Ấn Độ sẽ là đồng minh của Mỹ như thế nào ?

10/02/2007 00:00

Lực lượng Không quân Ấn Độ trình diễn tại lễ khai mạc cuộc trình diễn không quân Aero India 2007 tại Căn cứ không quân Yelahanka ở ngoại ô Bangalore

      Tình bạn ngày càng thắm thiết giữa Mỹ và Ấn Độ đang khiến người ta phải đặt ra nhiều câu hỏi. Ấn Độ sẽ là bạn tốt đến mức độ nào nếu nước này nổi lên là một siêu cường. Liệu họ có trở thành một nước Anh thứ hai, một đồng minh trung thành, một đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố hay một đồng đội trong việc truyền bá dân chủ và thị trường tự do? Hay Ấn Độ sẽ là Pháp, chia sẻ với Mỹ những giá trị nền tảng nhưng liên tục theo đuổi những lợi ích của riêng mình mà không phải lúc nào cũng có lợi cho Mỹ? Thậm chí người ta còn liên tưởng tới khả năng  Ấn Độ sẽ như Trung Quốc, trở thành mối đe dọa cạnh tranh đối với nền kinh tế Mỹ, sử dụng ảnh hưởng của mình để cản trở những áp lực ngoại giao Washington lên những quốc gia như Sudan hay Iran?
      Trong tuần qua, các quan chức chính phủ và các nhà chế tạo vũ khí quân sự từ Mỹ đang tìm kiếm manh mối những ý định chiến lược của Ấn Độ qua một cuộc trình diễn không quân diễn ra bên ngoài Trung tâm công nghệ Bangalore. Qua cuộc trình diễn, Mỹ có ý định bán máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, điều từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra. 
      Hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này có quan hệ hết sức lạnh giá trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và sức mạnh quân sự của Ấn Độ chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu vũ khí từ Liên Xô. Nhưng thời gian đang làm thay đổi mọi thứ, đặc biệt là sau vụ tấn công 11.9, cả hai nhận thấy mình có cùng mối quan tâm chung là an ninh và các nhà lãnh đạo đã tuyên bố bắt tay nâng cấp quan hệ đôi bên hồi tháng 7.2005 thành hàng đối tác chiến lược. Trọng tâm của mối quan hệ mới này chính là một thỏa thuận hạt nhân dân sự, mà gần đây được ban hành thành luật ở Washington. Theo đó, những kiềm chế trong việc mua bán nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng dân sự của Ấn Độ bị gỡ bỏ và các công ty Mỹ được tự do hơn trong vấn đề bán công nghệ nhạy cảm cho đất nước có số dân lớn thứ hai thế giới này. 
      Vậy một Ấn Độ hùng mạnh trong tương lai sẽ đóng vai trò gì với tư cách là đồng minh của Mỹ. Giới lãnh đạo Mỹ từng nói Ấn Độ là một nước Anh mới, một đồng minh tự nhiên có lợi đối với nước Mỹ. Nhưng thực tế một thời gian sau đó lại hơi khác. Ấn Độ đã biểu hiện những xu hướng ngoại giao không thể đoán trước khi tỏ ra nồng ấm với giới cầm quyền ở Myanmar, Sudan và Iran trong khi lại chấm dứt lời hứa mở cửa kinh tế đầy đủ cho các tập đoàn lớn của Mỹ như Wal-Mart, AIG hay Citibank.
      Do vậy, việc Mỹ đang thăm dò để bán máy bay quân sự cho Ấn Độ không chỉ là một nỗ lực thúc đẩy thương mại bình thường mà còn là cơ hội để giải mã bản chất đối tác tương lai của Ấn Độ. Theo một cựu quan chức về Nam Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ thì chính phủ Mỹ cực kỳ chú tâm đến phi vụ mua bán trên như một phần quan trọng trong mối quan hệ an ninh nghiêm túc. Hiện Ấn Độ có kế hoạch mở thầu để mua 126 máy bay phản lực chiến đấu nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân trong năm nay. Và người Mỹ hy vọng với tình bạn mới của mình với New Delhi sẽ giúp nước này thế chỗ Nga trong vai trò là nhà cung cấp. 
      Các công ty của Mỹ coi Ấn Độ là cơ hội trị giá 30 tỷ USD trong vòng 5 năm. Tuy nhiên có một câu hỏi ngỏ đặt ra rằng liệu người Ấn Độ có coi mình là một dạng liên minh trung thành, mà các quan chức Mỹ kỳ vọng hay không. Trên giấy tờ, dường như Ấn Độ là liên minh tự nhiên của Mỹ bởi cả hai đều là những nền dân chủ thế tục, đa sắc tộc với những mục tiêu, lợi ích và giá trị chia sẻ,  đặc biệt cả hai là những đối tác hoàn hảo có thể gây ảnh hưởng trong thế kỷ XXI. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy một quá trình hợp tác mới đang được hình thành như thương mại đầu tư hai bên nở rộ; các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Ấn Độ đang giữ một vai trò quan trọng nhưng ít được để ý tới trong vấn đề tái thiết Afghanistan thời hậu Taliban. Và New Delhi hơn hầu hết các thủ đô lớn khác tỏ ra vô cùng tán dương chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố của chính quyền Bush, bởi bản thân họ cũng có những cuộc chiến riêng của mình chống lại những kẻ Hồi giáo cực đoan. Nhưng khi Ấn Độ ngày càng trở nên có ảnh hưởng trong những năm gần đây, nước này không phải luôn luôn đi theo hướng của Mỹ.

Linh Đạm (Theo IHT)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ấn Độ sẽ là đồng minh của Mỹ như thế nào ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO