia tăng mua sắm thiết bị quân sự.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người và độ tuổi trung bình chỉ 29,8, Ấn Độ đang có một lợi thế nhân khẩu học đáng kể so với Mỹ (38,9), Trung Quốc (40,2) và Liên minh châu Âu (44,5). Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo GDP tăng 6,5% trong năm nay theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Dự kiến, đến năm 2030, Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Vai trò trung lập trong trật tự đa cực
Ấn Độ là một trong những quốc gia sáng lập Phong trào Không Liên kết và có lịch sử lâu dài trong việc duy trì chính sách đối ngoại trung lập. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia này khéo léo cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Liên Xô, đồng thời tiếp nhận hỗ trợ quân sự từ Moscow nhưng vẫn duy trì quan hệ hợp tác với Washington để đối trọng với Pakistan. Hiện nay, Ấn Độ tiếp tục chính sách ngoại giao thực dụng này, không đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống đa phương hiệu quả và toàn diện hơn.
Từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ đã theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, theo đuổi chủ nghĩa quốc tế. Ông Modi không chỉ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, mà còn mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ trong các diễn đàn đa phương truyền thống và mới nổi. Năm 2023, Ấn Độ giữ chức chủ tịch của cả G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của mình trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Ấn Độ là thành viên chủ chốt của BRICS, một tổ chức gồm các nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và mới đây đã mở rộng thêm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Mặc dù nhiều nước coi BRICS là công cụ để thách thức trật tự hiện tại, Ấn Độ lại tiếp cận với tư cách một nước cải cách, không phá vỡ hệ thống mà điều chỉnh nó để phù hợp với lợi ích của các nước đang phát triển.
Mối quan hệ linh hoạt với Trung Quốc
Mặc dù hợp tác với Trung Quốc trong một số diễn đàn, quan hệ Ấn - Trung vẫn bị chi phối bởi tranh chấp lãnh thổ kéo dài và sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại nam bán cầu. Điều này góp phần vào sức hấp dẫn của Ấn Độ đối với phương Tây, khi họ xem nước này như một đối trọng với Bắc Kinh.
Việc Ấn Độ thúc đẩy Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu (IMEC), một dự án hạ tầng kết nối thương mại và vận tải được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9.2023, như một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc càng khẳng định tầm quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hợp tác đa phương và định hình trật tự mới
Ấn Độ cũng là một thành viên quan trọng trong Bộ tứ Kim cương (Quad) cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Nhóm này tập trung vào an ninh hàng hải và hợp tác kinh tế, nhưng trên thực tế, nó cũng đóng vai trò như cơ chế kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, nhờ có Ấn Độ, Quad không bị nhìn nhận đơn thuần như một liên minh phương Tây, mà thay vào đó là liên kết chiến lược với sự tham gia của các cường quốc đang phát triển.
Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ đã tận dụng lợi thế này để củng cố hình ảnh Ấn Độ như một quốc gia đi đầu trong việc cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu. Ông Modi nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ như "cái nôi của dân chủ", phản bác lại quan điểm rằng dân chủ là di sản của thời kỳ thuộc địa. Điều này giúp Ấn Độ kết nối chặt chẽ hơn với nhóm các cường quốc trung gian, những nước đang tìm cách định hình lại hệ thống toàn cầu theo lợi ích của họ.
Thách thức nội địa
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, Ấn Độ đã trải qua sự chuyển dịch quan trọng về hệ tư tưởng chính trị. Ông Modi đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc Hindu, giảm nhẹ ảnh hưởng của các giá trị thế tục và đa nguyên từng phát triển mạnh sau khi Ấn Độ giành độc lập. Sự thay đổi này đã dẫn đến việc nhiều tổ chức quốc tế hạ xếp hạng dân chủ của Ấn Độ. Để đối phó, ông thậm chí đang thúc đẩy việc xây dựng các chỉ số đánh giá dân chủ của nước này.
Tuy nhiên, với việc trở thành Thủ tướng ba nhiệm kỳ liên tiếp - một kỳ tích mà trước đó chỉ có nhà lãnh đạo Jawaharlal Nehru đạt được - ông Modi vẫn là nhân vật thống trị trên chính trường Ấn Độ. Dưới sự lãnh đạo của ông, Ấn Độ không chỉ củng cố vị thế trong nước, mà còn vươn lên trở thành nhân tố không thể thiếu trong hệ thống toàn cầu.
Từ lâu, Ấn Độ đã sở hữu tiềm năng để trở thành cường quốc định hình trật tự thế giới. Nhưng chỉ đến thời điểm hiện tại, quốc gia này mới thực sự bước vào vai trò đó một cách mạnh mẽ. Sự thay đổi trong cách nhìn của phương Tây, sự trỗi dậy của hệ thống đa cực, cùng với chiến lược ngoại giao chủ động của Thủ tướng Modi, đã giúp Ấn Độ định vị mình như một trung tâm quyền lực toàn cầu mới. Khi thế giới bước vào kỷ nguyên tái cấu trúc địa chính trị, nhiều nhà phân tích nhận định, Ấn Độ không còn là người quan sát, mà đang trở thành người kiến tạo tương lai.