Âm nhạc phải có tâm hồn

Nguyên Anh thực hiện 27/11/2009 00:00

35 năm gắn bó với jazz, điều nghệ sỹ piano jazz nổi tiếng của Bỉ Charles Loos nghiệm ra rằng, âm nhạc không chỉ có kỹ thuật, mà phải có tâm hồn. Với ông, mỗi buổi biểu diễn đều mang lại những cảm xúc mới mẻ mà nhiều khi đến từ chính khán giả.

Sinh tại Bruxelles năm 1951, nghệ sỹ dương cầm Charles Loos theo học nhạc cổ điển tại Bỉ. Sau đó, năm 1972, ông tới Trường Nhạc Berklee tại Boston, Mỹ học về sáng tác và phối khí nhạc jazz. 

Lấy cảm hứng từ nhạc thính phòng, dân ca, jazz cổ điển và đương đại, Charles Loos đưa vào sáng tác của ông những âm vị, tiết tấu và phong cách riêng biệt, dù khi ông chơi solo, song tấu hay tam tấu, dù trong các khóa giảng dạy hay khi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng thính phòng. Sau khi đoạt giải Sax dành cho buổi hòa nhạc hay nhất trong năm (1988); giải Jazz Rallye dành cho chương trình hòa nhạc sáng tạo nhất (1990) và giải Django d’or (1997), Charles Loos trở nên nổi tiếng không những ở Bỉ mà còn ở nước ngoài. Ông đã đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, từ châu âu, châu Mỹ đến châu Phi, châu Á. Ngoài sự nghiệp biểu diễn, ông còn giảng dạy nhạc và sáng tác nhạc cho các vở nhạc kịch và các vở balê.

Đến Việt Nam tham gia Liên hoan âm nhạc châu âu 2009, theo lời mời của Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, nghệ sỹ Charles Loos đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí.

Từng học nhạc cổ điển, sau đó lại rẽ ngang và gắn bó với jazz, điều gì ở jazz hấp dẫn ông đến vậy?

Tôi thích jazz bởi tính ngẫu hứng và nhịp điệu của nó.

Đến giờ ông vẫn hài lòng với quyết định của mình chứ?

Điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là được làm một nghệ sỹ nhạc jazz.

Nhưng thực tế, jazz rất kén khán giả?

Đúng là jazz không thu hút nhiều khán giả như các thể loại âm nhạc khác và cũng không phải là thể loại âm nhạc dễ kiếm tiền, nhưng chơi jazz đòi hỏi sự chân thành và do chưa bị thương mại hóa quá mức nên jazz vẫn giữ được sự “tươi nguyên” về mặt nghệ thuật. Và tôi thích điều đó.

Hiện nay lịch biểu diễn của ông thế nào?

Trung bình tôi biểu diễn 7-8 buổi/tháng. Mặc dù ở Bỉ jazz có thể phổ biến hơn ở Việt Nam, nhưng Bỉ là một nước nhỏ nên tôi cũng thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài. Dẫu không sung túc lắm, nhưng cuộc sống của tôi rất hạnh phúc và đầy đủ.

Âm nhạc của ông được đánh giá là “không giống ai”. Ngoài việc đưa yếu tố âm nhạc dân gian Bỉ vào tác phẩm của mình, điều gì đã tạo nên sự khác biệt của jazz Charles Loos?

Phong cách nhạc không quá quan trọng, mà quan trọng nhất là cái tâm và cái tài của nghệ sỹ khi chơi nhạc để truyền cảm hứng cho khán giả. Jazz phong phú, kỹ thuật cao nhưng vẫn dễ hiểu với số đông, không đòi hỏi bạn phải nghe hàng chục CD hay đọc những cuốn sách dày cộp về jazz mới có thể hiểu được. Nói như thế để thấy rằng, âm nhạc không mang tính bác học, hàn lâm mà rất gần gũi với mọi người. Với jazz, tính ngẫu hứng rất quan trọng, đôi khi phụ thuộc vào khán giả. Vẫn bản nhạc ấy nhưng mỗi lần biểu diễn lại khác nhau.

Ông thường chơi những bản nhạc do chính mình sáng tác. âm nhạc của ông ảnh hưởng nhiều nhất từ…?

Nhạc cổ điển. Nhưng khi nghe một bản nhạc hay, tự nhiên nó ngấm vào người mình, sau đó ảnh hưởng đến các sáng tác. Và tôi hấp thụ tất cả những thể loại âm nhạc mà tôi thích.

Vừa là nhạc sỹ, nghệ sỹ biểu diễn và giáo viên, ông thích vai trò nào nhất?

Đây là một câu hỏi khó. Nếu chỉ đi dạy nhạc, tôi sẽ không có cơ hội được thể hiện cảm xúc của mình với đông đảo công chúng. Còn nếu chỉ biểu diễn, tôi lại không thể chia sẻ, truyền lại những kinh nghiệm của mình cho người khác.

Đến Việt Nam lần này, ông có biểu diễn chung cùng nghệ sỹ Quyền Thiện Đắc. Ông nhận xét thế nào về anh ấy?

Trong chương trình tại Hà Nội, tôi và Quyền Thiện Đắc biểu diễn chung một số bản jazz standard. Đặc biệt, chúng tôi cùng biểu diễn một bản nhạc cho chính tôi sáng tác. Đây là một bản nhạc khó nhưng Đắc chơi khá ngẫu hứng, chắc. Nếu có điều kiện, tôi rất muốn mang Quyền Thiện Đắc theo trong các chuyến biểu diễn của mình. Và tất nhiên, nếu có cơ hội trở lại Việt Nam, tôi vẫn muốn được biểu diễn cùng Đắc.

Theo ông, biểu diễn cùng các nghệ sỹ bản địa có ý nghĩa thế nào?

Đó là một sự khám phá. Rất thú vị. Cũng trong đêm biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, tôi còn đệm đàn cho một giọng ca của Việt Nam (Trần Mai Hạnh, SV Học viện Ngoại giao - PV) và có một buổi lên lớp ngẫu hứng cùng sinh viên Học viện âm nhạc Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Âm nhạc phải có tâm hồn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO