Ẩm thực Ấn Độ: Không chỉ là món ăn
Ở Ấn Độ, thức ăn, văn hoá, tôn giáo và các lễ hội khu vực có mối quan hệ mật thiết…

Ngày nay, những nhà hàng ăn Ấn Độ không khó tìm trên đất Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Dù đặc điểm rõ nét nhất là nếu như người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung thường dùng đũa để gắp thức ăn, người châu Âu sử dụng dao và thìa thì người Ấn Độ lại dùng tay. Có lẽ xuất phát từ cách ăn này mà đưa đến sự khác biệt rõ nét trong cách chế biến món ăn ở đất nước Nam Á.
“Vua về gia vị”
Trong ẩm thực Ấn Độ, gia vị được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo ra một món ăn ngon. Loại gia vị tạo hương thơm đặc trưng của người Ấn và không thể thiếu trong nhiều món ăn là bột cà ri. Đó là loại gia vị tổng hợp được tán thành bột từ nhiều loại cây khác nhau có mùi vị cay như nghệ, ớt, hạt tiêu, gừng... Bột cà ri mịn, có màu vàng được chế biến từ hơn 20 loại hương liệu khác nhau. Khi đến bất cứ một nhà hàng Ấn Độ nào, thực khách đều ngửi thấy mùi bột cà ri thơm lừng bay khắp nơi. Dường như món ăn nào người Ấn Độ cũng dùng bột cà ri, gà tẩm bột cà ri, vịt tẩm bột cà ri, khoai tây tẩm bột cà ri... Điểm chung là các món đều được nấu sệt, đặc nhưng mỗi món lại có một vị khác nhau, ngay cả khi dùng cùng nguyên liệu, do khác cách chế biến.
Bên cạnh đó, người Ấn Độ cũng chuộng các loại gia vị khác như nước gia vị chiết xuất từ các loại thảo mộc như quế, hồi, thảo quả, hồ trăn, đinh hương… có tác dụng tạo mùi thơm; bột gia vị làm từ trái cây như dừa, me, xoài… để tạo ra các vị chua, cay, béo. Trước khi dùng để nêm vào thức ăn, gia vị luôn được rang khô để cho hương thơm đậm đà, lâu tan.

Đặc sản cơm nị
Cũng giống như các quốc gia châu Á khác có lối ẩm thực dựa trên gạo là chính, cơm vẫn là món "đinh" trong bữa ăn của người ấn. Tuy nhiên khác với cách nấu cơm trắng của người Việt, người ấn lấy gạo xào với dầu hay bơ trước, sau đó mới cho nước vào nấu, khi cơm gần chín còn cho nhiều hương liệu khác như tiêu, hạt thì là, quế... Bên cạnh món cơm rang thông thường, còn có cơm nấu với cá, thịt gà, rau củ.
Cơm Ấn Độ nổi tiếng nhất là cơm nị. Có người giải thích chữ nị xuất phát từ chữ ghee, một loại bơ lỏng của ấn dùng để nấu chung với cơm. Cơm nị cũng phong phú như cà ri, có loại cơm nị màu trắng nấu chung với đậu Hà Lan, có loại cơm nị nấu chung với hạt điều nên có màu vàng, có loại cơm nị có lẫn những hạt bạc hà màu đen
Khi ăn, người Ấn thường cho cơm hoặc bánh vào trong khay, cho thức ăn và chan canh lên trên. Phần lớn người ấn dùng tay phải cuốn thức ăn vào trong bánh, hoặc dùng tay trộn cơm và thức ăn lẫn vào nhau, sau đó bốc ăn.
Tôn giáo và…
Trong chuyện bếp núc của người Ấn, tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng. Trong khi người Hồi giáo kiêng khem thịt lợn nhưng thích ăn thịt bò thì những tín đồ ấn giáo lại tuyệt đối không dùng thịt bò bởi họ coi bò là thần. Do đó với người không ăn chay, thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại hải sản. Theo phong tục của người ấn, trong các buổi tiệc cưới hỏi, lễ lạt quan trọng không thể thiếu món thịt cừu nấu với hạnh nhân.
Người Ấn Độ rất thích tráng miệng bằng trái cây như cam, chuối, dứa và đặc biệt là xoài. Trà (tiếng Hindi là chai) được ưa chuộng trên khắp cả nước trong khi cà phê thì kém phổ biến hơn, chủ yếu ở miền Nam ấn. Người ấn cũng thích các loại thức uống từ hoa quả như nước chanh, nước dừa. Dễ gặp ngoài đường phố là nước mía. Ấn Độ cũng có nhiều loại nước uống có cồn, chẳng hạn như toddy (rượu được pha chế bằng rượu mạnh, đường và nước nóng), Fenny và bia Ấn Độ.