Âm nhạc cổ điển vì cộng đồng

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:29 - Chia sẻ
Tạo lập môi trường và không gian cho người trẻ theo đuổi âm nhạc là công việc lâu dài mà một vài cá nhân không thể thực hiện. Theo nghệ sĩ Lưu Đức Anh, nhà sáng lập Inspirito School of Music, ở các nước châu Âu, nguồn cảm hứng âm nhạc có khắp nơi, tràn ngập các khu phố cổ mỗi cuối tuần, tạo nên không gian khác biệt, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Đây có thể là những gợi ý cho chúng ta trong tiếp cận và giáo dục âm nhạc cổ điển thời gian tới.

Thay đổi cách tiếp cận

Tại lễ ký kết hợp tác giáo dục âm nhạc cổ điển giữa Inspirito School of Music và Viện Giáo dục nghệ thuật Việt Nam (VIA Education) chiều 11.1, nghệ sĩ Lưu Đức Anh chia sẻ, âm nhạc cổ điển chưa phát triển ở Việt Nam, cả khía cạnh lịch sử và biểu diễn. Nếu như ở các quốc gia khác, việc nghe nhạc ở nhà thờ vào cuối tuần hay mua vé đi nghe nhạc ở nhà hát là một thói quen, thì ở nước ta điều đó vẫn còn khá mới mẻ.

“Giữ nguyên những chuẩn mực của nhạc cổ điển, không gần gũi thì khán giả sẽ bỏ qua. Vì vậy, tận dụng những thuận lợi của thời hội nhập, chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm cách tiếp cận mới nhằm đưa các bạn trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển, trong môi trường đúng nghĩa, để các em hiểu về âm nhạc, yêu nghệ thuật và có trách nhiệm với xã hội”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh cho biết.

Cũng theo nghệ sĩ Lưu Đức Anh, trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, không gian biểu diễn âm nhạc tại nước ta chỉ ở một vài địa điểm như Nhà hát Lớn Hà Nội hay phòng hòa nhạc của các Học viện Âm nhạc... Song, hiện tại, các bạn trẻ biểu diễn ở khắp nơi, với nhiều quy mô và mục đích khác nhau. Đây cũng là thuận lợi để đưa âm nhạc phát triển rộng khắp và khẩn trương hơn. “Ngay ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, không gian biểu diễn loại hình âm nhạc này vẫn hạn hẹp, thời gian biểu diễn hạn chế, lượng khán giả không nhiều. Nhưng nghệ sĩ chưa bao giờ bỏ cuộc, họ luôn đam mê, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp. Do đó, không nên để tâm huyết của nghệ sĩ bị lãng phí”.

Từng phát triển sự nghiệp từ loại hình âm nhạc hàn lâm này, nghệ sĩ Thanh Bùi, nhà sáng lập VIA Education cho rằng, âm nhạc cổ điển có sự gò bó, phức tạp, “nghiêm túc”… nhưng có sự khác biệt đẳng cấp và đầu tư nghiêm túc trong thời gian, kỹ thuật nhất định. “Các bạn trẻ phải thực sự đam mê, thích thú về nhạc cổ điển, để thứ âm nhạc này đến với họ một cách tự nhiên chứ không ép buộc, nhất là xu hướng gần đây nhiều bạn trẻ mong muốn thưởng thức loại hình âm nhạc không có lời, âm nhạc cổ điển trong sáng. Vì thế, tôi muốn đem nó đến với mọi người một cách gần gũi và nhẹ nhàng hơn”.

Các nghệ sĩ biểu diễn trước khán giả yêu nhạc cổ điển tại không gian của Viện Goethe Hà Nội

Đào tạo theo chuẩn mực quốc tế

Mong muốn có được lớp công chúng mới yêu thích và đam mê nhạc cổ điển, nghệ sĩ Lưu Ðức Anh cho rằng, cần có tư duy mới trong sáng tác, đào tạo, giảng dạy cùng cách thức và tổ chức biểu diễn. “Một thời gian ngắn trước đây, tư duy của tôi về nhạc cổ diển cũng khác xa bây giờ. Tôi từng có tư tưởng bảo thủ, cực đoan khi cho rằng nhạc cổ điển vốn như thế nào cần được giữ nguyên bản.

Tuy nhiên, sau thời gian về Việt Nam, tôi thấy thứ nhạc cổ điển tôi vẫn chơi vốn xuất phát từ dân ca, dân vũ của châu Âu. Trong khi đó, dân ca Việt Nam là một kho tàng đồ sộ, đa dạng và phong phú nhất thế giới. Với suy nghĩ ấy, tôi đã có ý tưởng kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam và nhạc cụ phương Tây, sáng tác theo tiểu phẩm 3 đoạn, 2 đoạn, có chiều sâu… để có được ngôn ngữ chung giữa Việt Nam và thế giới”.

Bên cạnh việc sáng tác, các nghệ sĩ cũng coi trọng quá trình biểu diễn với những workshop nhỏ về chỉ huy, hòa tấu. Lưu Ðức Anh đưa ví dụ, trong những buổi biểu diễn nhỏ, anh thường kết hợp biểu diễn tác phẩm với việc giải thích sâu hơn về tác phẩm đó, hay kết hợp biểu diễn âm nhạc trong không gian triển lãm, tổ chức sự kiện... Với những chương trình biểu diễn thực hành lớn hơn tại Viện Goethe Hà Nội và Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom trong dự án “Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc” và chuỗi “Âm nhạc thế kỷ XX” trong năm 2020 - 2021, anh cùng các nghệ sĩ thực hiện các không gian biểu diễn tương ứng với các thời kỳ âm nhạc, từ Baroque đến cổ điển, lãng mạn, hiện đại. Cũng qua hoạt động này, nghệ sĩ đã có suy nghĩ thoáng hơn về cách sử dụng âm nhạc cổ điển, có thể phát triển khá rộng, theo nhiều hướng nhưng vẫn giữ được các chuẩn mực, thẩm mỹ chứ không phá cách quá đà để thành sản phẩm “sến sẩm”.

Để chuẩn bị nền tảng giáo dục, nhà sáng lập Inspirito School of Music cho hay, trường đã chuẩn bị bộ giáo trình phong phú, phân chia theo các giai đoạn, nhu cầu khác nhau, để người học từ chỗ nắm được nhạc lý cơ bản đến lựa chọn theo học các chứng chỉ quốc tế, chương trình chuyên sâu trong các giai đoạn tiếp theo...

“Với chương trình học bài bản, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy và biểu diễn tại các sân chơi quốc tế, sự gia tăng các buổi biểu diễn, sự quan tâm nhiều hơn của công chúng tới âm nhạc cổ điển là tín hiệu tích cực cho sự chuyển mình của loại âm nhạc này trong nước. Ðiều đó càng thôi thúc, củng cố niềm tin cho nghệ sĩ trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới”, nghệ sĩ Lưu Ðức Anh tin tưởng.

Hương Sen