Một Hà Nội vẹn nguyên trong ký ức
Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố...
“Tôi như thấy cả một Hà Nội còn vẹn nguyên trong ký ức” - Đại tá Dương Niết không giấu được xúc động nhìn bản nhạc Tiến về Hà Nội của cố nhạc sĩ Văn Cao tại sự kiện giới thiệu tài liệu lưu trữ về tiếp quản Thủ đô do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức sáng 24.9. Nhạc phẩm được sáng tác năm 1949 - trước khi Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Đại tá Dương Niết khi ấy là cậu thanh niên 16 tuổi, đầy ý chí và khát vọng chiến đấu.
“Khi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc Tiến về Hà Nội, tôi và anh em bộ đội lúc bấy giờ được nghe và rất thích. Có lúc, trong thời điểm khó khăn của cách mạng, ca khúc không được dùng vì sợ ‘lạc quan tếu’. Nhưng chúng tôi vẫn thuộc, hát nhẩm mà thấy lòng phấn chấn, tràn đầy tin tưởng. Quả thực, niềm tin ấy đã thành sự thật. 5 năm sau, chúng tôi được đem vinh quang sức dân tộc trở về…”, Đại tá Dương Niết chia sẻ.
Ngày 7.10.1954, Dương Niết nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được đơn vị lựa chọn vào thành phố đợt đầu. Tuy là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nhưng khi về tiếp quản Thủ đô, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca phải đóng giả là cảnh vệ thành vì quân Pháp yêu cầu lực lượng tiếp quản không phải là bộ đội chính quy, không được mang theo vũ khí, không đeo huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.
Cả đoàn được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đêm ấy hành quân về làng Vân, phía Bắc cầu Đuống, các chiến sĩ được bà con đón tiếp rất nồng hậu. Đại tá Dương Niết nhớ lại, chiều 7.10, lúc anh nuôi chuẩn bị nấu cơm thì các bà, các chị mang gà, gạo, rau tới. Mặc dù anh nuôi giải thích là bộ đội không được nhận nhưng các bà, các chị vẫn cứ nấu cơm và mời bộ đội. "Bữa cơm ấy chúng tôi xúc động đến giờ vẫn ghi nhớ mãi”.
Theo kết quả đàm phán với ta tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Pháp sẽ đón bộ đội Việt Nam tại cầu Đuống. Đúng 8 giờ sáng 8.10.1954, Tiểu đoàn Bình Ca có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Đứng chờ lúc lâu, một hạ sĩ quan Pháp ra mời bộ đội Việt Nam vào, tổ chức lễ đón chính thức trên cầu. Kết thúc lễ đón, 30 chiếc xe GMC của Pháp đưa các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vào Hà Nội.
Trời hôm ấy lất phất mưa phùn. Lấy lý do đó, viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ kín bạt để dân không nhìn thấy bộ đội ta trên xe. Tuy nhiên, một số anh em ngồi trên đầu xe vén bạt nhô người ra và khi đoàn về đến Gia Lâm thì người dân ùa ra đường hoan hô. Viên sĩ quan Pháp tỏ ra khó chịu, cho xe chạy nhanh về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ).
Mừng ngày chiến thắng
Đại tá Dương Niết kể, có điều thú vị là 214 người lính trong Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản Thủ đô ngày 8.10.1954, mỗi người đều mang theo những vật dụng sinh hoạt thiết yếu như chăn màn, giấy vệ sinh, dây mắc màn và một cây chổi. Bởi lẽ, thời điểm chuyển giao, cấp trên tính toán các công ty vệ sinh của chính quyền cũ không còn hoạt động, đường phố sẽ lộn xộn, mất vệ sinh nên những người về tiếp quản phải mang theo chổi để quét dọn. “Thực ra, chúng tôi chỉ quét dọn ở các điểm quân Pháp đóng và đang rút đi để quân ta về tiếp quản, còn đường phố vô cùng sạch sẽ, gọn gàng do bà con đã dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng…”.
Không khí Hà Nội trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên thì cả Hà Nội đã rợp cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập, nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu. Theo lời Đại tá Dương Niết, đêm 9.10, cả Hà Nội dường như không ngủ. Ai cũng háo hức, người dân thức cả đêm làm cổng chào, căng khẩu hiệu, chào mừng ngày chiến thắng...
Đến 5 giờ ngày 10.10.1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. 15 giờ ngày 10.10.1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ thiêng liêng do Ủy ban quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ…
“Điều thú vị là tất cả những hình ảnh ấy đã được thể hiện qua các văn bản báo cáo của các ngành, các đơn vị quân đội, trong đó có những bản báo cáo ghi theo từng khung giờ, chi tiết từ quang cảnh, thời tiết ra sao, con người thế nào…”. Chỉ ra như vậy, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa nhận định các tài liệu ảnh chụp, nhạc phẩm, câu chuyện ký ức của nhân chứng... đã góp phần tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô. Đó chính là minh chứng sinh động về Hà Nội thời điểm tiếp quản Thủ đô, nói lên tâm thế, niềm tin và ý chí của quân và dân ta lúc bấy giờ. Như sinh thời, cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ: những dự cảm (khi viết bài Tiến về Hà Nội) của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội thời điểm ấy: Quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô!