Âm nhạc kết nối các nền văn hóa
Kết thúc Năm Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam 2013 là đêm nhạc sôi động và đầy màu sắc của ban nhạc truyền thống Nhật Bản AUN J - Đại sứ giao lưu văn hóa của Nhật Bản. AUN J đã pha trộn nhạc truyền thống Nhật Bản với nhạc hiện đại rock & roll, tạo ra những màn hòa tấu phá cách, đơn giản, lôi cuốn khán giả trẻ cả trong và ngoài nước.
![]() |
AUN J là ban nhạc truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản với 8 nhạc công trẻ. Trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tháng 12.2013, các nghệ sỹ đã mang đến một đêm nhạc hấp dẫn với những màn hòa tấu đa âm sắc của sáo Shakuhachi, đàn tì bà 3 dây Shamisen, đàn tranh 13 dây Koto, bộ gõ Narimoto và trống Taiko. Ban nhạc chơi giai điệu bè ngang không trên nền hòa âm nào, chỉ là tiết tấu trống đệm, mộc mạc nhưng đầy tài tình và quyến rũ.
Âm nhạc không biên giới
Với niềm tin “âm nhạc không biên giới nhưng có cội nguồn”, những năm qua, AUN J đã trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới nhằm quảng bá âm nhạc truyền thống Nhật Bản, đồng thời tìm sự đồng điệu trong âm nhạc truyền thống các nước. Cho tới nay, AUN J đã biểu diễn ở trên 70 địa điểm, trong đó có các địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản như đền Ise Jingu, đền Yoshino… Mùa xuân 2010, AUN J biểu diễn tại tu viện Le Mont Saint Michel, Pháp. Lần đầu tiên tu viện Le Mont Saint Michel cho phép tổ chức một buổi hòa nhạc tại đây. Mùa thu năm 2011, ban nhạc biểu diễn tại các di sản thế giới ở Rome và San Marino, Italy, và mùa thu 2012, biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng ở Dubrovnik, Croatia... Tại mỗi địa danh, AUN J thường biểu diễn cùng nghệ sỹ bản địa (tại Việt Nam AUN J biểu diễn với hai nghệ sỹ nhạc truyền thống Ngô Trà My và Nguyễn Thanh Thủy), cố gắng tìm sự đồng điệu với âm nhạc truyền thống nước sở tại, tìm hiểu sự đa dạng, phong phú của nhạc cụ các nước. “Chia sẻ âm nhạc của hai nước trên cùng một làn điệu sẽ khiến cho khán giả cảm nhận rõ hơn về âm nhạc của mỗi nước” - người sáng lập AUN J Kohei Inoue khẳng định. Khi kết hợp cùng nghệ sỹ các nước khác, qua âm sắc đồng điệu của các nhạc cụ, các nghệ sỹ hoàn toàn không thấy có khoảng cách và kết hợp với nhau nhuần nhuyễn, như đang đối thoại bằng âm nhạc.
Trong tour diễn mang tên One Asia (Một châu Á), AUN J đã qua Campuchia, Thái Lan, Indonesia và điểm dừng chân cuối cùng trong năm 2013 là Việt Nam. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa do Tổng cục Văn hóa Nhật Bản khởi xướng với mục đích thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước châu Á. Đến mỗi nơi, ban nhạc đều nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của khán giả, và tại Việt Nam cũng vậy. Nghệ sỹ Ryohei Inoue cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản có cùng cách tiếp cận âm nhạc truyền thống; âm sắc, nhạc cụ của Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng; khán giả Việt Nam thân thiện và mến khách, hào hứng đón đợi âm nhạc của Nhật Bản. “Chúng tôi cảm giác như không phải biểu diễn trước khán giả nước ngoài mà như đang cùng chia sẻ văn hóa, âm nhạc với bạn bè mình; như đang biểu diễn tại quê hương, đất nước mình vậy”.
Hướng đến khán giả trẻ
Tất cả các buổi biểu diễn ở nước ngoài của AUN J được phát sóng trong một chương trình đặc biệt trên kênh truyền hình BS Nippon. Ngoài ra, AUN J cũng thường xuyên xuất hiện trên sóng Daimei no nai Ongakukai (Đài truyền hình Asahi), Hanamaru Market (TBS), Shiki no Hibiki and Nihongo de Asobo (NHK). Theo Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Norihiko Yoshioka: “Với cách làm này, khán giả Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ có thể tiếp cận âm nhạc truyền thống của nước mình một cách mới lạ, thú vị; mặt khác, thông qua kênh này, nghệ sỹ Nhật Bản có thể tiếp cận âm nhạc châu Á, thưởng thức nét tinh tế và độc đáo của âm nhạc châu Á, qua đó tăng cường mối giao lưu âm nhạc giữa nghệ sỹ các nước”.
Kohei Inoue tâm sự, giống như nhiều thanh niên Nhật Bản, trước kia, anh cũng không thích nghe nhạc truyền thống, không thích tiếp cận nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, sau khi cảm nhận được những sắc thái, cung bậc mà âm nhạc truyền thống mang đến, anh đã thành lập AUN J, kết hợp âm điệu của sáo tre rắt réo, tiếng trầm du dương của đàn tì bà, tiếng đàn tranh làm nhạc nền của châu Âu hiện đại cùng với chũm chọe đa sắc trên tiết tấu trống đệm phong cách rock & roll, tạo những bản hòa âm độc nhất vô nhị, “để các bạn trẻ hiểu và thêm yêu nhạc truyền thống Nhật Bản”.
Tại Nhật Bản, AUN J được đánh giá cao bởi đây là ban nhạc rất trẻ nhưng đã cố gắng giới thiệu âm nhạc truyền thống Nhật Bản, không phải theo các hình thức khó như nhìn nhận của nhiều người mà tự tìm hiểu, thử nghiệm và đưa ra những màn hòa tấu phá cách đơn giản, để mọi người, đặc biệt là giới trẻ hào hứng đón nhận. Chính vì thế, AUN J đã được Tổng cục Giao lưu văn hóa Nhật Bản bổ nhiệm là Đại sứ giao lưu văn hóa năm 2013. Ông Norihiko Yoshioka cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua AUN J sẽ thường xuyên có những dự án hợp tác biểu diễn âm nhạc truyền thống giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam. Ban nhạc là điển hình cho nỗ lực trong các hoạt động kết nối văn hóa truyền thống Nhật Bản với các nước và ngược lại. Chúng tôi kỳ vọng không chỉ ở 1 - 2 buổi biểu diễn trong một vài dự án mà còn nhiều buổi biểu diễn thành công theo cách AUN J đã và đang thực hiện”