Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 06:27 - Chia sẻ
Tuần qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đến thăm Kenya để cùng với người đồng cấp Raychelle Omamo đồng chủ trì cuộc họp lần thứ ba Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ - Kenya. Chuyến đi không chỉ nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với quốc gia láng giềng Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược này, mà còn mong muốn đẩy mạnh ảnh hưởng của “nền văn minh sông Hằng” ở châu lục đen.

Củng cố tiếp cận

 Theo FP, New Delhi coi Kenya là cửa ngõ vào châu Phi. Cả Ấn Độ và Kenya đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ tháng 1 năm nay, thành viên Khối thịnh vượng chung.

 

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Kenya Ababu-Namwamba
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Kenya Ababu-Namwamba

Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ, đại diện hai quốc gia đã thảo luận về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, bao gồm quan hệ đối tác phát triển, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương.

Cuộc hội đàm diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đang tìm cách củng cố phạm vi tiếp cận châu Phi thông qua các chuyến thăm cấp cao thường xuyên và bền vững để củng cố hình ảnh nước này như là một trong những đối tác phát triển hàng đầu của châu Phi. Thực tế, Ấn Độ giữ cho các đường cung cấp hàng của họ luôn mở trong phần lớn thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm nguồn cung thuốc và thiết bị y tế quan trọng đến được các quốc gia có nhu cầu ở châu Phi. Điều này minh chứng cho mong muốn của Ấn Độ trở thành đối tác kiên định và đáng tin cậy, mặc dù vào cuối tháng 3, khi Ấn Độ đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai khủng khiếp, nước này đã phải tạm dừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca. Sự việc đó đã khiến chương trình tiêm chủng của các nước châu Phi, vốn chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ cơ sở chia sẻ vaccine COVAX toàn cầu, bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tuy nhiên, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng gia tăng tại quê nhà, nhưng Ấn Độ và Nam Phi vẫn ủng hộ việc miễn cấp bằng sáng chế vaccine tại Tổ chức Thương mại Thế giới để tăng cường năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và sản phẩm y tế của các nước đang phát triển. Để tìm ra giải pháp lâu dài cho đại dịch, đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi hiện đã được Mỹ ủng hộ sau nhiều tháng do dự. Những nỗ lực chung của họ đối với thách thức toàn cầu này có thể là dấu hiệu cho những hợp tác sắp tới.

Quan tâm từ rất lâu

Kể từ khi giành được độc lập, Ấn Độ luôn ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng chống thực dân và chống phân biệt chủng tộc ở châu Phi. Trong khi mối quan hệ trước đó được xây dựng dựa trên di sản của chủ nghĩa thực dân, làn sóng tự do hóa và tư nhân hóa ở Ấn Độ những năm 1990 đã dẫn đến thay đổi quyết định trong cam kết của nước này đối với châu Phi sang các vấn đề thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp sự tham gia mạnh mẽ trong hơn 7 thập kỷ, Ấn Độ chưa bao giờ thực sự có chiến lược dài hạn, rõ ràng nào để phát triển mối quan hệ rộng lớn hơn với châu lục đen.

Nhưng tình hình có thể thay đổi. Với các ý thức hệ và chính trị đang đứng hậu thuẫn, kinh tế và gần đây là các mối quan hệ an ninh đã truyền sức sống mới cho sợi dây liên kết và hợp tác của quốc gia đông dân thứ hai thế giới với châu Phi. Ví dụ nổi bật nhất là việc thành lập Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi đã giúp thể chế hóa và chính thức hóa quan hệ của Ấn Độ với các đối tác châu lục. Cho đến nay, diễn đàn này đã tổ chức được ba hội nghị thượng đỉnh vào năm 2008, 2011 và 2015.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4, vốn bị trì hoãn do đại dịch, dự kiến sẽ diễn ra ở Mauritania vào cuối năm nay. Sự kiện đó đặt mục tiêu kết hợp ý kiến đóng góp từ cuộc họp sắp tới về hợp tác Ấn Độ - châu Phi do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ tổ chức. Trọng tâm chính sẽ là các sáng kiến nâng cao kỹ năng và năng lực, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và phát triển cuộc cách mạng kỹ thuật số của châu Phi.

Thực tế, trong khi các chuyên gia đang bận rộn phân tích quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với bên ngoài, thì khu vực công cũng như khu vực tư của Ấn Độ đã và đang thâm nhập sâu vào châu Phi. Và đến nay, Ấn Độ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của lục địa này.

Ông Chandrajit Banerjee, Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ cho biết: “Mọi công ty Ấn Độ muốn mở rộng ra toàn cầu đều xem châu Phi là vùng đất của một loạt cơ hội mới”. Nhiều tập đoàn, công ty lớn của Ấn Độ như ONGC Videsh, Tata Group, Bharti, Godrej Group, Mahindra & Mahindra, Escorts, Apollo, hay Essar… đều đã có mặt ở lục địa đen.

Châu Phi, mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, cũng sở hữu 40% năng lượng thủy điện tiềm năng của thế giới và có vùng đất nông nghiệp rộng lớn chưa được canh tác mấy. Do đó, nông nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tư quan trọng mà Ấn Độ phải xem xét.

Theo một số nhà phân tích, tầm quan trọng của châu Phi sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới và Ấn Độ chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện của mình ở đây với chiến lược tập trung hơn trong bối cảnh trật tự chính trị toàn cầu đang thay đổi.

Linh Anh