Alice Munro và những liên tưởng

ĐĂNG BẨY 31/10/2013 08:30

Không gì hơn truyện đời thường

Alice Munro bắt đầu viết truyện sau ba lần chửa đẻ và một thời nội trợ gia đình, cứ như vậy cho đến tuổi ngoài 35 bị rơi vào trạng thái sầu não. Bà mở một nhà sách và tìm ra cứu tinh cho mình: sống giữa những kệ sách, nghe những khách hàng thường vui miệng kể lại những câu chuyện đời bình dị, bà ghi chép và phát hiện năng khiếu viết. Từ tập truyện ngắn đầu tay Vũ điệu những cái bóng của hạnh phúc (1968) đến nay, bà đã có 14 đầu sách cùng những giải thưởng văn chương uy tín của Canada và thế giới. Giải thưởng văn chương chủ chốt của hành tinh năm nay với sứ mệnh cổ súy tinh túy của văn học đã thấy không còn gì hơn các câu truyện đời thường của Alice Munro.

Cũng như bất cứ một giải thưởng văn chương nào, Nobel Văn học có thể giải nhiều phép tính. Phép tính chính trị: giải năm qua cho nhà văn Mạc Ngôn - người Trung Quốc đầu tiên - như một cách dàn hòa sau rất nhiều tranh chấp về vấn đề quốc gia, dân tộc trong văn học, và nó đảm nhiệm công việc của giải Nobel Hòa bình hơn là của giải Nobel Văn học. Giải cũng có thể suy tôn công trạng như trường hợp Tomas Transtromer (2011), song vị tất đã làm tăng lượng sách bán và lượng người đọc thi sĩ Thụy Điển ấy. Giải lần này cho Alice Munro như muốn kể cho những ai còn chưa biết đến một tác giả có công trạng, để khuyến khích việc dịch tác phẩm của bà sang những ngôn ngữ khác. Đây là tác giả đã rất quen thuộc với người đọc Anh ngữ và được liệt vào hàng kinh điển từ lâu: không một nhà phê bình văn học nào nói rằng đó là “một tên tuổi còn lạ lẫm” như với nhà văn Đức xuất thân từ Romania Herta Müller (nhận giải năm 2009), rằng “tài năng còn nhẹ đồng cân” như với nhà soạn kịch Italy Dario Fo (1997), rằng “kích dục, khiêu dâm” như với nữ tác giả Áo Elfriede Jelinek (2004). Tuy vậy, các nhà xuất bản Anh rất nóng lòng chờ đón sự tăng trưởng doanh số từ sách của Alice Munro - điều mà họ đã không được thỏa mãn từ sách của người Hán, Mạc Ngôn (2012) và người Pháp Le Clézio (2008).  

Phục hồi vị trí truyện ngắn

Ủy ban Nobel vừa làm được một việc quan trọng - phục hồi vị trí của thể loại truyện ngắn: trước đó, tất cả các nhà văn được giải Nobel, không ai là không có tiểu thuyết, duy chỉ có Alice Munro. “Bậc thầy truyện ngắn hiện đại” - nhận xét về Alice Munro của Ủy ban Nobel chưa bao giờ khô khan và cụ thể như thế - kiểu nhận xét này khác với “thứ chủ nghĩa hiện thực đầy ảo giác pha trộn giữa truyện kể dân gian, lịch sử và văn chương hiện đại” dành cho Mạc Ngôn, hay “sự nghiên cứu đối với những cấu trúc quyền lực cũng như các hình tượng văn học được xây dựng sắc sảo về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân” dành cho nhà văn Peru Vargas Llosa (2010). Cũng phải thấy hiện nay độc giả bất kỳ thứ ngữ nào - Anh, châu Âu, Mỹ Latin… - đều… mệt bởi tiểu thuyết. Mà các viện sĩ Thụy Điển cũng chưa phải người đầu tiên nhận ra hiện trạng đó - đấy chỉ là kẻ theo đuôi các vị giám khảo Booker Quốc tế - đối thủ hiển nhiên của giải Nobel: ngay từ năm 2009 họ đã trao thưởng cho Alice Munro, và năm 2013 - cho nhà văn Mỹ Lydia David, tác giả của những truyện cực ngắn. “Những con người nhỏ bé, những cảm xúc lớn lao. Một cách mô tả cuộc sống đời thường thật kỳ diệu” – ông thư ký thường trực Peter Englund đã giải thích thêm cho báo giới về quyết định của Ủy ban Nobel như thế. Đây quả là một bước ngoặt lớn nếu tính đến những chọn lựa trước đây của họ - những chủ nghĩa “hậu thực dân”, “hiện thực huyền thoại”, “huyền thoại”, “kỳ dị”, “khiêu dâm”, “hậu hiện đại” trong văn xuôi. Quyết định năm nay của Ủy ban Nobel nhằm nhiều mục đích: chuyển hướng từ lối viết tiểu thuyết trường thiên là phương cách nhãn tiền để làm mới văn xuôi hiện đại. Ngoài ra, những truyện ngắn hay thường đòi hỏi lao động trí óc (kịch tính, triết học) nhiều hơn. Các nhà xuất bản vốn khát tiền sẽ chẳng phải mất công thuê người dịch những cuốn tiểu thuyết dày của những người được giải khác, bây giờ họ cần đến những người không vội vã và giàu trải nghiệm tuyển chọn những tập truyện ngắn của Alice Munro. Rộng đường lựa chọn, lượng trang vừa phải - những dịch giả uy tín hoặc những nhà văn dân tộc nổi tiếng có thể dễ hút vào việc dịch ra ngôn ngữ của mình. Và những cuốn sách gắn mác “giải thưởng Nobel văn học 2013” chắc chắn sẽ hút ánh mắt của người đọc bình thường mỗi khi vào hiệu sách. “Tôi đã mất nhiều năm trời cho ý nghĩ viết truyện ngắn là để dạo bút trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, nhưng sau rồi mới hiểu ra: truyện ngắn là toàn bộ những gì tôi làm được, phải chấp nhận thôi. Hy vọng rằng những nỗ lực của tôi dồn nhiều hơn nữa cho truyện ngắn sẽ bù đắp tất cả” – Alice Munro chẳng từng tâm sự trên tờ The New Yorker đấy sao. Là bậc thầy truyện ngắn, có thể sánh với nhà văn Mỹ O’ Henry, bà viết về những mối quan hệ giữa người đàn ông với người đàn bà, giữa vợ với chồng, giữa mẹ với con, đôi khi đó là thứ quan hệ phức tạp. Bà tạo nên một thế giới hoàn toàn riêng biệt, gắn bó với những chỗ mà bà biết rất rõ – Canada, Ontario, Hồ Lớn. Bà là nhà văn Canada đặc sệt. Khi gặp bà, thấy tất cả các người đọc Canada đều rạng rỡ, bởi vì tất cả họ đều chấp nhận các tác phẩm của bà. Nếu như cộng đồng độc giả Nga cuối thế kỷ XIX tìm được ở Dostoyevsky lời giải cho mọi câu hỏi, tìm được ở Chekhov những từ ngữ chính xác cho từng động thái nội tâm, thì người Canada hôm nay cũng tìm thấy như thế, ở Alice Munro. Sách của bà đã được dịch ra 27 thứ ngữ.

Đại biểu một đất nước

Trong lịch sử giải Nobel văn học, Alice Munro là nhà văn Canada đầu tiên, nếu không tính Saul Bellow (1915 - 2005, sinh ra tại Quebec nhưng sống và viết ở Mỹ, được giải năm 1976). Như thế có nghĩa bà đã tước đi cơ hội xứng đáng của một bạn văn đồng hương - Margaret Atwood, người nhận tin Alice Munro được giải đã viết ngay trên trang cá nhân của mình: “Hoan hô”.

Nhưng Alice Munro cũng chỉ là người phụ nữ thứ 13 nhận giải Nobel văn học. Đang ngon giấc ở nhà người con gái đã bị cánh phóng viên đánh thức, và tin vui khi đứt giấc đã làm bà… cáu kỉnh. 

Alice Munro viết về những thị trấn nhỏ bé của một vùng Ontario, ở đó có ít sự kiện xảy ra - trong truyện của bà cũng vậy. Nhưng bà dừng lại khá kỹ ở nội tâm các nhân vật nữ, lấy ngọn nguồn cảm hứng từ mẹ mình. Bà rất chăm chú phản ánh sự phát triển dục tính của người phụ nữ. Sự tập trung vào chủ đề được phản ánh khá rõ qua nhan đề tác phẩm, tiêu biểu nhất là Cuộc sống của người con gái và người đàn bà, một tập truyện ngắn với cốt truyện đan cài dễ khiến người ta lầm tưởng là tiểu thuyết. Bịa cho mình một cái tên hồi thơ ấu, Alice Munro dẫn người đọc tới kết luận “cuộc sống con người mới buồn tẻ, đơn giản, khó tin và khó hiểu làm sao - những hang động ẩn rất sâu dưới lớp vải dầu phủ trên bàn bếp”. Bà là thần tượng của Jonathan Franzen - nhà văn hiện đại chủ chốt ở Mỹ hiện nay, tác giả Tự do, “cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Mỹ” đi sâu vào phân tích tâm lý của những con người bình thường. Văn Alice Munro tiệm cận sự sâu sắc và hàm súc của văn hào Nga Chekhov.

Giải Nobel văn học 2013 có vẻ đi ngược lại với ý đồ của Alfred Nobel: nhà sáng chế Thụy Điển vốn nuôi ý định trao thưởng cho những nhân vật kiệt xuất để khích lệ họ tạo nên kỳ tích mới cơ mà. Bà Alice Munro 82 tuổi ngay từ mùa hè vừa rồi đã tuyên bố có thể gác bút, và cuốn Cuộc đời quý giá rõ ràng đã là tác phẩm cuối cùng của bà. Alice Munro nói rằng bà đi theo lốt chân của một nhà văn Mỹ - lão làng, nhưng không hề giống mình và cũng là ứng viên quan trọng của Nobel 2013 - Philip Roth, người sắp đón tuổi 80 và mùa thu năm 2012 đã tuyên bố ngừng sáng tác. Bà nói: “Tôi rất phấn khích bởi Roth. Bây giờ thấy ông ấy thật là hạnh phúc”. Cái nhìn của hai nhà văn uy tín trước tuổi tác của mình có thể trở thành cốt của một truyện ngắn riêng, mà truyện ngắn ấy dẫu không được viết ra thì đâu đã là tai họa.

Alice Munro và những liên tưởng ảnh 2ALICE MUNRO sinh ngày 10.7.1931 tại Wingham, Canada, xong bậc phổ thông vào học khoa Báo chí và Ngôn ngữ Anh Đại học Bắc Ontario nhưng bỏ dở để lấy chồng, chuyển về sống tại Bắc Vancouver rồi Victoria (từ 1963). Đã in 14 đầu sách, trong đó hầu như toàn truyện ngắn: Vũ điệu cái bóng của hạnh phúc (Dance of the Happy Shades, 1968), Cuộc sống người con gái và người đàn bà (Lives of Girls and Women, 1971), Tôi có chuyện muốn kể với các bạn (Something I’ve been Meaning to Tell You, 1974), Cô tưởng mình là ai? (Who Do You Think You Are? 1978), Bạn đồng hành của Jupiter (The Moons of Jupiter, 1982), Tiến triển của tình yêu (The Progress of Love, 1986), Bạn thời trẻ của tôi (Friend of My Youth, 1990), Những bí mật hé mở (Open Secrets, 1994), Tình yêu của người phụ nữ tử tế (The Love of a Good Woman, 1998), Hờn ghen, thân thiết, chiều chuộng, đắm say, hôn nhân (Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage, 2001), Trốn chạy (Runaway, 2004), Cảnh quan từ triền nham thạch (The View from Castle Rock, 2006), Quá nhiều hạnh phúc (Too Much Happiness, 2009) và gần nhất là Cuộc sống quý giá (Dear Life, 2012). Văn tài đã mang lại cho bà danh hiệu Nhà văn Bậc thầy của ba trường đại học Bắc Ontario, Columbia Anh (ở Canada) và Queensland (Australia), các giải thưởng Man Booker Quốc tế (2009, về toàn bộ tác phẩm), hai giải Scotiabank Giller Prizes, ba giải của Thủ hiến (1968, 1978, 1986 - giải thưởng văn học danh giá nhất của Canada), giải của Khối thịnh vượng chung, giải Marian Engel, giải của Hiệp hội các nhà phê bình sách Quốc gia Mỹ và bây giờ là Nobel Văn học 2013.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Alice Munro và những liên tưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO